Theo số liệu mới được công bố, 93/96 tỉnh thành tại Pháp đã ban hành các sắc lệnh hạn chế sử dụng nước, trong đó 62 tỉnh đã được đặt trong tình trạng khủng hoảng. Đây cũng là mức độ cảnh báo cao nhất tại Pháp, với quy định cấm sử dụng nước để tưới cỏ, rửa xe hay tưới tiêu và canh tác.
Cơ quan Khí tượng Pháp dự báo tình trạng hạn hán sẽ còn tiếp tục kéo dài trong 15 ngày tới, nhất là tại khu vực phía Nam, do ít có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn.
Người đứng đầu chính phủ Pháp cũng yêu cầu các tỉnh trưởng tăng cường các sắc lệnh liên quan đến vấn đề quản lý nước, trong đó tập trung ưu tiên cho lĩnh vực y tế, an ninh dân sự và đảm bảo nguồn nước uống.
Phát biểu trong chuyến đi thị sát tại vùng Alpes-de-Haute-Provence ở phía Tây Nam, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp ông Christophe Béchu bày tỏ lo ngại khi nhiều địa phương đang phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt nguồn nước sạch.
“Hiện nay, hơn 100 thị trấn tại Pháp đang ở trong tình trạng không có nước sạch. Tại những thị trấn này, nguồn nước sạch sử dụng được vận chuyển đến bằng xe tải nước bởi các con kênh ở đây đã hoàn toàn khô cạn. Nhiệm vụ bây giờ là thắt chặt một số quy định hạn chế để các địa phương khác tránh rơi vào tình trạng này”, ông Christophe Béchu nói.
Hạn hán và nắng nóng bắt đầu ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng của Pháp. Tổng công ty điện lực Pháp (EDF) đã buộc phải giảm công suất hoạt động của nhà máy điện nguyên tử Golfech lớn thứ 2 tại Pháp từ 1.300 MW xuống mức tối thiểu 300 MW do nguồn nước được sử dụng để làm mát hệ thống máy móc lấy từ sông Garonne tăng lên mức 28 độ C.
Tổng công ty điện lực Pháp thậm chí đang xem xét cho dừng hẳn một trong 4 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Tricastin đặt tại tỉnh Drôme do lo ngại nguồn nước thải sau khi được sử dụng để làm mát sẽ tăng cao hơn nữa, có thể huỷ hoại hệ sinh thái sông Rhône khi nhiệt độ nước lấy vào đo được đã ở ngưỡng 25 độ C.
Các chuyên gia địa bàn dự báo, cùng với nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt, nắng nóng có thể buộc nhiều nhà máy điện hạt nhân tại Pháp dừng hoạt động và sẽ đẩy giá điện năm 2023 tăng gần gấp đôi mức so với mức 300 euro/MWh như hiện nay.