Phương pháp trị ung thư đột phá nhờ tế bào "người lạ"

A.Thư, Theo Người lao động 10:50 29/12/2018
Chia sẻ

Chỉ bằng thao tác truyền dịch, hàng triệu bệnh nhân ung thư có thể được cứu sống, nhóm khoa học gia tại Viện Francis Crick (London, Anh) khẳng định.

Giáo sư Adrian Hayday, Trưởng Phòng thí nghiệm giám sát miễn dịch tại Viện Francis Crick - người đứng đầu nhóm nghiên cứu - giải thích trên tờ The Telegraph: đó thực ra là một cách tiếp cận khác của xu hướng điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch.

Nhờ một ít tế bào miễn dịch của một người lạ - thứ khá dễ dàng để hiến tặng và có thể được lưu trữ trong ngân hàng tế bào, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ được gia tăng sức mạnh, đủ để nó tự chống lại được và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Phương pháp trị ung thư đột phá nhờ tế bào người lạ - Ảnh 1.

Giáo sư Adrian Hayday, người đứng đầu công trình, tại phòng thí nghiệm - ảnh: JANIE AIREY.

Trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch là xu hướng được các nhà khoa học theo đuổi trong vài thập kỷ gần đây, bao gồm các công trình vừa được vinh danh trong giải Nobel Y học năm 2018.

Thực sự hệ miễn dịch luôn tìm cách chống lại các tế bào mang bệnh, nhưng chúng thường không đủ mạnh nên bệnh nhân vẫn bị ung thư quật ngã. Đa phần các thuốc được sáng chế theo xu hướng này đều nhằm tăng sức mạnh của hệ miễn dịch hoặc tháo gỡ các cơ chế kìm hãm sự hoạt động của hệ miễn dịch.

Phương pháp mới của Viện Francis Crick cũng hướng tới việc tăng sức mạnh tổng thể của hệ miễn dịch, nhưng thay vì giúp từng tế bào miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân khỏe hơn, họ sẽ "cấy ghép" thêm các tế bào của người khác.

Với một bước tiến đột phát rong năm này, nhóm nghiên cứu đã vượt qua rào cản thải ghép để hệ miễn dịch "chính chủ" chấp nhận các tế bào mới và hợp tác tốt để tạo nên đội quân miễn dịch đông đảo hơn. Gọi là cấy ghép nhưng vì thứ được cấy ghép chỉ là những tế bào li ti, bệnh nhân chỉ phải trải qua thủ thuật cực kỳ đơn giản đó là truyền dịch có chứa các tế bào miễn dịch của người lạ vào cơ thể.

Vì là các tế bào hoàn toàn tự nhiên nên phương pháp cũng giúp bệnh nhân không phải gánh chịu các tác dụng phụ nặng nề mà hóa trị, xạ trị… thường mang lại.

Giáo sư Hayday cho biết trong thời gian sớm nhất là 1 năm tới, những bệnh nhân đầu tiên sẽ được tiếp cận cách điều trị đột phá này. Họ cũng hướng đến việc thành lập các ngân hàng miễn dịch, giống như ngân hàng máu, để tiếp nhận tế bào miễn dịch hiến tặng.

Giáo sư Charlie Swanton, thuộc Phòng thí nghiệm Tiến hóa ung thư và gen bất ổn định của viện Francis Crick hài hước rằng các khối u phát triển quá nhanh đến mức không một công ty dược phẩm nào có thể theo kịp nó. Nhưng hệ miễn dịch đã có lịch sử tiến hóa hơn 4 tỉ năm, kể từ khi trái đất có sinh vật sống.

(Theo The Telegraph, Daily Mail)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày