Ngày 7/4, Sở Tài nguyên và môi trường TP Đà Nẵng cho biết, đã có kết quả xét nghiệm mẫu nước biển tại khu vực bị đổi màu bất thường khiến người dân xôn xao vào ngày 25/3.
Theo đó, qua quan trắc môi trường tại khu vực biển Nguyễn Tất Thành, đoạn từ cửa sông Phú Lộc (quận Thanh Khê) đến bãi tắm Xuân Thiều (quận Liên Chiểu) trong 2 ngày 25/3 và 26/3 và kết quả phân tích mẫu nước biển cho thấy không có tình trạng ô nhiễm.
Tuy nhiên, qua phân tích mẫu nước biển, lực lượng chức năng đã phát hiện một loài tảo giáp có tên Tripos furca (Ehrenberg) trong nước biển tại khu vực này.
Hiện tượng nước biển chuyển màu lạ này khiến nhiều người dân xôn xao, lo lắng.
Cơ quan chức năng phát hiện loài tảo giáp trong nước biển tại khu vực bị đổi màu.
Đặc biệt, kết quả này cũng trùng khớp với ghi nhận của nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy "Môi trường và Tài nguyên sinh vật" của trường Đại học Đà Nẵng thu mẫu độc lập tại khu vực xảy ra hiện tượng này vào ngày 25/3.
Được biết, mặc dù không gây độc tố nhưng loài tảo giáp này có thể gây hiện tượng nở hoa với sinh khối lớn gây giảm nồng nộ oxy và khiến nhiều sinh vật sống trong môi trường biển bị chết, cũng như gây hiện tượng nghẹt mang cá do thiếu oxy...
Trước đó như đã đưa tin, từ chiều tối 24/3 đến trưa 25/3, người dân sinh sống dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) xôn xao trước tình trạng nước biển tại khu vực chuyển sang màu đen bất thường, có bột màu vàng đục kéo dài hơn 5km. Từng lớp bọt biển bị sóng đánh tấp vào bờ có màu vàng đậm, nước biển bị chuyển sang màu sẫm và có mùi hôi rất khó chịu khiến nhiều người không dám xuống tắm biển.