Phong cách thiết kế nội thất cổ điển có nguồn gốc từ châu Âu vào thế kỷ 17 – thế kỷ 19, dựa trên những kiến trúc độc đáo của Hy Lạp và La Mã. Bởi vậy, khi nhắc đến phong cách cổ điển, chúng ta thường liên tưởng ngay đến những tòa lâu đài tráng lệ, loạt họa tiết hoa văn cầu kỳ và sang trọng, là cảm hứng sáng tạo cho nhiều công trình kiến trúc ngày nay. Phong cách này mang đến cho con người cảm giác ấm cúng khi bước vào, bởi không gian luôn toát lên vẻ cổ kính, quý phái trong đường nét thiết kế, vẻ sang trọng, tinh tế trong họa tiết trang trí và sự chỉn chu của gia chủ trong việc lựa chọn nội thất.
Phong cách thiết kế cổ điển được ưa thích bởi chúng mang nét đẹp đậm chất Châu Âu, thế nhưng muốn toàn bộ không gian hòa hợp, không rườm rà thì quá trình thiết kế phải hết sức khéo léo và công phu. Đặc biệt là phải tuân thủ những nguyên tắc đặc trưng trong thiết kế để tránh gây khó chịu, rối mắt và thiếu thẩm mỹ.
Như đã nói, phong cách thiết kế cổ điển thể hiện vẻ đẹp sang trọng và quyền quý. Từng đường nét trong không gian đều là sự tính toán, sắp đặt có lý do và nguyên tắc nhất định. Để tạo lập một không gian mang đậm phong cách cổ điển, phải đáp ứng các yếu tố từ nhỏ nhất đến cơ bản nhất như: vật liệu, màu sắc, đường nét, ánh sáng,... để có thể cân bằng toàn bộ không gian.
Phong cách cổ điển đề cao tính đối xứng giúp cân bằng toàn bộ không gian. Cụ thể, người ta thường chia không gian ra làm 2 phần, trục đối xứng được đặt ở chính giữa để cân bằng 2 bên, từ đó tạo thành một tổng thể hòa hợp và thống nhất. Từ kết cấu này, gia chủ sẽ dễ dàng trong việc phát triển những ý tưởng thiết kế, những họa tiết hoa văn độc đáo cho toàn bộ ngôi nhà. Tuy nhiên, để không bị cứng nhắc, người ta còn tận dụng màu sắc và ánh sáng,... để dung hòa không gian.
Với vẻ đẹp trang nhã như những cung điện xa hoa, các tông màu trắng, vàng luôn là sự lựa chọn được sử dụng phổ biến trong các thiết kế cổ điển. Đây là những tông màu thể hiện sự giàu có, quý phải của tầng lớp quý tộc xưa. Khi được kết hợp với họa tiết hoa văn chạm trổ bằng vàng, bạc thì càng có hiệu quả trong việc tôn lên vẻ đẹp của đường nét. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các tông màu nâu, đen, đỏ, tím... vì chúng thể hiện sự quyền lực và đẳng cấp cho gia chủ.
Nếu như phong cách thiết kế Bắc Âu và phong cách tối giản đề cao sự đơn giản hóa trong không gian thì phong cách cổ điển lại hoàn toàn trái ngược. Đặc trưng của phong cách thiết kế này chính những loạt họa tiết trang trí cầu kỳ, công phu và có tính nghệ thuật cao. Đầu tiên phải kể đến những đường cong, đường vòm mềm mại mang đậm vẻ đẹp của những cung điện xưa. Ngoài ra, không thể thiếu là những họa tiết hoa văn chạy dọc trần và tường nhà. Chúng bao quanh các cột trụ để tạo nên vẻ bắt mắt và cuốn hút cho toàn bộ không gian. Không chỉ vậy, các món đồ dùng, đồ nội thất trong một không gian cổ điển cũng được nhấn nhá bởi những chi tiết mềm mại và độc đáo này.
Đồ nội thất trong một không gian cổ điển không quá đề cao mặt tính năng của sản phẩm như phong cách tối giản, mà thường được chú trọng về giá trị tinh thần. Các món đồ nội thất thường khơi gợi cho con người những liên tưởng thú vị về thời đại. Chúng thường có kiểu dáng cầu kỳ, chạm trổ tinh xảo và được làm từ những chất liệu cao cấp như: đá, gỗ, da, lông, nỉ... Ngoài ra, các món đồ nội thất này thường có kích thước lớn. Ví dụ như bộ sofa được phủ một lớp da bọc sang trọng, những mẫu bàn khổng lồ được đặt ở phòng khách và phòng ăn đều được trang trí bởi loạt đường viền mềm mại và uyển chuyển.
Ánh sáng là yếu tô vô cùng quan trọng trong thiết kế cổ điển, bởi chúng không chỉ giúp tạo lập cảm xúc cho con người mà còn làm điểm nhấn nghệ thuật cho toàn bộ không gian. Tiêu biểu phải kể đến những chiếc đèn chùm khổng lồ với ánh sáng vàng và trắng mang đến sự ấm cúng và sang trọng.
Nếu đang mong muốn tạo dựng một không gian sống đẳng cấp mang đậm nét đẹp cổ điển, bạn có thể liên hệ với các đơn vị thiết kế để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết.
Ảnh: Internet