Phim Việt chiếu rạp nhưng chất lượng tầm trung như phim mạng

Minh Nhật, Theo Tiền Phong 09:11 06/04/2023
Chia sẻ

Các phim Việt phát hành gần đây - gồm Biệt Đội Rất Ổn và Khi Ta Hai Lăm - có chất lượng thấp. Nhiều khán giả đánh giá đây là “phim YouTube chiếu rạp”.

Là phim Việt duy nhất ra rạp đầu tháng 4, Biệt đội rất ổn (Tạ Nguyên Hiệp đạo diễn) nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả. Dự án quy tụ những gương mặt quen thuộc của làng hài như Lê Khánh, Võ Tấn Phát, Ngọc Phước… Chưa kể, đây còn là bản điện ảnh của webdrama (phim chiếu mạng) Gia đình cục súc từng gây tiếng vang năm 2021.

Đáng tiếc, tác phẩm không nhận được phản hồi tích cực khi ra rạp. Phần lớn người xem đánh giá chất lượng phim thấp, chỉ dừng lại ở mức webdrama. Trước đó, Khi ta hai lăm (Luk Vân đạo diễn) cũng nhận những bình luận tương tự vì cách làm phim thiếu đầu tư. Nhưng đây không phải là những phim Việt duy nhất bị khán giả phản ứng. Trong 2 năm qua, có rất nhiều bộ phim chất lượng thấp nhưng vẫn được chiếu rạp. Điều đó khiến nhiều khán giả tự hỏi phải chăng khâu kiểm duyệt đang quá dễ dãi?

Phim Việt chiếu rạp nhưng chất lượng tầm trung như phim mạng - Ảnh 1.

Phim Biệt Đội Rất Ổn bị khán giả phản ứng vì chất lượng thấp.

Nội dung hời hợt

Về cơ bản, ý tưởng kịch bản Biệt Đội Rất Ổn khá đơn giản nhưng cách triển khai rất có vấn đề. Như nguyên tác, chuyện phim xoay quanh “gia đình cục súc” gồm 4 thành viên: chồng Bảy Cục (Võ Tấn Phát), vợ Bảy Súc (Nguyên Thảo) và 2 con gái Quạu (Ngọc Phước) và Quọ (Ngọc Hoa).

Một lần, bộ tứ tình cờ nghe được kế hoạch lừa đảo của 2 người xa lạ, thế là quyết định kết thân để… tạo thành một nhóm tội phạm. Kể từ tình huống kỳ lạ đó, hàng loạt tình tiết khiên cưỡng liên tục diễn ra. Đơn cử, gia đình Bảy Cục lên kế hoạch đột nhập vào nhà một nữ đại gia để phá đám cưới. Song, mọi việc đều được thực hiện một cách trót lọt, chẳng cần quá dụng công hay động não.

Suốt thời lượng 104 phút, kịch bản không có nhiều tình tiết bất ngờ. Thậm chí nếu cắt gọn, phim có thể chỉ còn 45 phút, vừa đủ một tập webdrama. Đó là lý do nhiều khán giả phản ứng mạnh mẽ khi bỏ tiền ra rạp. Họ cho rằng những gì nhận lại chỉ là một tác phẩm được thực hiện cẩu thả, nội dung gần như vô nghĩa.

Trong các điểm trừ kịch bản, hạn chế lớn nhất của Biệt Đội Rất Ổn là không xây dựng nhân vật. Phim có quá nhiều vai diễn nhưng không ai thực sự nổi bật. Ngay cả 4 thành viên gia đình ông Bảy Cục là tuyến chính trong webdrama cũng trở nên mờ nhạt trong bản điện ảnh.

Tương tự, Khi Ta Hai Lăm khiến nhiều người xem phân vân vì không biết ai là vai chính. Chuyện phim tham lam khi nhồi nhét nhiều nhân vật, nhiều tuyến truyện đan xen. Song, không có tuyến nào được đầu tư rõ ràng. Kịch bản lằng nhằng giữa chuyện tình yêu, chuyện hoài bão của người trẻ lẫn mâu thuẫn trong gia đình. Cuối cùng, phim kết thúc nhưng không mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Phim Việt chiếu rạp nhưng chất lượng tầm trung như phim mạng - Ảnh 2.

Khi Ta Hai Lăm cũng không được đón nhận vì kịch bản rối rắm, nhiều lỗi.

Phong cách làm phim cẩu thả

Kịch bản là linh hồn, nhưng không phải là yếu tố duy nhất giúp tác phẩm thành công. Một dự án điện ảnh rất cần sự đầu tư chất xám của nhiều người, từ tài dẫn dắt của đạo diễn đến sự nhập tâm của diễn viên. Thế nhưng 2 năm gần đây, phim Việt chiếu rạp vừa có kịch bản dở, lại cộng thêm cách làm phim quá cẩu thả.

Năm ngoái, Huyền Sử Vua Đinh từng khiến nhiều người ngạc nhiên vì khâu phục trang, hóa trang được thực hiện quá sơ sài. Chỉ cần xem qua trailer, khán giả có thể nhận ra hàng loạt lỗi cơ bản. Chẳng hạn, những căn nhà hiện đại còn lấp ló xuất hiện trong phim cổ trang. Diễn viên đeo râu giả, tóc giả một cách lộ liễu, thậm chí có nhân vật còn nhuộm tóc đi đánh giặc.

Tương tự, các phim Cù Lao Xác Sống, Virus Cuồng Loạn cũng gây thất vọng vì khâu tạo hình đơn điệu. Xác sống trong phim được đánh phấn, đội tóc giả đúng theo phong cách diễn viên sân khấu kịch. Bên cạnh đó, các yếu tố phụ trợ như âm thanh, ánh sáng cũng không được đầu tư. Khâu kỹ xảo chỉ ở mức phim truyền hình thập niên 1990, theo nhận xét nhiều người là “đáng xấu hổ” nếu đem so với các tác phẩm quốc tế.

Sự hời hợt của ê-kíp Khi Ta Hai Lăm đã dẫn đến kết quả không khả quan. Khi ra rạp, phim chật vật tại phòng vé dù không phải cạnh tranh với nhiều đối thủ. Dự án lỗ nặng, chỉ thu hơn 3 tỷ đồng. Virus Cuồng Loạn còn tệ hơn, chỉ dừng lại ở con số hơn 157 triệu đồng. Trong khi Huyền Sử Vua Đinh lỗ kỷ lục với 42 triệu đồng và phải rút rạp sớm.

Phim Việt chiếu rạp nhưng chất lượng tầm trung như phim mạng - Ảnh 3.

Dù có Midu và nhiều gương mặt nổi tiếng, Khi Ta Hai Lăm vẫn lỗ nặng khi ra rạp.

Sau hàng loạt tác phẩm có chất lượng thấp, khán giả dường như đã có sự cẩn trọng trong việc bỏ tiền mua vé. “Phim YouTube chiếu rạp” là bình luận mà họ dành cho những tác phẩm nội địa thiếu sự đầu tư, bên cạnh “phim mì ăn liền”, “phim thảm họa”. Sự quay lưng này dẫn đến việc thị trường nội địa thua lỗ trầm trọng vào năm 2022.

Thế nhưng, điều đáng bàn là tại sao phim Việt dở vẫn xuất hiện nhan nhản ngoài rạp?

Phải chăng hội đồng kiểm duyệt đang quá dễ dãi? Phải chăng họ không hề có sự đánh giá về nội dung, chất lượng trong các tiêu chí lựa chọn?

Nhiều khán giả thường chỉ trích ê-kíp làm phim nhưng khâu kiểm duyệt cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu các sản phẩm có chất lượng kém không được tuồn ra thị trường, đạo diễn buộc phải tự nâng cấp bản thân để tạo ra những tác phẩm tốt hơn. Ngoài ra, khán giả cũng sẽ không cần bận tâm quá nhiều, giảm bớt lo lắng khi ra rạp.

Chính vì vậy, trước thực trạng phim Việt hiện tại thì hội đồng kiểm duyệt cũng nên cân nhắc, xem lại các tiêu chí. Trong thời gian tới, các đạo diễn cần đầu tư hơn khi làm phim, cả về tiền bạc lẫn chất xám. Còn người kiểm duyệt thì phải khắt khe hơn khi nhận được những tác phẩm có chất lượng thấp, không đáng ra rạp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày