Ngày 21/7, thông tin từ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, tại đây vừa điều trị thành công một ca sỏi đường mật bằng phương pháp phẫu thuật cắt gan thùy trái. Bệnh nhân là chị T.T.K. (42 tuổi, ngụ tại thành phố Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, nôn ói và sốt lạnh run kéo dài 2 ngày.
Qua thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do sỏi nhánh gan trái. Tiền sử cho thấy trong 2 năm qua, bệnh nhân đã nhiều lần có triệu chứng tương tự và đã điều trị tại nhiều cơ sở y tế khác nhau nhưng bệnh vẫn tái phát.
Các bác sĩ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức thực hiện phẫu thuật cho người bệnh
BS Hồ Nam Anh, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết: "Bệnh nhân bị sỏi khu trú ở một thùy gan và gây nhiễm trùng tái phát. Sau hội chẩn chúng tôi xác định phẫu thuật cắt gan là phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh vì có thể loại bỏ triệt để ổ sỏi, giảm nguy cơ tái phát và giải quyết được các tổn thương kèm theo".
Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường mật cho người bệnh. Khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát ê kíp phẫu thuật đã tiến hành ca mổ cắt thùy gan bên trái. Sau 2 giờ khẩn trương, cuộc mổ được thực hiện thành công, thùy gan trái chứa đầy sỏi được cắt khỏi cơ thể người bệnh. Các bác sĩ đã tiến hành bơm rửa loại bỏ triệt để sỏi trong đường mật cho người bệnh. Sau 2 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đang dần bình phục.
Từ trường hợp trên, BS Nam Anh khuyến cáo cộng đồng cần đặc biệt chú ý những triệu chứng điển hình như cơn đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, thường kèm theo cảm giác đau lan ra sau lưng hoặc vai phải. Bệnh cũng có thể biểu hiện qua các triệu chứng như sốt cao, ớn lạnh hoặc rét run, kèm theo hiện tượng vàng da, vàng mắt và nước tiểu có màu sẫm. Đáng lưu ý, người bệnh thường gặp tình trạng buồn nôn và nôn ói, sau khi ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ.
Thùy gan của người bệnh chứa đầy sỏi mật được các bác sĩ cắt thành công
"Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng kéo dài trên 2 giờ không giảm, sốt cao từ 38.5°C trở lên kèm lạnh run, hoặc nôn ói nhiều không thể ăn uống được. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp tránh được các biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm trùng, viêm mủ đường mật hay áp xe gan" - BS Hồ Nam Anh nhấn mạnh.
Các bác sĩ cho biết, sỏi mật hình thành khi có sự mất cân bằng trong thành phần dịch mật, thường gặp nhất là do lượng cholesterol tăng cao nhưng không được hòa tan hết, dẫn đến kết tinh tạo sỏi. Ngoài ra, tình trạng ứ đọng mật do túi mật co bóp kém hoặc nhiễm trùng đường mật kéo dài cũng làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Một số yếu tố nguy cơ đi kèm gồm: ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, béo phì, giảm cân nhanh, ít vận động, phụ nữ dùng thuốc ngừa thai lâu dài hoặc người có tiền sử viêm gan, nhiễm ký sinh trùng đường mật. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc sỏi mật chiếm khoảng 10% dân số, trong đó sỏi sắc tố do nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng khá phổ biến bên cạnh sỏi cholesterol.