Thông thường, sau khi một phim được công chiếu ở rạp hoặc phát sóng trên truyền hình thì chúng sẽ được phát hành lại dưới dạng DVD để những người chưa xem có cơ hội xem, hoặc cho những người muốn xem lại. Đặc biệt, phiên bản DVD thường được tặng thêm nhiều cảnh đã bị cắt trước khi ra rạp, các đoạn hậu trường hoặc những đoạn kết đặc biệt nào đó.
Bad Genius phiên bản DVD sẽ có những cảnh bị cắt cùng một kết thúc chưa từng được công bố
Gintama bản DVD sẽ tặng kèm booklet để "câu" người hâm mộ
Thậm chí, Batman v Superman DVD còn có thời lượng đến 3 tiếng
Cũng chính nhờ phương thức phát hành DVD mà tất cả các bộ phim đã ra rạp đều được lưu lại. Không chỉ là phục vụ cho nhu cầu giải trí tại nhà mà còn để cho những người nghiên cứu thị trường hoặc các bên liên quan có thể tra khảo.
Ấy vậy mà ở Việt Nam, vài năm trở lại đây dường như khán giả không còn có khái niệm mua DVD phim Việt nữa. Nhớ không lầm thì những bộ phim cuối cùng được phát hành DVD chính là Thiên Mệnh Anh Hùng, Lệ Phí Tình Yêu và Nhà Có 5 Nàng Tiên. Từ sau đó đến nay, phim ra rạp xong là xong, khán giả muốn xem lại cũng chả biết xem ở đâu.
DVD Thiên mệnh anh hùng dù tặng kèm CD Nhạc phim nhưng vẫn không đủ hấp dẫn người mua
Vì không có người cần mua hay vì thị trường băng đĩa là một bài toán khó?
Thiệt thòi lắm chứ khi mà có biết bao nhiêu là phim hay ho nhưng ai mà chưa kịp xem ngoài rạp là coi như không còn cơ hội. Những phim như Quả Tim Máu, Scandal 1 & 2, Vẽ Đường Cho Yêu Chạy, Em Là Bà Nội Của Anh, v.v... người ta cứ nói ra rả về nó khi nhắc đến điện ảnh Việt nhưng mà những người chưa xem thì chỉ biết nghe cho vui.
Vì đâu mà dẫn đến hiện trạng buồn tẻ này? Chắc chắn là do sự giãy chết của thị trường băng đĩa trong nước mấy năm trở lại đây. Nhìn các cửa hàng kinh doanh băng đĩa đình đám một thời lần lượt đóng cửa ở Sài Gòn này, những người có thú sưu tầm làm sao không khỏi đau lòng. Bản thân người viết là một người thích sưu tầm băng đĩa phim Việt nhưng bây giờ cứ bước ra cửa hàng là chỉ toàn thấy đám phim cũ nằm ế chỏng chơ, phim mới thì chẳng có, buồn lắm chứ.
Nói đến đây thì lại phải lái sang lý do khiến cho thị trường băng đĩa trở nên èo uột. Bởi nếu người ta chẳng có cái khái niệm "xem DVD" trong đầu thì tất nhiên đĩa phim làm sao có đất sống! Bất giác hỏi thử 10 bạn trẻ xung quanh thì chắc cả 10 người đều không có đầu phát DVD ở nhà, hoặc đã hỏng và không có ý định mua mới. Mà các cửa hàng điện máy cũng không còn xem đầu phát DVD thông thường là mặt hàng được ưa chuộng, đầu DVD Bluray thì lại quá đắt so với mức sống chung của người Việt. Thế là người ta buộc phải bỏ thói quen bỏ chiếc đĩa vào đầu máy rồi ngồi trước tivi mà tìm đến thế giới của internet. Ở thời đại bùng nổ các chương trình miễn phí trên mạng thì rất nhanh chóng người ta sẽ quên đi cái thói quen "ăn nằm" một thời cùng chiếc đầu máy, đặc biệt là ở xứ sở chưa có thói quen trả tiền cho những sản phẩm online như Việt Nam.
DVD "Em là bà nội của anh" được bày bán trong một cửa hàng băng đĩa ở Nhật. Trong khi ở nước mẹ đẻ thì lại không có. (Ảnh: đạo diễn Phan Gia Nhật Linh)
Tất nhiên, hiện trạng thị trường giải trí kĩ thuật số xâm thực thị trường giải trí vật lý không chỉ ở mỗi nước ta. Bằng chứng là sự ra đời của các hệ thống xem phim trực tuyến như Netflix, ilfix với một kho tàng đồ sộ từ các phim đã chiếu rạp đến cả những phim do chính các đơn vị này đầu tư sản xuất. Thế là chúng vừa thỏa lấp được thói quen sử dụng các công cụ giải trí trong thời đại mới của giới trẻ, vừa giữ cho những bộ phim luôn ở trong tầm tìm kiếm. Nhưng không vì vậy mà DVD/CD ở nước bạn bị tuyệt chủng, có thể chúng bị giảm số lượng tiêu thụ nhưng lại được nâng cấp về chất lượng, định dạng và mang nhiều tính sưu tầm hơn.
Trong khi đó, các nhà sản xuất phim ảnh ở Việt Nam thì vừa lúng túng với việc tiêu thụ băng đĩa truyền thống, vừa thỏa hiệp với thói quen lười chi trả của khán giả. Thực ra, việc không phát hành DVD phim cũng có lợi về mặt nào đấy cho nhà đầu tư. Họ chẳng cần phải suy nghĩ chiến lược hay cách tiếp thị cho chúng, chỉ cần tập trung sức lực vào việc quảng bá khi phim ra rạp, tô đậm thêm suy nghĩ "nếu không ra rạp xem thì sẽ chẳng còn cơ hội để xem nữa" để tăng cơ hội bán vé.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, yếu tố về chất lượng phim cũng cực kì quan trọng. Nếu một bộ phim dở tệ được phát hành, doanh thu ế ẩm thì tất nhiên cũng chả ai muốn chờ DVD để mua mà xem lại, dù yếu tố về lưu trữ và nghiên cứu vẫn có. Nhưng nếu đó là một phim hay thì nhu cầu được xem nó sẽ nằm ở nhiều đối tượng hơn, vì thực tế tình trạng rạp chiếu ở Việt Nam vẫn chưa rộng rãi. Những người ở vùng sâu, vùng xa muốn đi xem cũng chả có cách nào xem được. Cũng vì vậy nên mới có hiện tượng quay lén, livestream tràn lan Em chưa 18 khiến nhiều người bức xúc.
Nhưng, lại nhưng, ý thức của việc mua sản phẩm gốc ở nước mình thì ai cũng biết rồi đấy. Tình trạng băng đĩa lậu chính là nỗi ám ảnh lớn nhất của việc tiêu thụ lượng đĩa gốc bán ra, trước khi sự phổ biến của internet lan rộng. Với bao nhiêu đó yếu tố, người ta chả mặn mà với việc phát hành DVD nữa, bởi có làm cũng chưa chắc đã bán được.
Các phương tiện xem phim online trả tiền vẫn chỉ đang ở bước xây dựng
Cũng không phải là triệt đường hoàn toàn những bộ phim đã ra rạp. Nếu nước ngoài có các trang xem trực tuyến thì Việt Nam cũng có, do các "ông lớn" ngành phim ảnh thành lập hẳn hoi, hoặc các kênh truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp cũng rất tích cực mua lại bản quyền phim đã ra rạp để phát sóng độc quyền. Đây cũng là một giải pháp thức thời và khá hiệu quả, nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến vì không phải gia đình nào cũng dùng truyền hình vệ tinh để xem phim Việt, và cũng với lý do không phải ai cũng chịu bỏ tiền để xem một phim trực tuyến.
Vẽ đường cho yêu chạy từng bị lao đao khi ra rạp vì lục đục nội bộ giữa hai hệ thống phát hành, nhưng chất lượng phim quá tốt khiến nhiều khán giả trông chờ được mua DVD kỉ niệm, nhưng tất nhiên là không có.
Tất cả nằm ở vấn đề về ý thức và thói quen. Trước đây, chúng ta ít ra còn có được thói quen mua băng đĩa. Dù nạn đĩa lậu vẫn lan tràn nhưng với mức sống được tăng lên dần như hiện nay thì một chiếc DVD khoảng trăm nghìn đổ lại không còn quá khó khăn nữa. Nhưng đến khi tình trạng đĩa lậu dần bị đẩy lùi thì đĩa gốc cũng không "thèm" phát hành nữa. Một thói quen bổ ích chết dần. Còn thói quen chi trả cho các sản phẩm giải trí online, cả nhạc lẫn phim, thì vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Cứ như thế, những nỗ lực phát hành hậu rạp chiếu đều chỉ ở dạng manh mún chứ không thực sự là một mục tiêu tiên quyết.
Cái gì cũng vậy, muốn phát triển hay duy trì đều phải nằm từ hai phía. Ở đây là sự chi trả và cung cấp cho một loại hình giải trí truyền thống lẫn cách tân, nếu người xem còn e dè trước việc đồng ý chi trả và người bán cũng chẳng xem đó là mục tiêu để chinh phục thì sự kết thúc là tất yếu.
Thực sự đáng tiếc khi một phim chất lượng như Scandal lại chỉ được ra rạp một lần rồi thôi, muốn quảng cáo cho bạn bè cũng chẳng có cách nào
Với sự phát triển của công nghệ thông tin thì dự doán trong tương lai các loại hình tiêu thụ phim ảnh trên mạng, xem phim online trả tiền ở Việt Nam vẫn sẽ khả quan. Nhưng thị trường băng đĩa truyền thống thì rất khó huy hoàng trở lại. Trong lúc các kênh xem phim trực tuyến, thói quen xem phim online trả tiền đang được xây dựng và cần thời gian để hoàn thành thì đã có rất nhiều phim bị "biến mất" vì không có đầu ra hậu rạp chiếu, thật sự là thiệt thòi cho khán giả.
Không phải nói đùa nhưng trong khi băng đĩa không thể nào "chết" hoàn toàn trên thế giới, lại rất có thể sẽ "chết" ở Việt Nam thì đó là một hiện trạng cần được quan tâm thay vì làm ngơ.