Phần cực bổ dưỡng của trái táo mà trước giờ chúng ta vẫn bỏ phí

Tịnh Tâm, Theo Trí thức trẻ 15:32 13/10/2022
Chia sẻ

Ăn 1 quả táo mỗi ngày sẽ giúp bạn tránh xa bác sĩ nhưng nếu không ăn phần này thì bạn đang bỏ qua phần có lợi nhất của quả táo.

Có thể bạn đã biết đến lợi ích của vỏ táo. Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan tuyên bố vỏ táo chứa hầu hết các flavonoid của trái cây như quercetin và pectin, những chất giúp ngăn chặn một số loại tế bào ung thư phát triển trong cơ thể con người, theo một nghiên cứu năm 2016 trên Tạp chí Thực phẩm và Phân tích thuốc.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm, các nhà khoa học đã liên kết các hợp chất chống oxy hóa của flavonoid và phenolics với vỏ của quả táo, phát hiện ra rằng chỉ riêng vỏ quả đã có nhiều chất chống oxy hóa tăng cường sức khỏe hơn là phần thịt quả. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng lưu ý rằng một quả táo chưa gọt vỏ có nhiều hơn ít nhất một phần tư cả kali và vitamin A và gần gấp đôi lượng chất xơ so với quả táo đã gọt vỏ (theo The Washington Post).

Phần cực bổ dưỡng của trái táo mà trước giờ chúng ta vẫn bỏ phí - Ảnh 1.

Còn thứ khác quý giá hơn ở quả táo mà bạn thường vứt bỏ

Ngoài chất xơ và flavonoid, táo còn chứa vi khuẩn (loại có lợi cho sức khỏe đường ruột) nhưng hầu hết vi khuẩn được tìm thấy trong lõi của quả, bao gồm cả thân và hạt - những phần chúng ta vẫn thường bỏ đi. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Graz ở Áo, công bố vào tháng 7/2019 trên tạp chí Frontiers of Microbiology.

Một quả táo chứa khoảng 100 triệu tế bào vi khuẩn (lợi khuẩn) - nhưng nếu bạn vứt bỏ lõi, bạn chỉ nhận được khoảng 10 triệu tế bào quý giá này.

"Nhìn chung, lõi và hạt táo có nhiều lợi khuẩn nhất, tiếp theo là đầu đài hoa (cuống quả), đầu thân (đáy quả táo) và cùi quả (phần thịt chúng ta hay ăn)", nghiên cứu cho biết.

Phần cực bổ dưỡng của trái táo mà trước giờ chúng ta vẫn bỏ phí - Ảnh 2.

Phần lớn trong số 100 triệu vi sinh vật trong cơ thể con người sống trong ruột của chúng ta, đặc biệt là ruột già. Trong số hệ thực vật đường ruột này, có cả loại tốt và loại xấu.

Hệ thực vật tốt vô cùng quan trọng đối với các chức năng cơ thể khỏe mạnh. Chúng "giúp tiêu hóa thức ăn, điều chỉnh hệ thống miễn dịch, bảo vệ chống lại các vi khuẩn khác gây bệnh và sản xuất các vitamin bao gồm vitamin B như B12, thiamine và riboflavin, và vitamin K, cần thiết cho quá trình đông máu", theo Trung tâm Sinh thái học và Sức khỏe Môi trường tại Đại học Washington.

Các vi khuẩn tốt có thể bị tiêu diệt bằng cách dùng thuốc kháng sinh hoặc các liệu pháp điều trị bằng thuốc khác, cũng như thuốc đại tràng và tiêu chảy, đó là lý do tại sao bạn nên ăn các loại thực phẩm cung cấp vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột của bạn, như sữa chua hoặc táo.

Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý là đừng nên ăn hạt táo quá thường xuyên/quá nhiều.

Hạt táo (cùng với hạt anh đào và quả lê) chứa một lượng nhỏ hợp chất gọi là amygdalin, khi được chuyển hóa trong hệ tiêu hóa, sẽ phân giải thành hydrogen cyanide cực độc, một chất có thể gây chết người ở liều lượng lớn. Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng đừng quá lo lắng bở hạt táo chứa một lượng nhỏ hóa chất có thể gây hại, lượng này nhỏ đến mức bạn có thể phải ăn hàng trăm hạt mới có nguy cơ bị ngộ độc.

Frances Largeman-Roth, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ với trang TODAY Food rằng "ăn lõi táo không thường xuyên khó có thể gây hại sức khỏe, chỉ cần nhớ đừng nên ăn nhiều".

"Nhiều người hoảng sợ khi nuốt phải hạt trái cây vì chúng được biết là có chứa xyanua tự nhiên. Tuy nhiên, sự thật là, ngộ độc do vô ý ăn phải một vài hạt trái cây là điều khó có thể xảy ra", theo Khoa Kiểm soát Chất độc của Trung tâm Chống độc Quốc gia Hoa Kỳ.

Do đó, để không phải lo lắng về tác động của hạt táo đối với sức khỏe, chuyên gia dinh dưỡng Bonnie Taub-Dix khuyên bạn nên ăn tất cả mọi thứ của quả táo (trừ hạt) - vỏ, lõi và thịt - để tận dụng tối đa dinh dưỡng của táo.

Nguồn và ảnh: The Daily Meal, TODAY, Healthline

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày