Việc ông Emmanuel Macron tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dẫn đến một cơn địa chấn chính trị ở châu Âu. Tuy nhiên, ông Macron thừa nhận không hài lòng với nhiệm kỳ đầu tiên của mình và cam kết, ông sẽ tìm cách sửa đổi.
Những người ủng hộ ông Macron đã vỡ òa trong niềm vui sướng khi kết quả xuất hiện trên một màn hình khổng lồ tại công viên Champ de Mars cạnh tháp Eiffel.
Các nhà lãnh đạo châu Âu ở Berlin, Brussels, London... đã hoan nghênh việc ông đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen, trở thành Tổng thống Pháp nhiệm kỳ thứ 2.
Kết quả các cuộc thăm dò sơ bộ cho thấy, Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai năm 2022 với 58,5% phiếu bầu.
Ngay sau khi kết quả được công bố, Tổng thống Macron đã có bài phát biểu trước những người ủng hộ. Ông nhấn mạnh sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong nhiệm kỳ 5 năm tới của ông.
"Nhiều người ở Pháp đã bỏ phiếu cho tôi không phải vì họ ủng hộ ý tưởng của tôi mà là để loại bỏ những ý kiến cực hữu. Tôi muốn cảm ơn họ và biết rằng, tôi cần phải cải thiện cuộc sống của họ trong những năm tới", ông Macron nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn mừng với những người ủng hộ tại Paris, ngày 24/4 (Ảnh: AP)
Hai năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 và giá năng lượng tăng cao do cuộc chiến ở Ukraine gây ra đã đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu của chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp. Chi phí sinh hoạt tăng cao đã trở thành vấn đề căng thẳng ngày càng gia tăng đối với những người nghèo nhất ở nước này.
Bà Le Pen, người đã kém ông Macron vài điểm trong các cuộc thăm dò sơ bộ, nhanh chóng thừa nhận thất bại. Tuy nhiên, bà cam kết sẽ tiếp tục tham gia cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhanh chóng chúc mừng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về chiến thắng bầu cử trước đối thủ cực hữu của mình vào ngày 24/4.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Bỉ và Luxembourg, là những người đầu tiên chúc mừng ông Macron, tiếp theo là gần như tất cả 27 nhà lãnh đạo của khối sau chiến thắng của ông trước Marine Le Pen với tỷ lệ cách biệt.
Sau cuộc bỏ phiếu của Anh về việc rời khỏi EU và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016 với chiến thắng của ông Donald Trump, EU đã lo lắng về những cải cách kinh tế và xã hội có khả năng bùng nổ nếu bà Le Pen đắc cử, ngay cả khi các cuộc thăm dò cho thấy, ông Macron giành chiến thắng trong vòng hai hôm 24/4.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh kết quả bầu cử Tổng thống Pháp, cam kết hợp tác với ông Macron và nói rằng: "Pháp là một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của chúng tôi".
Những người ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron vẫy cờ Pháp trước tháp Eiffel lấp lánh ánh đèn ở Paris, ngày 24/4 (Ảnh: AP)
Các nhà lãnh đạo Thụy Điển, Romania, Lithuania, Phần Lan, Hà Lan và Hy Lạp, cũng như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đều chúc mừng tân Tổng thống Pháp trong vòng nửa giờ sau khi có kết quả bầu cử.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết: "Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng và mang tính xây dựng trong EU và NATO, đồng thời củng cố hơn nữa mối quan hệ tuyệt vời giữa các nước trong khối của chúng ta".
Tiếp nối tình cảm của nhiều người, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, châu Âu là bên chiến thắng lớn nhất.
Thủ tướng Italy Mario Draghi, người cùng với ông Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz được coi là bộ ba quyền lực trong nhóm các nhà lãnh đạo ủng hộ EU, cho biết, kết quả cuộc bầu cử tại Pháp là "tin tuyệt vời đối với toàn châu Âu".
Thủ tướng Scholz đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Pháp - Đức và coi đây là động cơ của hội nhập châu Âu.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gửi lời chúc mừng tới ông Macron qua Twitter.