Phát hiện các virus cổ đại bị "đóng băng" 14.400 năm chưa từng được biết đến

Phương Anh, Theo VOV 22:48 22/07/2021

Một nhóm các nhà khoa học vừa phát hiện ra virus cổ đại bị đóng băng trong hai mẫu băng lấy từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc và hầu hết chúng đều không giống bất cứ thứ gì con người chúng ta từng biết đến trước đây.

Phát hiện mới, được đăng tải trên chuyên san Microbiome ngày 21/7, có thể giúp các nhà khoa học phần nào hiểu thêm quá trình tiến hóa của virus qua nhiều thế kỷ. Các mẫu nghiên cứu nằm trong các lõi băng được thu thập vào năm 2015 được cho là có niên đại ít nhất 14.400 năm trước.

Zhi-Ping Zhong, tác giả chính và nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Địa cực thuộc Đại học Bang Ohio, Mỹ, cho rằng các sông băng được bồi đắp theo thời gian, và cùng với bụi, khí, nhiều virus đồng thời bị chôn vùi bên trong.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, các sông băng ở miền tây Trung Quốc chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng và mục tiêu của nhóm ông là sử dụng thông tin thu thập được để tái hiện lại các mô hình môi trường tại khu vực trong quá khứ, mà virus là một phần của môi trường đó.

Khi các nhà nghiên cứu phân tích mẫu băng, họ đã tìm thấy mã di truyền của 33 loại virus. Ít nhất 28 trong số này hoàn toàn chưa được biết đến và phân nửa vẫn sống sót vào thời điểm bị đóng băng. Bên cạnh đó, dựa trên các chứng cứ di truyền, các nhà nghiên cứu cũng đặt giả thiết một số virus vẫn còn hoạt động tích cực bên trong sông băng của Tây Tạng.

Ông Matthew Sullivan, đồng tác giả của nghiên cứu và là Giám đốc Trung tâm Khoa học Vi sinh vật của bang Ohio cho biết, đây là những loại virus có thể phát triển mạnh trong môi trường khắc nghiệt. Công nghệ được sử dụng để nghiên cứu vi khuẩn và virus bên trong băng sẽ dẫn đến việc tìm kiếm các chuỗi gen tương tự trong các môi trường băng khắc nghiệt khác, có thể là trên sao Hỏa.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lonnie Thompson thì cho rằng việc phát hiện ra virus trong các sông băng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được cách chúng thích nghi với biến đổi khí hậu.