"Phần lớn chọn con đường trở thành lao động mẫn cán và không bao giờ có được 1 triệu đô la"

Tô Diệp, Theo Trí Thức Trẻ 17:11 03/12/2022
Chia sẻ

Chia sẻ của các chuyên gia về con đường để đạt 1 triệu đô đầu tiên.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH thì mức tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng. Với con số này thì 1 triệu USD là điều mơ ước mà có khi tiết kiệm cả đời cũng không đủ. Nhưng đừng hiểu con số 1 triệu đô là con số giá trị tuyệt đối, mà đó chính là ý nghĩa tượng trưng cho phương pháp đạt được tự do tài chính, cho việc bạn có thể sống thoải mái không lo lắng về vấn đề tiền bạc ngay cả khi đã nghỉ hưu. “1 triệu USD” với anh bạn A là 5 triệu USD nhưng với chị B thì là 500 nghìn USD, quan trọng là bạn cần biết con số nào là phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Đích đến tự do tài chính của mỗi người giống nhau ở chỗ chúng đều là những con số, nhưng hành trình đến được con số đó thì lại rất khác. Bạn có thể là người cực kỳ giỏi trong lĩnh vực bạn làm và kiếm về rất nhiều tiền, hoặc nhờ cơ may trúng số hay thừa kế mà bỗng nhiên lại ngay lập tức đạt được cột mốc tự do tài chính mà mình đề ra. Nhưng có lẽ ai cũng hiểu rằng đó là một nhóm thiểu số trong xã hội, không phải ai cũng may mắn và đầy tài năng. Vậy với đại đa số người dân, những người vẫn hằng ngày đi làm hằng tháng nhận lương cuối tháng dư ra chút ít, đâu là con đường để họ chạm tới tự do tài chính?

Trong MONEYTalk số 48 với chủ đề “1 TRIỆU ĐÔ ĐẦU TIÊN”, host Dương Ngọc Trinh và khách mời: anh Hans Nguyễn - Quản lý Cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam và anh Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Viễn thông FPT tìm ra được đâu là hướng đi phù hợp với bản thân để có thể đạt được “1 triệu đô” trước tuổi về hưu.

Phần lớn chọn con đường trở thành lao động mẫn cán và không bao giờ có được 1 triệu đô la - Ảnh 1.

Moneytalk số 48

Có một bạn khán giả đã đặt câu hỏi cho anh Hoàng Nam Tiến rằng làm việc 16 tiếng/ngày và cũng ở cơ quan như anh Tiến nhưng bạn không thể kiếm nổi 1 tỷ đồng. Về câu chuyện này, anh Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh rằng phần lớn chúng ta, có thể nói 95-99% chọn con đường trở thành những người cán bộ, người lao động mẫn cán chăm chỉ, và không bao giờ có được 1 triệu đô la. Song, trong số những người đó sẽ luôn có những người nghĩ khác và làm khác. Kể cả đang phải làm công việc trước đó rất nhiều người làm, nhưng họ bắt đầu làm với quan điểm: luôn luôn suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới. Vì vậy, với tư duy đó, họ sẽ có những bước đột phá tạo ra những việc hoàn toàn khác.

“Ngày xưa tôi đi bán hàng có thu nhập rất tốt, cao hơn gấp 2,3 lần so với những bạn cùng làm việc lúc đó. Nhưng tôi chợt nhận ra, nếu mãi giữ nguyên công việc như vậy, thu nhập tôi cũng chỉ có thế. Lúc đó, tôi nghĩ ra cách là không chỉ bán phần của tôi mà phải làm sao để bán cho cả trăm công ty khác bán hàng của tôi. Có thể lợi nhuận ít hơn nhưng tôi có mạng lưới bán hàng vô cùng lớn. Đó là những ý tưởng đầu tiên, và sau 9 năm, chúng tôi xây dựng được công ty với mảng lưới phân phối lớn nhất Việt Nam”.

Phần lớn chọn con đường trở thành lao động mẫn cán và không bao giờ có được 1 triệu đô la - Ảnh 2.

Anh Hoàng Nam Tiến

Trong câu chuyện làm việc này, host Ngọc Trinh cũng chia sẻ: Trên thực tế, rất nhiều người vẫn đang đi làm việc. Nếu mỗi cá nhân luôn nghĩ rằng bản thân sẽ chỉ làm những việc sếp giao, hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta rất khó để có thể làm chủ công việc của mình. Sự sáng tạo sẽ biến giá trị của chúng ta trở nên hoàn toàn khác biệt. Và chính những sự khác biệt đó là bước đệm giúp mỗi người chạm được những cột mốc khác nhau - thể hiện bằng tiền. Tiền là bằng khen cho nỗ lực lao động và sáng tạo để tạo ra giá trị của bản thân mình trước công việc.

Phần lớn chọn con đường trở thành lao động mẫn cán và không bao giờ có được 1 triệu đô la - Ảnh 3.

Host Ngọc Trinh

Ngoài ra, khi bàn đến phương pháp để có được 1 triệu đô đầu tiên, theo quan điểm của anh Hans Nguyễn, có 10 con đường đi tới đích 1 triệu đô la, mỗi người sẽ phải tự chọn cho mình 1 con đường. Điều quan trọng ở đây không phải là con đường bản thân mong muốn, ai cũng muốn đi nhanh, vấn đề là phải chọn con đường khả thi. Thường thường, ít người đi nhanh được, đa số phải chấp nhận đi chậm.

“Thực tế ở bên Thụy Sĩ, mọi người rất quen thuộc với đầu tư. Hầu như ai cũng đầu tư rất sớm và đều đặn, thành thói quen. Kết quả là hầu hết những người lớn tuổi về hưu đều đầy đủ về tiền bạc. Chọn 1 cách đầu tư chậm và chắc để mình có thể về đích. Đó là cái phương án chắc, cũng như câu chuyện của anh Tiến, phải luôn suy nghĩ để làm tốt hơn nữa. Các bạn trẻ nên tận dụng lợi thế riêng của mình, cố gắng khai thác sở trường xem có thể đi nhanh”.

Phần lớn chọn con đường trở thành lao động mẫn cán và không bao giờ có được 1 triệu đô la - Ảnh 4.

Anh Hans Nguyễn

Bên cạnh đó, anh Hans Nguyễn cũng chia sẻ rằng bản thân đã có những lần sai lầm trong đầu tư. Cũng giống như đa phần những người trẻ khác, anh Hans Nguyễn mắc lỗi háo thắng. Khi nghiên cứu thị trường, sau một thời gian, vị chuyện gia này rất thành công. Song, đầu tư với lợi nhuận 20-30% là chưa nhiều, anh Hans Nguyễn muốn nhiều hơn nữa. “Có một lần mình bị vấp, gần như mất tất cả lúc đó. Mong muốn về đầu tư của mình rất quan trọng, đừng thái quá. Khi đầu tư đúng chuẩn mức, giữa lãi suất gửi ngân hàng đến lợi nhuận đầu tư cổ phiếu chênh nhau khoảng 20%. Còn nếu muốn 50%, điều này rất bất thường”.

Ảnh: Moneytalk

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày