Ở Sài Gòn có khá nhiều quán ăn bình dân siêu ngon mà đôi khi chỉ chậm chân một chút là đã bỏ lỡ cơ hội thưởng thức. Ví như quán xôi lá sen của chàng trai 9x ở chợ Phạm Văn Hai, mỗi buổi sáng chỉ bán vỏn vẹn gần 3 giờ đồng hồ là hết veo, thế nên thực khách vẫn đùa rằng nhiều khi có tiền cũng không mua được.
Quán xôi ở chợ Phạm Văn Hai được người Sài Gòn gọi vui là quán xôi "hot boy".
Quán xôi nhỏ trên vỉa hè, không biển hiệu bề thế nhưng từ sáng sớm khách đã đứng đợi rất đông. Là các anh, các chị nhân viên văn phòng, các em học sinh hay người lao động - những người cần một bữa ăn sáng nhanh gọn nhưng vẫn chất lượng, và đương nhiên là giá cả cũng rất phải chăng.
Điểm đặc biệt là xôi ở đây được gói cẩn thận trong những chiếc lá sen thay vì bằng lá chuối, giấy báo hay hộp xốp mà người Sài Gòn vẫn thường dùng. Hỏi ra mới biết vì chủ quán muốn dùng lá sen để giữ hương vị và độ ấm cho xôi, vì vậy dù để lâu vẫn giữ được độ dẻo. Đồng thời người làm xôi cũng mong muốn giữ gìn cái tinh hoa của ẩm thực phương Bắc nên cố gắng sử dụng lá sen để gói xôi, dù giá thành của nguyên liệu này không hề rẻ.
Quán có 4 loại xôi là: xôi lúa (xôi bắp), xôi xéo, xôi cốm, xôi gấc. Đều là những món xôi đặc trưng của Hà Nội.
Thông thường quán dọn ra bán lúc 6h30 sáng và dọn về lúc 9h, vào ngày rằm thì chỉ khoảng 8h sáng là xôi đã hết veo. Một vị khách tâm sự: "Xôi ở đây nấu khéo lắm, hạt nếp lúc nào cũng dẻo và mềm, hương vị rất thơm, mà giá cũng rẻ nữa. Thời buổi này để một gói xôi lá sen ở thành phố với giá 10 ngàn đồng thì cũng hiếm đấy!". Nói rồi vị khách cười tủm tỉm: "À với cả... anh bán xôi cũng đẹp trai nữa".
Nhiều khách hàng vẫn len lén lấy điện thoại chụp lại anh chủ điển trai.
Nán lại đến khi khách đã vơi tôi mới có dịp trò chuyện cùng "chàng hot boy bán xôi". Cậu tên Đức Huy, sinh năm 1995, người Hà Nội. Huy cùng bố mẹ vào Sài Gòn sinh sống đã 5 năm, đó cũng là khoảng thời gian cậu bắt đầu công việc bán xôi ở góc đường này. Bố của Huy bảo, để có được một cậu con trai trưởng thành như hôm nay là cả một hành trình dài.
Trước đây Huy rất ngại khi phải ra đường bán buôn như thế này.
"Ngày trước ở Hà Nội nhà chú cũng buôn bán nhưng chẳng bao giờ nó ra ngoài rửa bát bưng bê đâu. Ban đầu vào Sài Gòn, cô chú bảo nó xuống bán xôi nó cũng ngại, nhưng rồi thấy bạn bè cũng đi làm, cũng bưng bê phục vụ, biết tận dụng thời gian để kiếm tiền, nên cũng bắt đầu tập tành. Ở Sài Gòn suy nghĩ thoáng hơn, không ai quan tâm mình làm điều gì, miễn là làm được việc. Chứ như bản thân chú nhé, trước đây làm công chức Nhà nước, bây giờ buôn bán ở vỉa hè, kể ra bạn bè ngoài đấy họ mỉa mai" - bố của Huy tâm sự.
Môi trường Sài Gòn giúp Huy thoải mái làm việc mà không sợ bị ai soi mói.
Ngồi nghỉ ngơi sau một buổi sáng tất bật, Huy nhấm nháp cốc trà đá rồi kể: "Mọi người bảo vất vả, nhưng em làm mấy năm nay rồi nên thấy cũng bình thường. Chỉ có khoảng 2 năm đầu là khó. Kiểu đang thanh niên, chơi bời các thứ, xong phải dậy từ 4h30 sáng. Hồi đó nhà em còn ở trọ trên lầu 3, phải bê đồ từ lầu 3 xuống đây bán, vừa mệt vừa lười. Nói thật là hai năm đầu em bị stress luôn".
Nói rồi cậu bật cười: "Cực quá đấy anh! Xong em khóc luôn, muốn về lại Hà Nội để khỏi buôn bán nữa. Nhưng rồi dần dần cũng quen. Môi trường ở Sài Gòn giúp em gạt bỏ những định kiến của việc buôn bán. Trong này mình làm gì cũng được ủng hộ".
Vượt qua những định kiến, cũng như sĩ diện của bản thân, Huy hiểu rằng bất kỳ công việc nào dù là làm văn phòng, buôn bán hay lao động tay chân đều đáng trân trọng. Và chẳng có gì phải xấu hổ khi mình làm ra tiền và nuôi được bản thân.
Trước đây Huy có học về nhạc điện tử và đi làm DJ cho một số tụ điểm trong thành phố, tuy nhiên đặc tính công việc thường kết thúc khá khuya, nên ảnh hưởng đến việc phụ bố mẹ buôn bán. "Em quyết định tạm ngưng việc chơi nhạc, để dành toàn bộ thời gian phụ bố mẹ. Khi nào ổn định hoặc tìm được người bán thay thì em sẽ quay lại với đam mê của mình" - Huy tâm sự.
Âm nhạc vốn là đam mê từ nhỏ của Huy, nhưng ngày trước bố mẹ không ủng hộ cậu đi trên con đường này, bởi với bậc phụ huynh âm nhạc hay nghệ thuật là một công việc không ổn định. Huy hào hứng khoe từ ngày vào Nam bố nghĩ thoáng hơn và cho phép cậu đi theo đam mê của mình.
Tôi vẫn nhớ như in gương mặt rạng rỡ của bố Huy khi kể về con trai mình, rằng cậu sẽ là một nghệ sĩ âm nhạc. Ông bảo: "Tấm bằng Đại học không phải là tất cả. Nếu mình ép con học thứ mà nó không thích, là mình hại con".
Huy cười bảo: "Em mê Sài Gòn mất rồi!".