Nỗi đau thầm lặng của đại dương: Khoa học xác định hàng triệu cá mập có lưỡi câu mắc sâu trong da thịt, tác động của loài người đã lớn quá rồi

J.D, Theo Helino 14:26 20/01/2020

Những lưỡi câu ấy có thể tồn tại hàng năm trời, gây ra tổn hại lớn cho sức khỏe cá mập, thậm chí khiến chúng tử vong.

Tác động của loài người đến thiên nhiên là rất lớn - điều này thực sự không thể chối bỏ. Từ rác nhựa cho đến khí nhà kính, con người đã khiến nhiều loài vật phải khổ sở, chết dần chết mòn và thậm chí một số đã chính thức rơi vào cảnh tuyệt chủng.

Mới đây, chúng ta lại có một câu chuyện cho thấy tác động của con người đến tự nhiên lớn đến mức nào, với nạn nhân là cá mập. Theo như nghiên cứu của Viện hải dương từ ĐH Hawaii Mānoa, hiện tại đang có hàng triệu con cá mập trên khắp thế giới mang trong mình những lưỡi câu sắc nhọn từ các tấm lưới đánh cá càn quét khắp đáy biển.

Nỗi đau thầm lặng của đại dương: Khoa học xác định hàng triệu cá mập có lưỡi câu mắc sâu trong da thịt, tác động của loài người đã lớn quá rồi - Ảnh 1.

Những con cá mập bị vướng lưỡi câu

Các chuyên gia cho biết, các lưỡi câu cắm sâu vào da quanh người và miệng cá mập, mà chúng chẳng có cách nào lấy ra. Chúng có thể mắc kẹt lại cả chục năm, gây ra những hệ quả nghiêm trọng đến sức khỏe của cá mập như xuất huyết nội, hoặc thậm chí là hoại tử.

Kết quả này được đưa ra từ quá trình theo dõi trong giai đoạn 2011- 2019 trên những con cá mập hổ ngoài khơi hòn đảo Tahiti. Theo đó, 38% cá mập tại vùng biển này có ít nhất một lưỡi câu trong người, cùng loại với các thiết bị đánh cá công nghiệp của dân địa phương.

"Đây là vấn đề chung của hàng triệu cá mập trên phạm vi toàn thế giới," - Carl Meyer, nhà nghiên cứu từ ĐH Hawaii cho biết.

Nỗi đau thầm lặng của đại dương: Khoa học xác định hàng triệu cá mập có lưỡi câu mắc sâu trong da thịt, tác động của loài người đã lớn quá rồi - Ảnh 2.

Những lưỡi câu móc trong miệng cá

"Cá mập mắc phải những lưỡi câu ở rất nhiều công cụ đánh bắt cá - từ những chiếc cần câu giải trí thông thường, đến những tấm lưới phục vụ cho thương mại."

Trong đó, đáng chú ý nhất là hình thức câu cá mang tên "longlining" - sử dụng 1 đoạn dây câu dài, trên đó gắn hàng rất nhiều lưỡi câu dọc theo dây với số lượng có thể lên tới hàng ngàn. Những đoạn dây ấy được thả ra ngoài đại dương, có thể nằm ở đó hàng giờ trước khi được kéo trở lại.

Phương pháp này thường được sử dụng để bắt những loài cá có giá trị cao, như cá ngừ, cá kiếm... Tuy nhiên, rất nhiều loài khác cũng vô tình mắc kẹt lại, trong đó có cá mập.

"Đa số các trường hợp, người ta không muốn bắt cá mập. Nhưng lũ cá ấy đơn giản bị thu hút bởi mồi gắn trên lưỡi câu, khiến bản thân chúng bị mắc kẹt."

"Vấn đề nằm ở chỗ khi mắc lại, cá mập đủ khỏe để phá đứt dây câu, khiến cả dây lẫn móc đều biến mất. Nếu phá thành công, cá mập sẽ tiếp tục sống với những chiếc móc gắn vào người - có thể là miệng hoặc bất kỳ đâu trên cơ thể."

Nỗi đau thầm lặng của đại dương: Khoa học xác định hàng triệu cá mập có lưỡi câu mắc sâu trong da thịt, tác động của loài người đã lớn quá rồi - Ảnh 3.

Theo Meyer, những chiếc móc câu gây ra nhiều tác hại hơn chúng ta tưởng. Cá mập có thể thấy khó chịu, bị chảy máu trong nếu lưỡi câu cắm quá sâu và da liền lại bên ngoài. Và nhiều trường hợp, lưỡi câu ấy tồn tại hàng năm trời trong cơ thể khiến chúng bị hoại tử, dẫn đến tử vong.

Để giải quyết câu chuyện này thì không đơn giản. Bạn sẽ không thể yêu cầu các ngư dân ngưng sử dụng hình thức "longlining", vì mưu sinh của nhiều gia đình phụ thuộc vào nó. Theo Meyer, giải pháp có thể là thay thế nguyên liệu của những chiếc móc câu - từ thép không gỉ thành thép giàu carbon, vì loại này dễ rơi ra hơn.

"Việc chuyển đổi sang loại thép giàu carbon không phải là giải pháp triệt để, nhưng sẽ giúp giảm thời gian lưỡi câu rời ra và qua đó giảm thiểu tác hại của chúng," - Meyer kết luận.

Tham khảo: Daily Mail