Vừa qua, bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi N.L.K (15 tuổi) ở xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa bị rắn cắn trong lúc ngủ.
Theo đó, sau khi tỉnh dậy để đi uống nước thì nam sinh phát hiện khó mở mắt, nuốt khó, tê tay chân, gia đình phát hiện vết cắn ở vùng cánh tay trái. Sau đó, nam sinh nôn 1 lần, tức ngực, khó thở, chân tay lạnh. Gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện và được xử lý truyền dịch, thở oxy, sau đó chuyển lên điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Trẻ nhập viện trong tình trạng: Trẻ tự thở, môi nhợt, khó thở, thở nhanh, khó nuốt, tim nhịp nhanh, sụp mi, chân tay lạnh, đồng tử 2 bên giãn tối đa, cứng gáy, niêm mạc kém hồng, tê tay chân, vùng cánh tay trái có vết cắn không chảy máu. Các bác sỹ đã ngay lập tức chỉ định cho bệnh nhân thở máy, đặt nội khí quản cấp cứu, bóp bóng có oxy qua nội khí quản.
Hiện trẻ vẫn tiếp tục được cho thở máy, theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi. Các bệnh nhân thường bị rắn cắn trong hoàn cảnh nằm ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn, người dân không nên rạch vết cắn, nặn máu, hút nọc độc, đắp lá cây hay buộc garo vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết mà phải đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, người dân cần phát quang xung quanh nhà tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công.