Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện gần 900kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ tại thôn 2, Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, Đoàn phát hiện, tạm giữ tại địa điểm kinh doanh 840kg trứng non gia cầm đông lạnh, 40kg nầm động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch động vật, có hiện tượng bốc mùi khó chịu.
Đây không phải là chuyện hiếm gặp. Đầu năm nay, lực lượng chức năng tại Hà Tĩnh cũng tiến hành kiểm tra và thu giữ 960kg nội tạng động vật đã chuyển mùi hôi thối. Trong đó chủ yếu là lòng, dạ dày bò. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của số nội tạng trên.
Phát hiện gần 900kg nội tạng động vật bốc mùi, không rõ nguồn gốc tại Hà Nội (Ảnh: VTV)
Cũng vào thời điểm đầu năm 2023, lực lượng chức năng tại Bắc Giang kiểm tra và phát hiện 67kg ức gà, 320kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối, không nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, mỗi năm, các cơ quan chức năng đều phát hiện rất nhiều vụ thực phẩm bẩn. Trong đó chủ yếu là nội tạng động vật bốc mùi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tập trung chủ yếu vào những dịp cuối năm và đầu năm mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), nội tạng động vật nói chung cũng như các loại thịt, cá chúng ta ăn hàng ngày cần có chế độ bảo quản đúng cách để an toàn khi ăn. Đồng thời vẫn đảm bảo độ tươi sạch, giúp người ăn ngon miệng. Việc phải vận chuyển từ nơi xa cần cấp đông đúng quy trình, tránh gây hư hại, nấm mốc. Nếu không, nguy hại sức khỏe rất khó lường.
1. Nguy cơ nhiễm vi khuẩn có hại xuất hiện trong quá trình bảo quản không đảm bảo
Gần 1 tấn nội tạng động vật bẩn trên đường vận chuyển vào Nam tiêu thụ bị bắt giữ tại Hà Tĩnh (Ảnh: Báo Công Thương)
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, nếu sử dụng nội tạng động vật có dấu hiệu bốc mùi hay mốc rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại. Đó là Salmonella, E. coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu trùng... Những loại vi khuẩn này gây hại cho cơ thể như ngộ độc thực phẩm, nôn ói...
2. Nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn từ động vật nhiễm bệnh
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đặt ra nghi ngại, nội tạng động vật không có nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm nghiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chứng tỏ có vấn đề. Khả năng cao chúng được lấy từ những động vật đã bị nhiễm bệnh. Khi ăn vào cơ thể, cùng với nguồn hàng bốc mùi, tác hại sẽ còn tăng gấp đôi.
3. Nguy cơ nạp hóa chất độc hại vào cơ thể
Để "phù phép" cho những món nội tạng này thơm ngon, hấp dẫn và hút khách, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chắc chắn người bán sẽ phải tẩm ướp nhiều hóa chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Nếu thường xuyên ăn hàng quán chợ với những món như này, về lâu dài sẽ dẫn đến những nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Trong đó điển hình là sát thủ thầm lặng mang tên ung thư.
Nội tạng động vật được "phù phép" thơm ngon nhiều người thích. (Ảnh minh họa)
Chuyên gia cảnh báo, bán nội tạng động vật bốc mùi, không rõ nguồn gốc xuất xứ như trên thực chất là hình thức gian lận thương mại. Người bán đang chuộc lợi bản thân mà không nghĩ đến sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng.
Do đó, điều quan trọng là người tiêu dùng cần tỉnh táo nhận biết, hạn chế tối đa ăn hàng, chỉ ăn ở những nhà hàng có uy tín. Những người mắc bệnh tim mạch, người già, trẻ nhỏ… không nên ăn nội tạng động vật nói chung để luôn khỏe mạnh.
Vậy làm sao để nhận biết nội tạng sạch, đảm bảo? Chuyên gia đưa ra một số gợi ý:
- Chỉ mua nội tạng ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
- Nhìn bằng mắt: Nội tạng ngon có màu tươi đặc trưng. Ví dụ lòng lợn ngon có ống ruột căng phẳng phiu và tròn, ruột non có màu trắng hồng, nhẵn nhụi, không có mùi lạ…
- Khi sờ: Nội tạng có sự đàn hồi, độ dẻo dính. Nếu không có hoặc xuất hiện những nốt u cục như hạt gạo thì không được mua.
- Để khử mùi hôi đặc trưng của nội tạng: Dùng chanh, giấm xát khử mùi, sau đó rửa lại với nước muối để diệt khuẩn, làm sạch lại một lần nữa.