Trở lại sau Cold Eyes từng được đánh giá cao năm 2013, đạo diễn Cho Ui Seok hoàn toàn khiến người hâm mộ hài lòng với "bom tấn" lấy cảm hứng từ một vụ lừa đảo chấn động tại Hàn Quốc. Một lần nữa, vị đạo diễn sinh năm 1976 khẳng định khả năng thao túng tâm trí khán giả ở đề tài hình sự.
Jin Hyun Pil (Lee Byung Hun) là một nhân vật đặc biệt. Trong mắt những tín đồ của tập đoàn tài chính One Network, chủ tịch Jin chính là một "ngôi sao", là kẻ ban cho họ những giấc mơ không cần đóng thuế. Nhưng với lực lượng cảnh sát, đặc biệt là Đội trưởng Đội điều tra tài chính Kim Jae Myung (Kang Dong Won) thì hắn là một nhân vật nguy hiểm, một tay "đa cấp" lừa đảo nặng kí.
Để vạch trần âm mưu chiếm đoạt lên đến hàng tỉ won của Jin Hyun Pil, Jae Myung quyết định chiêu dụ Park Jang Gun (Kim Woo Bin) - thiên tài IT của One Network - trở thành gián điệp cho phía cảnh sát với điều kiện sẽ thi hành án treo cho hắn khi vụ án được phá. Giờ đây, cuộc chiến cân não giữa ba bộ óc thiên tài bắt đầu cùng những âm mưu khuynh đảo kinh tế xuyên quốc gia.
"Gạt vài ba đồng gọi là lừa đảo, vài ba triệu thì là tội phạm kinh tế, nhưng đến cả nghìn tỉ thì gọi là gì đây?" - một câu thoại ấn tượng của Jin Hyun Pil
Thể loại tội phạm trong Ông Trùm (Master) là kinh tế, vì thế có khá nhiều mánh khóe về các chiêu trò gạt tiền, rửa tiền cũng như những khái niệm xoay quanh tiền bạc xuyên suốt bộ phim. Nhưng chúng được biên kịch lồng ghép và giải thích khéo léo, không gây khó hiểu cho lớp khán giả đại chúng. Đầu tiên là tái dựng lại không khí của vụ lừa đảo chấn động Hàn Quốc năm nào bằng một buổi lễ trang trọng. Nơi mà gã chủ tịch Jin bước lên sân khấu nói những lời hoa mỹ, chảy vài giọt nước mắt giả tạo như một "đấng cứu thế" trước các "con chiên" đang đặt hết ước mơ vào tập đoàn của hắn. Những câu nói của giới "đa cấp" cùng hình ảnh đạo mạo của Lee Byung Hun khiến cho bộ phim tạo được không khí căng thẳng ám mùi dối trá ngay từ đầu.
Ngay sau đó, khi Hyun Pil lộ rõ bộ mặt hiểm ác của tay lừa gạt, phim lại hướng sang câu chuyện "điệp viên hai mang" của Park Jang Gun. Các tình tiết được sắp đặt liên tục khiến cho nhân vật trở thành sự tập trung của khán giả, không biết hắn đang theo phe nào. Rồi bằng một màn rượt đuổi trong đường hầm, "Ông Trùm" khéo léo chuyển tông sang một cuộc truy bắt điều tra quy mô xuyên quốc gia, kết hợp nhịp nhàng những màn cân não giữa hai phe cùng những cuộc đối đầu kịch liệt đến cuối cùng.
Có thể nói dù hơi tham nội dung khiến thời lượng phim hơi dài nhưng đạo diễn Choi rất biết cách "nhử" khán giả qua từng thước phim. Khi một tình huống chưa được giải quyết xong thì đã có chuyện khác xảy đến. Đây là một "chiêu" kích thích trí óc cũng như cảm giác người xem rất tốt, tạo được không khí căng thẳng vô cùng "sướng".
Nhưng bù lại, công thức này cũng tạo ra một nhược điểm cho kịch bản. Đó là khi đạo diễn liên tục thử thách sự suy đoán của khán giả trước những tình huống "có bẫy" thì càng về cuối khán giả sẽ càng ít bất ngờ hơn. Chưa kể việc tạo ra những cú twist nhỏ mà không có một cú twist đủ lớn cũng gây hụt hẫng. Thật ra là có một cú twist khá quan trọng ở cuối phim nhưng đạo diễn đã chọn cách "tránh né" thay vì phủ đầu như những phim cùng đề tài. Khi xem phim khán giả sẽ nhận ra.
Kim Woo Bin và đạo diễn Choi Ui Seok
Thêm một điểm cộng trong việc kiểm soát mạch phim chính là yếu tố hài hước xuyên suốt. Các tình huống xảy ra giữa những nhân vật trong mấy quãng nghỉ (đặc biệt là tương tác của nhân vật Kim Woo Bin thủ vai với các nhân vật khác) khiến không khí phim được giãn ra đúng lúc. Những chi tiết gây cười cũng không gượng gạo hay mất tự nhiên mà được sinh ra từ cách diễn và tình huống phát sinh. Đến tận những lúc căng thẳng nhất, hồi hộp nhất, khán giả vẫn cười được bởi vì tính cách nhân vật Park Jang Gun được xây dựng quá tốt.
Đặc biệt, "Ông Trùm" không cố ý lấy nước mắt khán giả như "truyền thống" của phim Hàn. Biên kịch thẳng tay gạt bỏ những tình tiết trai gái hay tình cảm đồng đội ủy mị, hy sinh chết chóc mà chỉ tạo ra một cái khuôn vừa đủ để nhân vật vẫy vùng và tạo được cảm xúc. Thậm chí đến đoạn cuối, các trai đẹp vẫn thẳng thừng từ chối "thả thính" nhau. Vì đạo diễn quá "cứng" nên nói trước để các fan đỡ "mềm lòng" trước các trai đẹp.
Bên cạnh nhân vật được xây dựng rất rõ ràng, vai nào ra vai đó thì diễn xuất của các tên tuổi lớn cũng là một vũ khí lợi hại. Sở hữu ba "mỹ nam" tầm cỡ trong một bộ phim đã không dễ, để họ phát huy được thế mạnh và không lấn át nhau càng khó hơn. Nhưng "Ông Trùm" đã rất thành công trong việc tung hứng ba "ông trùm" phá án, lừa đảo và điện toán trong một vụ án phức tạp.
Sau những ầm ĩ về đời tư, Lee Byung Hun đã có màn tái xuất đủ sức thỏa mãn những khán giả khó tính nhất. Không chỉ có diện mạo nguy hiểm của một ông trùm tài chính, Byung Hun còn xử lý những chi tiết nhỏ mà biên kịch cho vào nhân vật rất mượt mà. Từng nét biểu cảm trên gương mặt đển cái cách giả lả của một nhà từ thiện người Trung Quốc nói tiếng Anh quê mùa đều được Byung Hun thực hiện trót lọt.
Đối trọng với ông trùm lừa đảo chính là tay cảnh sát ngoan cường luôn bình tĩnh đến phát ngầu mà Kang Dong Won thủ vai. Trái với tướng mạo thư sinh cao ráo, ánh mắt của thanh tra Jae Myung cực kì nghiêm nghị. Khi phải đối đầu với ông trùm bằng "ánh mắt", khán giả càng thêm tin vào lý tưởng mà anh ta đang gánh trên vai. Dù Jae Myung là nhân vật "một màu", không phát sinh mâu thuẫn tâm lý nhưng Kang Dong Won vẫn có cách để khiến Jae Myung trở nên hấp dẫn.
Cuối cùng, đứng giữa hai ông trùm nguy hiểm chính là tay IT rất "nhây" Park Gun. Kim Woo Bin "bẫy" được khán giả khi kết hợp nhịp nhàng vẻ đạo mạo của mình cùng lối diễn xuất tưng tửng. Anh không chỉ là "cầu nối" đưa Jae Myung đến gần Hyun Pil mà còn chính là một mắt xích thú vị giữa chính nghĩa và gian xảo. Park Gun sẽ là nhân vật dễ tạo được sự đồng cảm nhất với khán giả khi anh phải liên tục đứng giữa ranh giới trục lợi và làm việc tốt.
Có lúc Park Gun sẽ khiến người xem vô cùng cảm thương khi mất hết tất cả, cũng có lúc hắn khiến người khác hoài nghi bởi chẳng biết đang nghĩ gì sau nụ cười xảo huyệt ấy. Dù tên tuổi có phần lép vế hơn nhưng Kim Woo Bin đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này.
Ngoài những phi vụ rửa tiền được sắp đặt quy mô, không chỉ ở Hàn Quốc mà kéo sang Phillippines, thậm chí là Việt Nam, thì phim còn đề cập đến vấn đề chính trị. Mối quan hệ ngầm của những nhà cầm quyền với giới tội phạm là chủ đề hay được khai thác trong phim Hàn và từng có nhiều thành công. Có lẽ vì vậy mà "Ông Trùm" không tập trung kĩ vào nó nữa mà chỉ được đề cập vừa đủ. Nhân vật "lớn" đứng sau ông trùm Hyun Pil cũng không được chỉ đích danh mà để khán giả tự "xâu chuỗi".
Song song chính là những đề cập đến các tệ nạn tham nhũng xuyên quốc gia. Những phi vụ lừa đảo dưới danh nghĩa từ thiện của các tay doanh nhân ngoại quốc. Hay giới thiệu những nhân vật quyền lực trong giới chính trị gia dù đó chỉ là một phụ nữ lớn tuổi. Tất nhiên không thể thiếu những nghi kị trong nội bộ tội phạm hoặc những cố chấp dẫn đến sai lầm của phía cảnh sát.
Tóm lại, với chất liệu hành động kịch tính được minh họa bằng những gương mặt vừa có sắc vóc vừa có thực lực, Ông Trùm như một bức tranh đa sắc màu về giới tội phạm kinh tế nguy hiểm luôn tồn tại trong xã hội. Một sự cố gắng đáng ghi nhận của đạo diễn Choi Ui Seok khi muốn phanh phui thật nhiều những thứ nhơ nhuốc của giới tội phạm xứ kim chi.