Dạy con là một hành trình dài và không kém phần khó khăn. Trở thành bố mẹ là lúc người lớn học được cách trưởng thành, tích luỹ thêm cho mình nhiều kinh nghiệm, kiến thức, các bài học trong cuộc sống. Bởi vậy mà nhiều người vẫn thường nói dạy con nhưng cũng chính là dạy bản thân mình.
Mỗi bố mẹ có những quan điểm, tư duy riêng và những đứa con đều có cá tính riêng. Bởi vậy, để biết thế nào là phù hợp và đúng đắn, mỗi bố mẹ cần phải theo dõi, đúc kết và tìm ra phương pháp phù hợp nhất với em bé nhà mình.
(Ảnh minh họa)
Dù vậy, chúng ta vẫn thường được nghe câu nói "Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ". Bố mẹ cứ làm gương, sống tử tế, sống yêu thương là đủ. Con cái sẽ học bố mẹ, nhìn bố mẹ mà phát triển theo hướng đó. Nếu bố mẹ tốt rồi mà con chưa thì có 2 giải pháp: 1 là cần soi lại mình, chính bố mẹ lần nữa xem đã tốt thật chưa? 2 là cần kiên trì, kiên nhẫn và yêu thương vô điều kiện với con.
Dưới đây là những thói quen của cha mẹ tưởng bình thường nhưng lại vô tình làm hư trẻ. Các phụ huynh nếu thấy mình trong đó thì nên sửa đổi để trở nên tốt hơn vì tương lai của các bé nhé.
- Nói dối có thể khiến trẻ lo âu: Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lo âu và nói dối khi cha mẹ nói dối con cái. Điều này xảy ra vì rất nhiều lý do. Cha mẹ có thể muốn con mình nghe lời mình hoặc nói dối là sẽ đi đâu đó. Ví dụ cha mẹ nói dối con là đi siêu thị, nhưng thực tế lại đưa con đến nha sĩ. Có thể cha mẹ nghĩ nói dối như vậy là vì tốt cho con, nhưng con có thể đã bị tổn thương. Khi trưởng thành, con sẽ có thể tư duy logic và hiểu vì sao cha mẹ nói dối, nhưng khi còn nhỏ thì nếu lần sau cha mẹ nói muốn đưa con đi siêu thị, con vẫn sẽ nhớ tới việc bị lừa dối.
- Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể bị ảnh hưởng: Sự gắn bó giữa cha mẹ với con cái thường sẽ bị giảm đi vì những lời nói dối. Mối quan hệ sẽ không còn tốt đẹp như trước sau những lời nói dối "vô hại". Trẻ nhỏ có xu hướng tin tưởng những điều người lớn nói mà không hề nghi ngờ, ngay cả khi lời nói dối đó rất vô lý, ví dụ như: "Nếu con xem TV nhiều thì mắt con sẽ thành hình vuông", con cũng sẽ tin vào điều đó. Tuy nhiên, khi trẻ nhận ra điều đó không đúng, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng và mất lòng tin với người lớn.
Ảnh minh họa
- Trẻ từng bị nói dối có khả năng nói dối nhiều hơn khi lớn: Rất nhiều việc cha mẹ làm sẽ định hình con cái khi trưởng thành, trong đó có nói dối. Những đứa trẻ từng bị cha mẹ nói dối có xu hướng nói dối cha mẹ, thậm chí là bạn bè cùng trang lứa hơn khi lớn. Ngay cả khi cha mẹ chỉ thiếu trung thực một chút thì điều đó vẫn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Thay vì nói dối, cha mẹ nên thử lý giải cho con. Hãy giải thích lý do tại sao hôm nay cha mẹ không thể chơi cùng con, là vì cha mẹ có việc bận, và ngày mai cha mẹ có thể chơi với con.
- Trẻ khó điều chỉnh khi trưởng thành: Nói dối thường là lối thoát dễ dàng. Đôi khi, chúng ta cảm thấy khó có thể giải thích sự thật nên chúng ta chọn một lời nói dối vô hại. Nhưng điều này không đơn giản như bạn tưởng. Trẻ em thường cảm nhận được tác động của những lời nói dối này khi chúng trưởng thành và có thể đối mặt với một số vấn đề tâm lý, xã hội. Khi phải điều chỉnh lại bản thân, trẻ thường cảm thấy xấu hổ, tội lỗi. Tính cách của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng. Trẻ lớn lên có thể thành những người ích kỷ, thích thao túng. Cha mẹ thừa nhận cảm xúc của trẻ, đưa ra các lựa chọn và cùng nhau giải quyết vấn đề sẽ giúp điều chỉnh hành vi tốt cho trẻ.
Để xây dựng văn hóa đọc cho trẻ, người lớn trong gia đình cần phải tạo thói quen đọc sách cho các em. Phụ huynh ham đọc sách sẽ khơi gợi cho con đam mê sách. Có tình yêu với sách ngay từ nhỏ thì tình yêu và niềm đam mê ấy sẽ lớn dần. Đó là cách duy nhất và hiệu quả để xây dựng văn hóa đọc cho trẻ. Riêng ở nhà trường, giáo viên là người định hướng, chọn sách cho học sinh bằng những danh mục sách bắt buộc các em phải đọc.
Nhiều bậc cha mẹ luôn miệng giáo huấn con là lười đọc sách, phải đọc sách này, sách kia trong khi chính họ chưa bao giờ cầm quyển sách đọc trước mặt con. Cha mẹ dù bận cách mấy cũng phải dành thời gian đọc sách. Văn hóa đọc hình thành nơi trẻ bắt đầu từ cha mẹ. Một đứa trẻ hàng ngày nhìn thấy mẹ cha say sưa đọc sách, lớn lên cùng sách có thể sớm phát triển nhân cách ngay từ giai đoạn đầu cuộc đời.
Ảnh minh họa
Trẻ coi cha mẹ như một tấm gương và bắt chước làm theo những hình ảnh chúng thấy hàng ngày. Vì vậy, thật dễ hiểu khi một bà mẹ luôn xem tủ sách như trái tim của ngôi nhà thì con cái họ thật khó để chối bỏ sự lôi cuốn của những cuốn sách. Trong nhà có mùi sách trẻ sẽ dễ bị mùi hương của sách hấp dẫn, tự nhiên chúng sẽ yêu thích việc đọc. Làm gương cho con trong việc đọc sách không chỉ giúp ích cho con, mà giúp ích cho cả bản thân phụ huynh.
Chỉ trích hoặc nói xấu người khác trước mặt trẻ là 1 hành vi thiếu tôn trọng và rất bất lịch sự. Việc đó khiến trẻ lúc nào cũng phải dè chừng, soi mói và phán xét người khác. Thay vào đó, ba mẹ hãy dạy bé cách biết chia sẻ, cảm nhận và hướng suy nghĩ của trẻ sang hướng tích cực bằng cách nói chuyện, lắng nghe những chia sẻ của trẻ nhiều hơn.
Dù là nói xấu ai trước mặt trẻ đi chăng nữa cũng đều không tốt bởi chính những lời nói xấu đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ, nhận thức của trẻ khiến chúng nhìn cuộc sống với ánh mắt và suy nghĩ tiêu cực. Từ đó, chúng sẽ có thái độ không đúng và ghét bỏ chính người mà bố mẹ đã nói xấu, thậm chí chúng sẽ học theo bố mẹ để nói xấu người này, người kia. Vì thế, bố mẹ hãy rút kinh nghiệm, cẩn thận về những đánh giá và phát ngôn của mình về người khác trước mặt con trẻ nhé.