Ban đỏ do nhiệt bởi vì máy tính trên đùi
Mới đây, bác sĩ Luo Hongbin, phó trưởng khoa Khoa Da liễu và Thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã thông tin về trường hợp một cô gái trẻ ngoài 20 tuổi đã đến khám bệnh sau khi phát hiện trên chân của mình xuất hiện những “lưới” màu đỏ tím trên phần da chân.
Sau khi tiến hành khám, các bác sĩ phát hiện ra đây chính là tình trạng ban đỏ do nhiệt (Erythema Ab Igne - EAI).
“Sau khi thăm khám, tôi phát hiện cô gái thường có thói quen đặt máy tính lên đùi để làm việc trong vòng vài tuần trước đó. Khi tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ thấp, tuy không gây ra bỏng da nhưng sẽ dẫn đến tăng sắc tố hình mạng lưới và giãn mạch ở vùng tiếp xúc với thiết bị phát nhiệt.” - bác sĩ thông tin.
Theo đó, khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với nhiệt độ cao (khoảng từ 37 độ trở lên, thường ở ngưỡng 43-47 độ), dù không đủ để làm bỏng hay có cảm giác nóng rát rõ ràng nên mọi người thường không để. Sau một thời gian dài, EAI có thể xuất hiện.
Không chỉ là máy tính, khi da tiếp xúc với nguồn nhiệt độ thấp không đủ gây bỏng trong thời gian dài như túi chườm nóng, dùng máy sưởi, tấm giữ nhiệt… cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Dù những cơn đau không quá rõ ràng nhưng có thể ảnh hưởng lớn tới ngoại hình và phương pháp điều trị tương đối phức tạp.
Bác sĩ cho biết, do cô gái được phát hiện kịp thời, ngưng thói quen đặt laptop lên đùi và bôi các loại kem có tác dụng tái tạo, bảo vệ da như mucopolysaccharide polysulfate, kem vitamin E... nên các vết ban đỏ đã có thể phục hồi về trạng thái ban đầu.
Tuy nhiên, các tổn thương này đôi khi có thể để lại những dấu vết vĩnh viễn không thể chữa lành, đồng thời, nếu kéo dài có khả năng phát triển thành tổn bệnh nghiêm trọng như ung thư biểu mô tế bào vảy. Chính vì vậy, người mắc vẫn nên điều trị theo hướng dẫn một cách cẩn thận và theo dõi tình trạng thường xuyên.
Cần làm gì để phòng tránh ban đỏ do nhiệt
Bác sĩ Luo nhắc nhở, làn da vốn mỏng manh hơn chúng ta nghĩ, chính vì vậy, ngoại trừ bỏ thói quen đặt laptop lên đùi khi sử dụng trong thời gian dài, cũng cần lưu ý một số điểm sau, đặc biệt khi dùng các thiết bị sưởi ấm vào mùa đông.
Kiểm soát nhiệt độ và thời gian
Khi sử dụng bình nước nóng, nhiệt độ nước không nên quá cao, tốt nhất nên quấn một lớp cách nhiệt như khăn bên ngoài để tránh tiếp xúc trực tiếp nước nóng với da. Làm ấm chăn điện trước khi đi ngủ, tắt hoặc điều chỉnh ở mức thấp khi ngủ, tránh sử dụng suốt đêm.
Giữ khoảng cách an toàn với lò sưởi
Khi sử dụng thiết bị sưởi ấm như lò sưởi, hãy giữ khoảng cách an toàn ít nhất một mét để tránh tổn thương da do tiếp xúc gần. Tránh sưởi cùng một vị trí cơ thể ở khoảng cách gần trong thời gian dài để tránh làm hỏng da.
Chú ý đến phản ứng của da
Bất kể sử dụng phương pháp sưởi ấm nào, cũng nên chú ý đến những thay đổi trên da. Khi xuất hiện tình trạng đỏ, sưng, đau hoặc sắc tố bất thường, hãy ngừng sử dụng thiết bị có liên quan ngay lập tức và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.
Chú ý các nhóm đối tượng đặc biệt
Người bị tiểu đường, rối loạn tuần hoàn máu, người béo phì, người già yếu, người nằm liệt giường lâu ngày, bệnh nhân suy giáp, trẻ sơ sinh và những người có độ nhạy cảm nhiệt độ tương đối chậm và da mỏng dễ bị ban đỏ kích ứng, cần đặc biệt chú ý.
Nguồn: 163.com