Núi lửa lớn nhất thế giới Mauna Loa trước nguy cơ phun trào

Quỳnh Chi, Theo VTV 11:07 02/06/2021

Dữ liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy, núi lửa Mauna Loa ở Hawaii đang đứng trước nguy cơ phun trào trong thời gian tới đây.

Hoạt động trong ít nhất 700.000 năm qua và là một trong những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ tại Hawaii, Mauna Loa là ngọn núi lửa hình khiên lớn nhất trên Trái đất.

Căn cứ vào sự thay đổi của mặt đất được theo dõi bởi dữ liệu vệ tinh và GPS, các nhà nghiên cứu đã có thể lập mô hình dòng chảy của magma ở bên trong núi lửa, cũng như tìm ra những yếu tố sẽ kích hoạt và không có khả năng kích hoạt vụ phun trào lớn tiếp theo của núi lửa Mauna Loa.

Theo đó, sẽ có khả năng xảy ra một trận động đất khá lớn. Kết luận này dựa trên các phép đo về dòng magma từ năm 2014 cũng như ứng suất địa hình của đá xung quanh vùng định hướng, các đứt gãy dưới sườn núi lửa.

Ông Bhuvan Varugu, một nhà địa chất học tại Trường Khoa học Hàng hải và Khí quyển Rosenstiel, cho biết: "Một trận động đất có cường độ từ 6 độ trở lên sẽ làm giảm bớt áp lực của dòng magma. Động đất có thể tạo ra các vết đứt gãy nằm ngang dưới sườn phía Tây của núi lửa, giải phóng dòng magma chảy dọc theo các vết nứt này. Như vậy, trận động đất có thể kích hoạt một vụ phun trào núi lửa ".

Núi lửa lớn nhất thế giới Mauna Loa trước nguy cơ phun trào - Ảnh 1.

Khói bốc lên từ miệng núi lửa Mauna Loa (Ảnh: AP)

Các nhà khoa học xác định rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2020, 11 km2 magma mới đã chảy vào trong lòng núi lửa, thay đổi hướng áp lực tác động lên núi lửa.

Những loại thay đổi áp lực magma này chưa được đo lường trước đây. Cùng với các dòng dung nham trên bề mặt và sự dịch chuyển mặt đất dọc theo đứt gãy sườn núi lửa, sự gia tăng khối lượng của magma làm thay đổi hình dạng của núi lửa và khả năng magma sẽ phun trào.

Những vụ phun trào gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cảnh báo sớm. Vào năm 1950, dung nham từ núi lửa núi Mauna Loa đã phun trào chỉ trong ba giờ. Vụ phun trào năm 1950 và một vụ phun trào lớn khác vào năm 1984 đều xảy ra trước các trận động đất lớn.

Các nhà nghiên cứu núi lửa cho biết rằng, hoạt động địa chất tại các sườn núi lửa và những vụ phun trào có liên quan mật thiết với nhau ở núi lửa Mauna Loa. Theo đó, những thay đổi ở các sườn núi này do gia tăng lượng magma có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể về cách hoạt động của núi lửa.

Nhà địa chất biển Falk Amelung từ Đại học Miami nói: "Một trận động đất có thể là một yếu tố thay đổi địa chất và phun trào núi lửa. Nó sẽ giải phóng các khí từ magma tương đương với việc lắc một chai soda, tạo ra áp suất và lực bổ sung, đủ để phá vỡ lớp đá đang che phủ magma".