"Trời ơi! Bà bán xôi chở thằng nhỏ lên kịp rồi kìa!" - nhiều phụ huynh và người dân ở điểm thi trường THPT Gia Đình vừa ngỡ ngàng vừa mừng rỡ la lên khi cô Như Ý và cậu học sinh quên thẻ dự thi có mặt kịp thời khi chỉ còn 5 phút là đóng cổng.
Bức ảnh cô Ý hối hả đưa nam sinh đến điểm thi sau khi về nhà lấy giấy tờ thi được nhiều người biết tới. Ảnh: Saostar
Mọi người cười bảo thằng nhỏ hên ghê, gặp đúng cô Như Ý nên mọi chuyện rất như ý. Đó là câu chuyện vào buổi sáng ngày 22/6, ngày bắt đầu buổi thi đầu tiên của kì thi THPT Quốc Gia 2017.
Cô bán xôi kể lại câu chuyện giúp cậu học sinh về nhà lấy giấy dự thi.
"Nhìn cậu nhóc cuống cuồng tìm chìa khoá để chạy xe về nhà, cô thấy xót quá!"
Từ một cô bán xôi vui tính ở chợ Thị Nghè, cô Trần Thị Như Ý (50 tuổi) bỗng nhiên trở nên nổi tiếng khắp mạng xã hội nhờ hành động nghĩa hiệp của mình. Chúng tôi gặp lại cô vào sáng ngày 23/6 khi cô đưa cậu con trai út đến điểm thi trường THPT Gia Định để tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Cô Như Ý đưa cậu con trai út đi thi.
Nhắc lại câu chuyện "lo bao đồng" ngày hôm trước cô cười bẽn lẽn: "Trời ơi! Cô làm vì thấy thương thằng nhỏ thôi chớ có cứu người bắt cướp gì to tát đâu!". Sáng hôm ấy, sau khi cô đưa con trai đến điểm thi thì dự định quay về nhà để chuẩn bị cơm nước, nhưng vì đây là buổi thi đầu tiên nên cô nán lại tí xíu để yên tâm.
Cô hào hứng kể lại câu chuyện.
"Đang đứng ngó coi con trai đã xếp hàng vào thi chưa thì cô thấy có một cậu học sinh đứng ở góc sân trường hoảng loạn lục tung cặp xách tìm cái gì đó mà mặt mày tái mét hà. Cô mới chạy lại hỏi thì nó nói là để quên giấy báo dự thi ở nhà, nhìn nó cuống cuồng tìm chìa khoá để chạy xe về nhà cô thấy xót quá. Là người mẹ từng 2 lần đưa con đi thi tốt nghiệp cô hiểu sự quan trọng của kỳ thi này. Tụi con phải cố gắng học tập 12 năm trời, thà con thi rớt là do con học dở, chứ đừng để những chuyện này làm mình phải trễ với bạn bè 1 năm. Thế là cô biểu nó đừng tìm chìa khoá nữa, ra xe cô chở đi cho nhanh" - cô Như Ý kể lại.
Vì tiếc công 12 năm học của cậu học trò nên cô muốn giúp cậu.
Hai cô cháu tức tốc chạy ra phía chiếc xe, vì chỉ còn khoảng 40 phút nữa là bắt đầu vào thi. "Nhà con ở tận Thủ Đức lận, xa lắm cô ơi!" - giọng thằng nhỏ có vẻ tuyệt vọng. Cô trấn an nó: "Nhà ở đâu cô cũng chở về tới, yên tâm". Cô cười bảo rằng về sau này khi đưa thằng nhóc đến trường kịp giờ cô mới kịp định thần lại, chứ lúc đó chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ biết làm sao để cậu học sinh được vào dự thi đúng giờ.
Quãng đường dài hơn 10km, bình thường cậu nhóc đi học cũng mất khoảng 1 giờ đồng hồ, nhưng hôm nay thì khác, cô Như Ý đi chỉ mất 35 phút. Cô dặn cậu nhỏ: "Hễ mà tới đoạn nào chuẩn bị quẹo là con báo cô trước 1-2 phút để cô bật xi nhan nghen". Cậu học sinh ngồi phía sau tim hồi hộp theo từng vòng bánh xe.
Đến điểm thi, cậu bé chưa kịp cảm ơn thì cô Ý đã hối cậu nhóc chạy thật nhanh vào cho kịp. Cô cười: "Không trách thằng nhỏ được vì lúc đó nó vội quá. Cô còn không kịp hỏi tên nó là gì nữa mà".
Cô vẫn nói rằng quan trọng là thằng bé hoàn thành tốt kỳ thi này, cảm ơn hay không, không quan trọng.
Bán xôi 20 năm ở chợ Thị Nghè nuôi con ăn học
Khi được hỏi cảm giác bỗng chốc nổi tiếng, cô dí dỏm nói: "Cô sợ nổi tiếng lắm, bình thường bán đã mệt lắm rồi giờ khách tới đông nữa bán sao nổi". Nhắc đến xôi cô Như Ý cả khu chợ Thị Nghè ai cũng rành, vì gánh xôi của cô đã có tiếng từ rất lâu rồi. Hễ ai muốn ăn xôi cô Như Ý thì phải dậy sớm, chứ ra tầm 7h là hết xôi, ráng chịu. Cô kể: "Mỗi ngày cô bán từ 4h30 sáng tới 7h mà hết 30kg xôi, con thấy dữ hôn".
Cô Ý phải quần quật cả ngày với công việc nấu xôi.
Lục mấy tấm hình ngày xưa ra, cô khoe: "Đây là hình đám cưới của cô chú ngày xưa nè. Hồi xưa chú đẹp trai hen. Hồi đó chú làm phụ hồ, cô đi bán xôi, ổng ăn xôi cô riết cái ghiền, rồi hỏi cưới cô luôn đó con".
Hai vợ chồng ra riêng với hai bàn tay trắng nhưng luôn cố gắng làm việc, dành dụm từng chút, đêm 12h chú dậy nấu xôi đến 4h30 để cô đem ra chợ bán, chiều về vợ chồng con cái lại phụ nhau một tay chuẩn bị nguyên liệu nấu. Vậy đó mà thấm thoát đã 20 năm trôi qua, thương hiệu xôi cô Như Ý đã nổi danh khắp chợ Thị Nghè.
Hình ảnh ngày xưa của cô và chú.
"Cô tâm sự với hai thằng con trai của cô là thích gì thì học, nhưng phải học cho có cái chữ để sau này không vất vả như ba mẹ. Ba mẹ ngày xưa nhà nghèo, không có điều kiện đi học, nhưng tụi con bây giờ có điều kiện thì phải cố gắng. Thích ngành nào thì thi ngành đó, ba mẹ đồng ý hết, miễn là tụi con thích" - cô Như Ý hào hứng kể rằng con trai lớn của cô đang học đại học năm 3.
Cô muốn các con sau này không phải vất vả như bố mẹ nữa.
Cũng vì trân trọng việc học cũng như muốn tiếp thêm động lực cho con trai nên dù kinh doanh rất tốt nhưng cô vẫn quyết định nghỉ bán 2 ngày để đưa con trai út đi thi. "Nghèo thì nghèo nhiều ngày rồi, chớ có nghèo vì 2 ngày nghỉ bán đâu" - cô cười hì hì.
Cô Ý chụp hình kỷ niệm với đội tiếp sức mùa thi.
Lúc cuối buổi thi cô quay sang mấy bạn sinh viên tiếp sức mùa thi dặn dò: "Mai mấy đứa dậy sớm qua tiệm cô, cô miễn phí xôi cho mấy đứa. Qua trễ hết ráng chịu à nghen".