Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải thông tin cho biết, ngày 28/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến, hướng dẫn triển khai Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long đánh giá cao hoạt động thông tin điện tử trong năm qua đã góp phần tạo môi trường lành mạnh trên không gian mạng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cũng nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong việc quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới trong đó nổi cộm là việc lợi dụng tính ẩn danh để xuyên tạc, chống phá Đảng, nhà nước, phát tán tin giả, tin xấu, độc…
Cụ thể, Cục đã tiến hành kiểm tra chấn chỉnh 236 trường hợp, trong đó xử phạt 46 trường hợp trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoạt động sai quy định, với số tiền phạt hơn 1,047 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Nguyễn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh trong năm qua, cơ quan chức năng thuộc Bộ TT-TT cũng đã kiểm tra, rà soát 1.040 trường hợp báo hoá trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong đó xử lý 20 trường hợp, chặn, ngừng sử dụng 86 tên miền vi phạm.
Theo Phó Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Nguyễn Thị Thanh Huyền, đối tượng vi phạm liên quan hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội giảm gần 60% so với năm 2023. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đồng thời tích cực hơn nữa, phối hợp với Sở TT-TT các địa phương siết chặt cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Cũng theo báo cáo, thời gian qua, Bộ TT-TT duy trì việc kết hợp giải pháp đấu tranh cứng rắn, linh hoạt với các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, đã chặn gỡ hơn 16.000 nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới như: Facebook, TikTok và YouTube; tiếp nhận và xử lý gần 1.130 thông tin phản ánh về các nội dung tiêu cực xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên, nâng cao phối hợp các bộ, ngành liên quan để xác minh, xử lý và công bố tin giả, xấu độc, kết quả đã chấn chỉnh 168 tổ chức, xử phạt 58 trường hợp phát tán tin giả, xấu độc trên môi trường mạng, với số tiền phạt hơn 555,9 triệu đồng.
Về công tác phòng, chống tin giả, xấu, độc, theo Bộ TT-TT, thời gian qua cơ quan chức năng thuộc Bộ đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố thành lập 20 trung tâm xử lý tin giả, đồng thời, hợp tác với các nền tảng xuyên biên giới khai thác các chiến dịch lan tỏa thông tin hữu ích, góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh, tích cực.
Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do đánh giá cao công tác quản lý thông tin điện tử đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó chuyển biến rõ nét đó là sự tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng xuyên biên giới, song song đó, các quy định pháp lý liên quan về lĩnh vực này đã được người dân nhớ và đồng thuận, có ý thức tuân thủ pháp luật, tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trên không gian mạng.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá cao công tác quản lý thông tin điện tử đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đồng thời cho biết, trong thời gian tới, chủ trương về quản lý hoạt động thông tin điện tử và mạng xã hội sẽ tiếp tục được tăng cường và ngày càng quản lý chặt chẽ, mạnh mẽ hơn…
Trong năm 2025 Bộ sẽ tập trung triển khai Nghị định 147 mới được ban hành, trong đó có quy định xác thực tài khoản của người sử dụng mạng xã hội bằng số điện thoại tại Việt Nam.