Từ lớp 1 đến lớp 6, N.T.H (SN 2007, quê ở Ninh Bình) luôn đạt thành tích học tập cao nhất lớp, là niềm tự hào của gia đình, em cũng tự đặt cho mình rất nhiều mục tiêu cần đạt được.
Từ khi bước sang lớp 7, nữ sinh hay có biểu hiện buồn chán, ít nói, ở một mình trong phòng. Khi kết quả học tập không đạt được như kỳ vọng, H này dùng dao dọc giấy rạch tay. Sau mỗi lần tự huỷ hoại bản thân, H hay mặc áo dài để che các vết sẹo, cũng vì thế, suốt nhiều năm gia đình không hay biết về hành vi của em. Gần đây, mẹ của H phát hiện các vết trên tay con và đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Theo ThS.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, nữ sinh đến viện trong tình trạng stress, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh. H nói khi rạch tay cảm thấy dễ chịu và đó là cách duy nhất để thoát khỏi áp lực học tập.
Kết quả thăm khám cho thấy nữ sinh mắc chứng rối loạn nhân cách, trầm cảm do áp lực học tập. Sau thời gian điều trị, tâm lý của em dần ổn định và kiểm soát được hành vi tự hủy hoại bản thân.
Gần đây, đơn vị tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ vị thành niên có hành vi tự huỷ hoại bản thân, giấu gia đình suốt nhiều năm, khi đến khám thì bệnh đã trầm trọng.
Trường hợp trên nằm trong hàng trăm nghìn thanh thiếu niên đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Tỷ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, con số này 5% đến 8%. Trên toàn cầu, rủi ro sức khỏe ở tuổi vị thành niên đang trải qua những thay đổi lớn. Ba thập kỷ trước, mối đe dọa lớn nhất với các em là rượu, thuốc lá, mang thai, các chất gây nghiện, ngày nay là lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác.
Hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến trầm cảm. Song, đó có thể là sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội. Các yếu tố sinh học được kể đến như gene, di truyền, chất dẫn truyền thần kinh, hệ nội tiết, cấu trúc và chức năng não bộ, rối loạn nhịp sinh hoạt hàng ngày. Các yếu tố tâm lý liên quan đến những kỹ năng ứng phó căng thẳng, suy nghĩ, niềm tin cốt lõi về bản thân và môi trường, những trải nghiệm bất lợi trong quá khứ như bị lạm dụng, mất người thân, bố mẹ ly hôn. Yếu tố xã hội bao gồm các sự kiện gây stress và sang chấn, môi trường, điều kiện sống.
Một yếu tố được các chuyên gia tâm thần hướng đến đó là do quan niệm "con ngoan, trò giỏi" từ phụ huynh, nhà trường đã vô tình tạo áp lực lớn cho con trẻ. Ngoài ra, việc trẻ tiếp xúc, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội quá nhiều dần thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ và tập thể dục, gặp bạn bè.
Các nền tảng mạng xã hội tràn ngập nội dung cực đoan, có hại, gồm cả những nội dung nguy hiểm nhưng được "bình thường hóa", như hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống, tự sát. Ở tuổi vị thanh niên, não bộ đang phát triển, cá tính và ý thức giá trị bản thân đang hình thành, các em dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực xã hội, ý kiến và sự so sánh với những người đồng trang lứa.
Trầm cảm, rối loạn lo âu ở trẻ vị thành niên không chỉ gây hậu quả cấp tính mà còn làm giảm nhận thức và mức độ tự tin của trẻ, lâu dài có thể để lại hậu quả khi trưởng thành.
Nhiều trường hợp không tâm sự khiến bố mẹ không nhận ra hoặc không thừa nhận con cái đang có vấn đề. Do đó, bệnh nhân đến viện muộn, chậm trễ, việc điều trị mất nhiều thời gian, thậm chí nguy cơ trẻ có hành vi tự hại, tự sát, loạn thần.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe và đánh giá cao những gì con cái bày tỏ. Khi lo lắng về trầm cảm ở trẻ, việc đầu tiên là đưa trẻ đi khám bác sĩ. Tùy vào tình trạng, trẻ có thể được hướng dẫn tham gia liệu pháp tâm lý, khuyến khích bày tỏ suy nghĩ qua nói chuyện, chơi đùa, hoặc liệu pháp hành vi nhận thức để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Thuốc cũng có thể được xem xét nếu cần.