Tại thành phố Johannesburg của Nam Phi, những bãi rác ngày càng chất chồng bởi rác thải nhựa. Những chiếc máy xúc rác hoạt động thường xuyên nhưng không thấm vào đâu so với lượng rác thải khổng lồ. Ước tính, mỗi tháng Johannesburg thu gom tới 40.000 tấn rác thải bao gồm nhựa. Năm 2018, thành phố đông dân nhất Nam Phi này đã yêu cầu người dân phân loại rác nhưng việc thực hiện không mấy hiệu quả. Đến nay, ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa vẫn là vấn đề nan giải.
Ông Muzi Mkhwanazi, đại diện dịch vụ xử lý rác thải Pikitup, cho biết: "Nhựa không thể phân hủy sinh học như các loại chất thải khác, vì vậy nó tồn tại rất lâu. Nếu ta nén chặt, nó sẽ chiếm một khoảng lớn trên bãi rác, khó có thể thu gọn được. Khi có gió, tình hình càng tồi tệ hơn, người dân phàn nàn rất nhiều. Rác nhựa cũng trôi ra biển, làm ô nhiễm dòng nước, cá không sống nổi. Đây thực sự là vấn đề lớn".
Người dân nhặt rác ở thành phố Johannesburg (Ảnh: AP)
Lượng rác thải nhựa ngày càng lớn vô tình trở thành sinh kế của một số người dân Nam Phi. Họ nhặt rác, phân loại, sau đó bán cho công ty tái chế. Số tiền kiếm được cũng giúp họ trang trải phần nào cuộc sống. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, những hệ lụy về sức khỏe là không thể xem thường khi ngày ngày phải tiếp xúc với nguồn rác thải ô nhiễm.
Bà Carmen Jordaan, Giám đốc tổ chức Whole Earth Recycling, nói: "Mặc dù tại bãi rác có tiến hành phân loại nhưng vẫn không hiệu quả bằng phân loại rác tại nguồn. Như thế mới có thể tiết kiệm thời gian và thực hiện tái chế rác thải nhựa hiệu quả hơn".
Ước tính, châu Phi có tỷ lệ thu gom rác thải trung bình là 55% nhưng chỉ 4% trong số đó được tái chế. Con số này thấp hơn mục tiêu của Liên minh châu Phi là phải tái chế ít nhất 50% lượng rác thải.
Mới đây, một hội nghị đã được tổ chức tại Nam Phi để thảo luận về vấn đề xử lý rác thải nhựa và đưa ra giải pháp cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hiện nay.