“Người Nhật không thể tưởng tượng được việc phải đối mặt với tình trạng bạo lực súng đạn như ở Mỹ. Đó là một khoảnh khắc không thể nói thành lời. Tôi sẽ cầu nguyện những điều tốt nhất cho cựu Thủ tướng Nhật Bản".
"Điều gì sẽ xảy ra với tâm lý của người dân nước này khi trước giờ họ vẫn tự do đi lại và tương tác xã hội với nhau. Họ không phải sử dụng kiểu bạo lực như vậy", bà Nancy Snow - Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế nhận định với CNN.
"Theo tôi, vụ việc ngày 8/7 sẽ thay đổi Nhật Bản, thật không may là mãi mãi".
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã gây sốc trên toàn nước Nhật - quốc gia có tỷ lệ tội phạm liên quan đến súng đạn thấp nhất thế giới do luật kiểm soát súng đạn vô cùng nghiêm ngặt.
Năm 2018, Nhật Bản chỉ có 9 người chết liên quan đến súng đạn, so với 39.740 vụ ở Mỹ. Theo đạo luật kiểm soát súng đạn ở Nhật Bản, những loại súng duy nhất được bán là súng shotgun và súng hơi trong khi súng ngắn cũng bị cấm. Tuy nhiên, để sở hữu những khẩu súng trên cần thông qua một quy trình phức tạp và kéo dài.
Để mua súng ở Nhật Bản, khách hàng phải tham gia một lớp học toàn thời gian, thi đỗ kỳ thi viết và bài thi ở trường bắn với độ chính xác là ít nhất 95%. Họ cũng phải trải qua các cuộc kiểm tra đánh sức khỏe tâm thần cũng như hồ sơ lý lịch nghiêm ngặt - trong đó có tiền sử phạm tội, các khoản nợ, việc liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức cũng như các mối quan hệ gia đình và bạn bè.
Năm 2019, ước tính chỉ có khoảng 310.400 khẩu súng mà người dân Nhật Bản sở hữu, so với dân số 125 triệu người ở quốc gia này.
Năm 2007, Thị trưởng Nagasaki ở phía Nam Nhật Bản - ông Ichho Ito đã thiệt mạng sau khi bị bắn ít nhất 2 lần vào lưng. Kể từ đó, Nhật Bản ngày càng thắt chặt luật kiểm soát súng đạn, áp đặt những hình phạt nặng nề hơn với các tội danh liên quan đến súng đạn./.