Hồi giữa tháng 4, giọng ca "7 rings" tiết lộ tác động của rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) đến bộ não của cô.
Nữ ca sĩ Ariana Grande luôn là một trong những người hoạt động tích cực nhất để giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần.
Tiết lộ này được đăng tải trên Instagram của Ariana với 2 bức ảnh chụp não đặt cạnh nhau. Bên trái là "bộ não khỏe mạnh" và bên phải là "bộ não chịu di chứng của PTSD". Bộ não PTSD có nhiều vùng sáng lên, trong khi bộ não khỏe mạnh lại có rất ít.
Bên dưới bức hình này, nữ ca sĩ 25 tuổi tiếp tục đăng hình ảnh chụp bộ não của chính mình - cả 4 ảnh đều có rất nhiều vùng sáng lên rõ rệt. Ariana ghi chú về loạt ảnh này: "Buồn cười và đáng sợ"; "Không phải là trò đùa".
Bên trái là "bộ não khỏe mạnh" và bên phải là "bộ não chịu di chứng của PTSD".
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Vogue ấn bản tại Anh vào tháng 6 năm 2018, Ariana cho biết, cô bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) sau vụ tấn công khủng bố vào tháng 5 năm 2017 trong buổi hòa nhạc ở sân vận động Manchester (Anh).
Theo ABC News, vụ tấn công xảy ra khi một kẻ tấn công tự sát kích hoạt một thiết bị nổ, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương.
Trở lại với cuộc phỏng vấn trên tạp chí Vogue, Ariana tâm sự, cảm giác chóng mặt, nỗi lo lắng mà cô cảm nhận sau vụ đánh bom ở Manchester là những dấu hiệu điển hình của rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Ariana bộc bạch: "Thật khó để nói về chuyện đó bởi quá nhiều người đã phải chịu đựng nỗi mất mát lớn lao, khủng khiếp. Nhưng PTSD có thật. Tôi biết những gia đình ấy và những người hâm mộ của tôi, cả những người ngoài kia từng nếm trải rối loạn này ở mức độ không hề nhỏ. Bản thân tôi không nghĩ tôi sẽ biết cách trò chuyện về PTSD mà không khóc".
Hình ảnh chụp bộ não của Ariana.
Những bản quét não này, được thực hiện trong thực hành của Tiến sĩ Daniel Amen, cho thấy sự khác biệt giữa PTSD, một bộ não khỏe mạnh và chấn thương sọ não (TBI). Trong PTSD, bốn khu vực trở nên hoạt động quá mức, điều này thúc đẩy những suy nghĩ tiêu cực lặp lại.
Theo Viện Sức khỏe Tinh thần Quốc gia Mỹ (NIMH), PTSD là rối loạn xảy ra ở một số người từng trải nghiệm cú sốc, sự kiện nguy hiểm, đáng sợ.
Các triệu chứng của PTSD - như hồi tưởng nhanh về quá khứ, né tránh một số tình huống nhất định, luôn trong cảm giác căng thẳng hay bên bờ vực và nhiều triệu chứng khác - thường diễn ra trong vòng 3 tháng kể từ một sự kiện gây chấn động mạnh.
PTSD cũng khá phổ biến. Trong số 100 người, cứ 7-8 người lại bị PTSD vào một thời điểm nào đó trong đời. Có nhiều khả năng phụ nữ bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương hơn so với nam giới. Nhưng di truyền cũng đóng một vai trò nhất định trong các yếu tố nguy cơ bị PTSD.
Theo NIMH, những biện pháp điều trị thường gặp nhất đối với bệnh nhân PTSD là sử dụng thuốc chống trầm cảm đi kèm với liệu pháp tâm lý.
Đối với tác động của PTSD lên bộ não, như trường hợp ảnh chụp não bộ của Ariana, không rõ loại hình chụp não mà nữ ca sĩ đã thực hiện là gì, nhưng theo một nghiên cứu năm 2010 trên tờ Journal of Newral Engineering, dạng ảnh chụp não có tên từ não đồ (MEG) có thể giúp xác định các khác biệt trong bộ não của những người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng từ não đồ (MEG) với 248 cảm ứng để ghi lại các tương tác trong bộ não trong khoảng 1 phần nghìn giây (nhanh hơn nhiều so với chụp cộng hưởng từ thông thường). Ngoài việc chẩn đoán người mắc chứng PTSD, nhóm các nhà nghiên cứu còn có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của rối loạn này ở bệnh nhân.
Theo WHM