Năm 2019, tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã diễn ra một diễn đàn khoa học đẳng cấp thế giới, nơi quy tụ một dàn "siêu sao" trong lĩnh vực khoa học - những nhà khoa học xuất sắc từng giành các giải thưởng quốc tế danh giá.
Thế nhưng, giữa buổi hội tụ của những bộ óc vĩ đại này, bức ảnh chụp một cô bé nhỏ nhắn lại trở thành tâm điểm chú ý. Theo đó, cô bé này buộc tóc đuôi ngựa đơn giản, gương mặt non nớt ánh lên nụ cười ngây thơ. Thậm chí, nét mặt của cô bé thoáng nét... buồn ngủ. Nữ sinh lúc này trông như một "vị khách không mời" bất ngờ xuất hiện giữa hội nghị khoa học đầy những cá nhân học thuật tầm cỡ và những bộ vest nghiêm túc chỉn chu.
Nét mặt thoáng buồn ngủ của nữ sinh nhận sự quan tâm của dân tình.
Được biết, cô bé này tên là Đàm Phương Lâm, năm đó mới 15 tuổi. Không phải ngẫu nhiên mà Đàm Phương Lâm xuất hiện ở đây. Điều đặc biệt là cô bé tham gia vào sự kiện nhờ năng lực phi thường của bản thân. Nữ sinh đã hai lần góp mặt tại các hội nghị khoa học hàng đầu thế giới, thậm chí còn được ca ngợi là "nhà khoa học trẻ nhất".
Vậy điều gì đã giúp Đàm Phương Lâm có được danh hiệu này? Đằng sau cô bé thiên tài ấy là những câu chuyện ít ai biết đến?
Vào cuối tháng 10 năm 2019, tại Thượng Hải đã diễn ra một sự kiện khoa học hoành tráng - một diễn đàn quy tụ những bậc thầy hàng đầu trong giới khoa học trên toàn cầu.
Sự kiện này đã mời hơn 100 tinh hoa của thế giới khoa học, trong đó có 44 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel, cùng nhiều chủ nhân của các giải thưởng danh giá khác như giải Wolf, giải Fields, biến hội nghị thành một sân khấu rực rỡ với những bộ óc vĩ đại nhất.
Giữa không khí trang trọng của sự kiện, nữ sinh trung học 15 tuổi Đàm Phương Lâm trông có phần "lạc lõng" so với các nhà khoa học danh tiếng xung quanh. Thế nhưng, những ai thực sự hiểu về Đàm Phương Lâm đều biết rằng cô bé chính là một "thiếu nữ thiên tài" - người sở hữu tài năng và lòng dũng cảm đáng kinh ngạc, đủ để tỏa sáng trong giới khoa học đầy cạnh tranh.
Khi còn học lớp 9, Đàm Phương Lâm đã tạo nên kỳ tích tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Thanh thiếu niên Thượng Hải lần thứ 33 nhờ nghiên cứu về một bài toán hóc búa đã làm khó nhiều nhà khoa học - "Ước lượng dãy Fibonacci và số Bézout".
Đàm Phương Lâm lọt thỏm giữa những nhà khoa học tầm cỡ.
Thông tin chấn động này nhanh chóng lan rộng, gây tiếng vang lớn trong giới giáo dục và nghiên cứu khoa học. Thậm chí, nhiều hiệu trưởng đại học và viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đích thân bày tỏ mong muốn được trao đổi học thuật với nữ sinh.
Sau khi đạt được thành tựu ấn tượng này, Đàm Phương Lâm không hề dừng lại mà càng nỗ lực hơn nữa. Trong những nghiên cứu tiếp theo, cô lần đầu tiên khám phá mối liên hệ giữa dãy Fibonacci và số Bézout, mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới.
Chỉ sau nửa năm, Đàm Phương Lâm lại tiếp tục tạo đột phá khi giải quyết thành công bài toán ước lượng cận trên và cận dưới tối ưu của số Bézout, đóng góp quan trọng cho lĩnh vực toán ứng dụng. Có thể nói, trên con đường nghiên cứu khoa học, nữ sinh trung học này như một chiến mã không ngừng tiến về phía trước.
Đáng chú ý, bài toán mà Đàm Phương Lâm giải quyết được thực sự hiếm có trên thế giới. Theo tìm hiểu, trước đó, một nhà toán học nổi tiếng của Canada đã dành 5 năm trời miệt mài nghiên cứu bài toán này nhưng vẫn chưa thể tìm ra lời giải hoàn chỉnh.
Cũng chính nhờ thành tựu này, Đàm Phương Lâm đã được mời tham dự Hội nghị các nhà khoa học đàng đầu thế giới lần thứ hai, tổ chức tại Thượng Hải. Đây là sự kiện quy tụ vô số nhà khoa học đẳng cấp thế giới, cùng nhau thảo luận về những vấn đề khoa học tiên tiến nhất.
Tại hội nghị danh giá này, Đàm Phương Lâm đã thể hiện trọn vẹn kiến thức sâu sắc và góc nhìn độc đáo của mình về toán học, khiến nhiều chuyên gia phải kinh ngạc. Nghiên cứu của Đàm Phương Lâm đã thu hút sự quan tâm sâu sắc từ các nhà khoa học tham dự. Là học sinh trung học duy nhất có mặt tại hội nghị danh giá này, cô bé đã chứng tỏ tài năng toán học phi thường và khả năng giải quyết vấn đề vượt trội.
Phương pháp giải toán của Đàm Phương Lâm ngắn gọn nhưng vô cùng hiệu quả, thể hiện sự chín chắn và tư duy sâu sắc vượt xa độ tuổi, khiến nhiều nhà khoa học có mặt tại sự kiện phải kinh ngạc. Ngay khi phần thảo luận của hội nghị bắt đầu, Giáo sư Gero Miesenböck - cha đẻ của quang di truyền học - đã đặt câu hỏi đầu tiên dành cho Đàm Phương Lâm.
Giáo sư Gero Miesenböck đã để ý đến nữ sinh 15 tuổi này từ lâu. Giờ đây, khi hai người gặp mặt, ông cũng trực tiếp trò chuyện với Đàm Phương Lâm. Cuộc trao đổi lần này là một trải nghiệm quý giá đối với Đàm Phương Lâm. Trong cuộc trò chuyện với Gero Mesenburg, cô bé không chỉ thể hiện nền tảng toán học vững chắc của mình mà còn bộc lộ rõ khả năng tư duy nhạy bén.
Mặc dù khi tham gia sự kiện trọng đại này, Đàm Phương Lâm phải đối mặt với những nhà khoa học hàng đầu, nhưng cô không hề nao núng mà bình tĩnh ứng phó, thể hiện sự trưởng thành và điềm tĩnh đáng kinh ngạc. Trải nghiệm lần này chắc chắn mang lại cho Đàm Phương Lâm nhiều lợi ích. Nữ sinh học hỏi được rất nhiều từ các nhà khoa học, tạo nền tảng vững chắc hơn cho con đường khoa học của mình.
Là nhà khoa học trẻ nhất tại sự kiện, không có gì khó hiểu khi Đàm Phương Lâm trở thành tâm điểm của buổi hội thảo. Các phương tiện truyền thông từ khắp nơi cũng đổ về đưa tin, thậm chí Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng muốn thực hiện một buổi phỏng vấn độc quyền với cô bé.
Trước sự săn đón của truyền thông, Đàm Phương Lâm lại tỏ ra vô cùng bình thản. Nữ sinh từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn và chỉ nhẹ nhàng nói với phóng viên: "Đừng để mẹ em thấy nhé".
Đàm Phương Lâm từng không muốn tham gia.
Hóa ra, ban đầu mẹ của Đàm Phương Lâm không hề muốn con gái tham gia sự kiện khoa học này. Bởi trong suy nghĩ của bà, Đàm Phương Lâm vẫn còn quá trẻ và bà lo lắng rằng sau khi tham dự sự kiện này, con gái sẽ bị tung hô quá mức mà trở nên kiêu ngạo, rồi dần đánh mất chính mình. Lúc đầu trong lòng Đàm Phương Lâm cũng không muốn đi, vì cô bé đã dành quá nhiều thời gian cho nghiên cứu đề tài, khiến việc học có phần sa sút, nên cô bé muốn tranh thủ thời gian tập trung vào việc học của mình.
Sau khi bị từ chối, ban tổ chức sự kiện này không dễ dàng bỏ cuộc. Họ đã liên hệ với trường của Đàm Phương Lâm, hy vọng nhà trường có thể cho nữ sinh này nghỉ một ngày để tham gia sự kiện này. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Đàm Phương Lâm đã đồng ý tham dự hội nghị khoa học quan trọng này.
Trong suy nghĩ của Đàm Phương Lâm, cô bé luôn cho rằng mình chỉ đơn giản giải được một bài toán, điều đó không có nghĩa lý gì quá to tát. Đồng thời, cô bé cũng hiểu rõ rằng con đường nghiên cứu toán học còn rất dài, và trong quá trình này, bản thân cần phải nỗ lực rất nhiều. Những lời dạy bảo của cha mẹ từ nhỏ cũng giúp cô ý thức sâu sắc về việc phải giữ thái độ khiêm tốn, không để danh vọng làm mờ lý trí. Chính vì vậy, tại sự kiện này, Đàm Phương Lâm đã từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn, thực chất cũng là để bày tỏ sự tôn trọng đối với cha mẹ.
Vậy chắc hẳn mọi người đều rất tò mò, một "thiên tài trẻ" như Đàm Phương Lâm đã có quá trình trưởng thành như thế nào?
Được biết, Đàm Phương Lâm sinh năm 2004 tại Thượng Hải, trong một gia đình có truyền thống học tập. Cha mẹ cô bé đều là giảng viên đại học nên họ rất thấu hiểu tầm quan trọng của giáo dục đối với tương lai của con cái.
Với tư cách là những người làm giáo dục, họ đã dành rất nhiều tâm huyết và công sức cho việc dạy dỗ con, hy vọng có thể xây dựng cho nữ sinh một nền tảng học tập vững chắc, giúp cô đạt được những thành tựu lớn hơn trên con đường tương lai.
Cách giáo dục con gái của cha mẹ Đàm Phương Lâm khác biệt rõ rệt so với nhiều bậc phụ huynh khác. Họ không ép con tham gia đủ loại lớp học thêm, vì họ hiểu rõ rằng điều đó chỉ khiến con chịu áp lực nặng nề. Thay vào đó, khi dạy dỗ con, họ tập trung vào việc nuôi dưỡng đam mê và khả năng tư duy độc lập, tạo điều kiện để con có thể tự do khám phá và học tập trong một môi trường thoải mái, không gò bó.
Họ tin rằng phương pháp giáo dục này sẽ giúp con cái trưởng thành một cách vui vẻ, tự tin hơn, đồng thời giúp con phát triển tư duy độc lập và khả năng sáng tạo thực sự. Trong môi trường gia đình như vậy, Đàm Phương Lâm đã nuôi dưỡng một niềm đam mê mãnh liệt đối với việc học. Khi hầu hết những đứa trẻ cùng trang lứa đều cho rằng học tập là điều đau khổ nhất trên đời, thì với cô bé, không có gì mang lại niềm vui lớn hơn việc học.
Chính niềm yêu thích và sự kiên trì với việc học đã giúp Đàm Phương Lâm thoải mái bơi lội trong biển tri thức, tận hưởng niềm vui vô tận. Đối với cô, học tập không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là một niềm vui, một hành trình khám phá những điều chưa biết.
Đối với Đàm Phương Lâm, toán học không chỉ là những công thức khô khan hay những hình vẽ rắc rối, mà là những câu đố đầy thú vị và thử thách. Cô thích suy ngẫm về logic và quy luật ẩn sau mỗi bài toán, tận hưởng cảm giác hạnh phúc sau khi tìm ra lời giải.
Bố mẹ của Đàm Phương Lâm tạo môi trường tốt nhất để nữ sinh phát triển.
Cha cô bé cũng không cho rằng con gái mình đang mơ tưởng viển vông. Ngược lại, ông tin rằng, khi con đã bộc lộ tài năng phi thường trong toán học, thì không nên bị ràng buộc bởi phương pháp giảng dạy truyền thống. Vì vậy, ông bắt đầu thay đổi phương pháp giáo dục của mình, đối xử với con gái như một người bạn, và cố gắng giúp con gái tiếp cận những kiến thức tiên tiến cùng các bài toán khó của thế giới.
Có thể nói, cha mẹ của Đàm Phương Lâm đã tạo cho cô bé một môi trường tự do khám phá và tự chủ trong học tập, khuyến khích cô bé dũng cảm tìm tòi những điều chưa biết, chinh phục đỉnh cao khoa học. Dưới sự giáo dục này, ngay từ khi còn nhỏ, Đàm Phương Lâm đã bộc lộ một lối tư duy mang đậm chất của một nhà khoa học.
Cô bé bắt đầu hình thành thói quen sử dụng logic và suy luận để giải quyết vấn đề, đồng thời có khả năng phát hiện những quy luật cốt lõi ẩn sau mỗi bài toán. Cách tư duy này không chỉ giúp nữ sinh đạt được thành tích xuất sắc trong lĩnh vực toán học mà còn rèn luyện cho cô một tính cách khiêm tốn và điềm đạm.
Theo Sohu