Ngày 9/4, BS CKI Trương Thái Dương, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Xuyên Á cho biết, đơn vị vừa kịp thời phẫu thuật cứu sống bệnh nhân B.K. (18 tuổi, ngụ Long An) sau cơn hôn mê sâu do đột quỵ.
Theo đó, em K. nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, hôn mê sâu.
Nhanh chóng, K. được các bác sĩ chụp CT não, kết quả cho thấy xuất huyết não đồi thị bên phải, xuất huyết não thất lượng nhiều kèm giãn não thất cấp.
Các bác sĩ kết luận em K. bị đột quỵ do xuất huyết não đồi thị - xuất huyết não thất - giãn não thất cấp có chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Bệnh nhân được nhanh chóng chuyển từ khoa cấp cứu lên phòng mổ trong tình trạng hôn mê sâu, glasgow 9 điểm, liệt 1/2 người bên trái, phản xạ ánh sáng yếu, phải thở máy qua nội khí quản.
Sau khi hội chẩn khẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấp cứu đặt EVD (dẫn lưu não thất ra ngoài). Đồng thời, thực hiện chụp lại phim CTA nhằm xác định nguyên nhân xuất huyết. Sau đó, kết quả loại trừ các nguyên nhân dị dạng mạch máu não, máu không tăng thêm, các bác sĩ đã kết hợp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rtPA) qua đường EVD vào não thất. Đây là một tiến bộ mới trong y học điều trị các trường hợp xuất huyết não thất, giảm tỷ lệ tử vong một cách đáng kể.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi sát, kết quả chụp CT kiểm tra mỗi 24 giờ cho thấy khối máu trong não thất tan nhiều và lưu thông dịch não tủy trở lại ổn định.
Từ hôn mê sâu, suy hô hấp phải thở máy, bệnh nhân đã có thể tự thở được. Hiện tại, bệnh nhân có thể vận động tứ chi, tỉnh táo, nói tốt, sức cơ bên trái cải thiện.
Sau khi được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân đã ổn định trở lại
Trước đó, theo người nhà bệnh nhân cho biết, trưa ngày 31/3, sau khi đi học về, K. có vào phòng tắm và thay quần áo. Tuy nhiên, khi vừa ra ngoài thì bất ngờ đau đầu dữ dội, co giật và rơi vào hôn mê sâu dù trước đó K. hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.
Bác sĩ Dương cho biết, trường hợp của K. may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, vẫn trong thời gian vàng nên có thể cứu chữa được.
Theo bác sĩ Dương, các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh nhưng có sự lặp đi lặp lại. Cụ thể:
- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.
- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.
- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.
- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Bác sĩ Dương cũng khuyến cáo, sau khi phát hiện người có những biểu hiện đột quỵ, cần đưa bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa để kịp thời xử lý. Vì nếu can thiệp trễ khi đã hôn mê quá sâu, não bị chèn ép quá nhiều thì dù có thể giữ được mạng sống nhưng khả năng hồi phục rất thấp.
Không chủ quan với những cơn đau đầu kéo dài, bất thường
Trước đó, tại Bệnh viện Xuyên Á cũng đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân T.L. (50 tuổi, quê Vĩnh Phúc) có khối u trong não sau cơn đau đầu hơn 1 tháng.
Qua kiểm tra cận lâm sàng, cùng kết quả hình ảnh MRI não, ông L. được chẩn đoán có khối u nguyên bào mạch máu não (Hemangioblastoma) tiểu não trái nằm ở vị trí rất sâu bên trong não, phù tiểu não giãn não thất trên lều. Bệnh nhân đã được bóc tách loại bỏ toàn bộ khối u.
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và giảm đau đầu, không có rối loạn tri giác, vận động tứ chi tốt. Theo các bác sĩ, với những trường hợp khối u nguyên bào mạch máu tiểu não nếu không được can thiệp điều trị kịp thời sẽ xuất huyết và tử vong nhanh chóng.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo không nên chủ quan đối với những cơn đau đầu bởi đây là nguyên nhân của một số bệnh nguy hiểm, trong đó có não bộ. Khi đau đầu kéo dài, bất thường cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.