Poster phim Toy Story “hét giá” 600 triệu đồng, hoá ra là có chữ ký tay của huyền thoại Apple trên đó

Chi Ló, Theo Trí Thức Trẻ 10:05 29/08/2019

Đó chính là chữ ký của CEO Pixar, kiêm luôn CEO Apple một thời - Steve Jobs.

Một tấm poster của bộ phim hoạt hình Toy Story kèm chữ ký của "huyền thoại" Steve Jobs sắp tới sẽ được đem ra bán đấu giá tại thành phố Los Angeles vào cuối tuần này, với mức giá khởi điểm lên tới... 25.000 USD, tương đương gần 600 triệu đồng.

Tấm poster phim Toy Story tưởng không có gì đặc biệt, nhưng một chi tiết nhỏ khiến giá của nó lên tới 600 triệu đồng - Ảnh 1.

Jobs - nhà sáng lập của Apple, điều hành Pixar Animation Studios vào thời điểm họ tung ra bom tấn đầu tiên - Câu chuyện đồ chơi, vào năm 1995. Được coi là một trong những bộ phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại, Toy Story đã thu về 373,6 triệu USD tại phòng vé toàn cầu và đạt được 3 đề cử Oscar.

Nói thêm về tấm poster, ở ngay bên dưới hai nhân vật Buzz Lightyear và Woody chính là chữ ký của Jobs - người đóng vai trò là giám đốc sản xuất. Nó có kích thước là 60 x 90cm. Tổ chức Nade D. Sanders Auctions sẽ chịu trách nhiệm đấu giá tấm áp phích này - đã được kiểm tra và có giấy chứng nhận.

Giá trị chữ ký của Steve Jobs

Mức giá khởi điểm lên tới 25.000 USD cho một tấm poster có vẻ khá cao, thế nhưng các chuyên gia thẩm định giá cho rằng nó rất hợp lý đối với một món đồ liên quan đến Jobs. Cựu CEO của Táo khuyết có chữ ký rất đặc biệt, ông không viết hoa hai chữ cái bắt đầu tên mình mà ghi bằng chữ thường hết.

Chưa hết, ông cũng hiếm khi ký tặng các món đồ lưu niệm. Nhà cái cho biết chỉ có 10 vật phẩm có chữ ký của Steve tồn tại mà thôi. Theo Paul Fraser Collectibles Autograph Index - hãng chuyên kinh doanh những món đồ sưu tầm giá cao, chỉ riêng chữ ký của Jobs cũng đủ thu về 50.000 USD rồi.

Con số này còn cao hơn chữ ký của các thành viên của ban nhạc The Beatles, kể cả hai thành viên quá cố được yêu mến nhất là John Lennon và George Harrison. Thậm chí, ông còn vượt mặt cả cha đẻ của Thuyết vạn vật - Stephen Hawking.

Mối quan hệ giữa Jobs và Pixar

Tấm poster phim Toy Story tưởng không có gì đặc biệt, nhưng một chi tiết nhỏ khiến giá của nó lên tới 600 triệu đồng - Ảnh 3.

Cơ duyên nào mà Jobs lại đến với hãng làm phim hoạt hình đình đám nhất nhì thế giới này? Đó là vào năm 1984, Jobs rời Apple sau khi tranh chấp quyền điều hành với ban giám đốc. Tiếp theo, ông đã sáng lập ra NeXT - hãng phát triển nền tảng máy tính. Đến năm 1986, ông mua lại bộ phận đồ hoạ kỹ thuật số của Lucasfilm Ltd. rồi sau đó đổi tên thành Pixar Animation Studios.

Jobs quay trở lại Apple vào năm 1997 nhưng vẫn giữ cương vị CEO của Pixar cũng như nắm trong tay phần lớn cổ phiếu của Pixar cho đến năm 2006, khi Disney mua lại studio làm phim đang cực "ăn nên làm ra" này.