Hạn hán nghiêm trọng và nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới khu vực châu Âu

Thế Dũng, Theo VTV 18:31 05/08/2022

Theo Ủy ban châu Âu, hiện 44% diện tích lãnh thổ EU và Anh được cảnh báo có nguy cơ hạn hán, 9% trong tình trạng báo động.

Hiệp hội Nông dân Đức cho biết, sản lượng lúa mì tại Đức trong năm nay ước đạt dưới mức trung bình do hạn hán. Trong khi đó, Pháp phát đi cảnh báo hạn hán sau khi trải qua tháng 7 nóng nhất trong vòng 60 năm qua.

Hạn hán đang tác động tiêu cực tới các nước châu Âu. Các đợt nắng nóng đến sớm vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua khiến lượng nước mưa vào mùa đông và xuân giảm, trong khi lượng nước dự trữ cạn kiệt và lượng nước sông cũng bị ảnh hưởng trên khắp châu Âu.

Hạn hán và nắng nóng kéo dài khiến nhiều nước châu Âu hứng chịu các đám cháy rừng có diện tích lên hơn 600.000 ha. Ủy ban châu Âu cảnh báo, hạn hán và tình trạng khan hiếm nước đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất năng lượng và nông nghiệp.

Hôm 3/8, Hà Lan, đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển, đã phải ban bố cảnh báo tình trạng thiếu nước. Một số nước như Italy, Pháp, Đức, Hungary, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang thiếu nước tưới cho cây trồng. Hết tháng 7/2022, hoạt động sản xuất của nhà máy thủy điện ở nhiều nước châu Âu thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2021. Thiếu nước làm mát nên các nhà máy nhiệt điện cũng giảm công suất hoạt động.

Hạn hán nghiêm trọng và nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới khu vực châu Âu - Ảnh 1.

Nắng nóng, khô hạn ở Turbigo, dọc theo kênh Naviglio Grande, gần, Milan, Italy, ngày 12/7. (Ảnh: AP)

Ủy ban châu Âu cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể khiến một nửa số lưu vực sông ở các nước châu Âu có nguy cơ bị thiếu nước vào năm 2030. Ngày 3/8, Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước thành viên tái sử dụng nước thải đô thị đã qua xử lý để tưới tiêu cho nông nghiệp.

Mỗi năm, các nước châu Âu xử lý hơn 40 tỷ m3 nước, nhưng chỉ có 964 triệu m3 được tái sử dụng. Nếu có hệ thống chuyển hướng nước thải đến trang trại như Israel, Singapore và Australia, đến năm 2025, các nước châu Âu có thể tái sử dụng 6 tỷ m3 nước thải.

Song song với cảnh báo của Ủy ban châu Âu, Hà Lan đã áp đặt các hạn chế với hoạt động canh tác và vận chuyển để tiết kiệm nước. Nhiều vùng đã cấm các trang trại sử dụng nguồn nước lộ thiên tự nhiên (sông, suối, ao, hồ, hồ chứa...) để tưới tiêu nông nghiệp. Một số âu tàu trên sông, biển hoặc kênh đào để tàu thuyền ra vào đã tạm ngừng hoạt động.