Phó Tổng giám đốc EVN: Sai sót trong ghi số điện, lập hóa đơn chỉ là lỗi của một số cá nhân

Hoàng Đan, Theo Tổ Quốc 11:18 27/06/2020

Về một số sai sót trong ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện trong thời gian qua, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN Võ Quang Lâm cho biết, đó là sai sót, lỗi của một số cá nhân.

Phó Tổng giám đốc EVN: Sai sót trong ghi số điện, lập hóa đơn chỉ là lỗi của một số cá nhân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Khách hàng nghi ngờ đồng hồ điện chạy không chính xác

Đoàn kiểm tra của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ), do Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị tại một số quận, huyện ở TP Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Điện lực Mê Linh, khách hàng (KH) chủ yếu nghi ngờ đồng hồ điện chạy không chính xác so thực tế sử dụng điện của KH.

Đáng chú ý, có khách hàng Nguyễn Văn Tích (ở xã Thạch Đà), tiền điện tháng 6 là hơn 600 KWh, tăng gấp 4 lần so tháng 5.

Hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng đột biến khiến KH này nghi ngờ đồng hồ cơ (nhân viên điện lực phải trực tiếp ghi chỉ số bằng ảnh chụp qua camera, truyền vào phần mềm máy tính bảng) chạy không chính xác, nên đã phản ánh lên ngành điện.

Trước các trường hợp nghi ngờ của khách hàng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng KH sử dụng điện có nghi vấn khi hóa đơn tăng đột biến là hoàn toàn hợp lý.

Ông Hùng cũng đặt vấn đề có hay không sự can thiệp của con người để làm sai lệch khi ghi chỉ số điện, lập hóa đơn tiền điện. Đối với các có kiến nghị nêu trên, Công ty Điện lực Mê Linh đã kiểm tra theo kiến nghị, xác nhận chỉ số đồng hồ điện là đúng, đồng thời kiểm tra thiết bị đo đếm điện.

Ông Hùng nhận định, vấn đề cốt yếu là do khách hàng còn thiếu thông tin. EVN cần tăng cường truyền thông để khách hàng hiểu về hoạt động kinh doanh của ngành Điện, công tác ghi chỉ số, kiểm định công tơ, cũng như hiểu rõ các tiện ích từ hóa đơn điện tử, tiếp cận các kênh chăm sóc khách hàng ngành Điện….

Ông Bùi Trung Dũng, Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết, qua thực tế kiểm tra, ghi nhận tại Điện lực Thanh Xuân, Điện lực Mê Linh, trường hợp khách hàng đề nghị kiểm tra sự chính xác của công tơ đã được Điện lực và khách hàng phối hợp thực hiện.

Kết quả kiểm định cho thấy, công tơ hoạt động chính xác, quá trình kiểm định khách quan và khách hàng đã thống nhất, không có ý kiến gì thêm.

Ông Dũng cũng thông tin thêm, công tơ chỉ được phép đưa vào sử dụng khi đã phê duyệt mẫu và kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, dán tem và kẹp chì niêm phong theo đúng quy định hiện hành.

Với công tơ cơ, sau 5 năm sử dụng phải kiểm định lại. Với công tơ điện tử, thời gian kiểm định lại là sau 6 năm. Có nhiều đơn vị tham gia hoạt động kiểm định công tơ và đều phải đáp ứng các yêu cầu, quy trình nghiêm ngặt.

"Riêng tại Hà Nội, có ít nhất 8 đơn vị, tổ chức thực hiện kiểm định công tơ, khách hàng có thể lựa chọn để đảm bảo tính khách quan", ông Dũng cho hay.

Sai sót, lỗi của một số cá nhân?

Về một số sai sót trong ghi chỉ số, lập hóa đơn trong thời gian qua, Phó Tổng giám đốc Võ Quang Lâm cho biết đó là sai sót, lỗi của một số cá nhân.

Phó Tổng giám đốc EVN: Sai sót trong ghi số điện, lập hóa đơn chỉ là lỗi của một số cá nhân - Ảnh 2.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành

Hệ thống đo ghi chỉ số vẫn hoạt động ổn định. Việc trang bị và vận hành công tơ được EVN thực hiện theo đúng Luật đo lường.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cũng cho biết, từ tháng 7 tới đây, Tập đoàn sẽ tăng cường công tác kiểm tra chéo trong việc đo ghỉ chỉ số, lập hóa đơn, hoàn chỉnh hơn quy trình nghiệp vụ kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm một cách hợp lý.

Trước vấn đề báo chí đặt ra dù đồng hồ cơ hay đồng hồ điện tử thì con người liệu có tác động để làm sai lệch chỉ số được hay không? Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho rằng máy móc cũng là do con người tạo ra, cho nên việc can thiệp là có thể xảy ra.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng quy trình làm việc, ngành điện có hệ thống giám sát để ngăn chặn việc can thiệp vào đồng hồ điện. Bên cạnh đó, các đồng hồ điện khi đưa vào sử dụng đều bảo đảm các tiêu chuẩn về công nghệ, chất lượng đo lường theo quy định.

"Thời gian tới, EVN sẽ áp dụng mạnh hơn các đồng hồ điện tử vào hoạt động của ngành, hiện đại hóa hệ thống lưới điện để giảm sự tham gia của con người vào công tác ghi, đọc số liệu và kiểm soát dữ liệu" - ông Dũng nói.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng giá điện tăng có thể là do việc nhảy bậc thang khi mức tiêu thụ tăng. Vị này nhấn mạnh khi đời sống người dân tăng cao, thu nhập tăng lên, cần cải tiến bậc thang tính giá điện.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang nghiên cứu điều chỉnh bậc thang giá điện cho phù hợp với thực tế sử dụng điện của khách hàng.

Nhiều khách hàng gọi điện mắng, chửi

Trước đó, bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội cho biết, thời điểm nắng nóng gay gắt cũng là lúc số lượng khiếu nại, kiến nghị của khách hàng tăng vọt.

"Tháng 6 năm nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 4.000 cuộc gọi. Mùa nắng nóng khách hàng cũng khó tính hơn. Rất nhiều khách hàng mất bình tĩnh, thậm chí còn mắng chửi", bà Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Đại diện EVN Hà Nội cho biết tiếp nhận số lượng kiến nghị của khách hàng đến trung tâm chăm sóc khách hàng từ 1-22/6/2020 là gần 62.000 yêu cầu. Trong số này, có khoảng 3.500 phản ánh, khiếu nại liên quan đến hoá đơn tiền điện và chỉ số công tơ, tăng 4,6 lần so với tháng 5/2020.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày