Va chạm với Theia: Theo một giả thuyết về sự ra đời của Mặt trăng, cách đây khoảng 4,5 tỷ năm, Trái Đất của chúng ta khi đó mới chỉ 100 triệu năm tuổi đã va chạm với một vật thể giống như một hành tinh có kích cỡ bằng sao Hỏa tên là Theia. Các mảnh vỡ từ vụ va chạm này sau đó đã hình thành nên Mặt trăng của Trái Đất.
Sự kiện oxy hóa vĩ đại: Cách đây 2,5 - 2,3 tỷ năm, sự sống trên Trái Đất chủ yếu chỉ giới hạn ở các đại dương. Vào thời điểm đó, sự phát triển mạnh mẽ của một loại vi khuẩn giống như tảo tên là vi khuẩn lam đã xuất hiện, loài sinh vật đầu tiên quang hợp. Oxy là sản phẩm thừa của quá trình này, được chúng thải ra ngoài khí quyển. Chính cơ chế này đã giúp làm giảm mức độ khí methane trong không khí và khiến nhiệt độ Trái Đất giảm đi đáng kể.
Hố thiên thạch Vredefort: Cách đây xấp xỉ 2 tỷ năm, một sao băng có đường kính từ 5 - 10 km đã va vào Trái Đất với vận tốc khoảng 20km/s. Sau vụ va chạm này, một hố có đường kính rộng 190km đã được hình thành. Sự kiện này đã góp phần tạo nên những thay đổi quan trọng về thành phần của bầu khí quyển Trái Đất.
Hố Sudbury Basin : Hố khổng lồ Sudbury Basin ở Ontario, Canada là một trong 3 hố tạo thành từ các cuộc va chạm lớn nhất Trái Đất với đường kính từ 30 - 60 km. Không giống như một số hố thiên thạch lớn khác, các nhà khoa học cho rằng vùng trũng này được hình thành bởi một sao chổi thay vì một thiên thạch. Vụ va chạm cách đây 1,8 tỷ năm này mạnh tới nỗi đã tạo thành một hố ở lớp vỏ Trái Đất phủ đầy nham thạch.
Sự kiện tuyệt chủng Ordovic: Kỷ Ordovic chấm dứt cách đây 440 triệu năm, trùng với thời điểm khởi đầu của kỷ băng hà. Ước tính 85% các loài động vật trên Trái Đất đã chết trong sự kiện này, đánh dấu một cuộc đại tuyệt chủng còn lớn hơn cả cuộc tuyệt chủng K-T xóa sổ loài khủng long.
Đại tuyệt chủng Permi: Cách đây 252 triệu năm, khoảng 90% sự sống trên Trái Đất đã bị xóa sổ. Sự kiện này là cuộc tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất với nguyên nhân được cho là hoạt động phun trào núi lửa ở khu vực mà ngày nay là Siberia. Vụ phun trào đã giải phóng gần 3 triệu km3 tro bụi vào không khí, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên, đồng thời làm thay đổi bầu khí quyển, gây ra những trận mưa axit khiến tuyệt chủng nhiều loài vật trên Trái Đất.
Phun trào núi lửa dưới đại dương dẫn đến cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Trias: Khoảng 200 triệu năm trước, siêu lục địa Pangaea đã tách ra. Vào thời kỳ khi Đại Tây Dương mới hình thành, một loạt các núi lửa dưới biển đã giải phóng ra hàng tấn khí và nham thạch khiến lượng carbon và lưu huỳnh tăng cao, gây nên một cuộc đại tuyệt chủng toàn cầu với việc xóa sổ 76% các loài vật trên đất liền và dưới biển.
Vụ va chạm Chicxulub: Trong vụ va chạm thiên thạch lớn nhất lịch sử Trái Đất, một thiên thạch có đường kính 300 km đã va vào hành tinh của chúng ta và khiến khủng long tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm. Hố thiên thạch sau vụ va chạm này được hình thành trên Bán đảo Yucatan, Mexico. Ngoài động đất, sóng thần và lở đất, vài tháng sau sự kiện trên, các vụ cháy rừng trên diện rộng và mưa axit vẫn diễn ra, tình trạng ấm lên do hiệu ứng nhà kính kéo dài hàng thập kỷ.
Các vụ phun trào Yellowstone: Vườn quốc gia Yellowstone mà ngày nay là một điểm đến thu hút du khách từng là nơi diễn ra 3 vụ phun trào dữ dội cách đây 2,1 triệu năm, 1,2 triệu năm và 640.000 năm. Mặc dù vụ phun trào đầu tiên là diễn ra mạnh nhất nhưng vụ phun trào gần đây nhất cũng vô cùng dữ dội khi tạo ra 1.000 km3 tro bụi và nham thạch.
Vụ phun trào núi Thera: Núi Thera từng phun trào cách đây 3.600 năm với mức độ tương đương với hàng trăm quả bom nguyên tử và là một trong những vụ phun trào lớn nhất mà con người chứng kiến.
Vụ phun trào Tambora: Năm 1815, vụ phun trào núi lửa Tambora trên đảo Sumbawa ở Indonesia là một trong những vụ phun trào dữ dội nhất trong lịch sử nhân loại. Sự kiện này đã khiến 70.000 người thiệt mạng và mạnh tới nỗi âm thanh của nó có thể được nghe thấy ở khoảng cách hơn 1.900 km. Vụ phun trào núi Tambora cũng khiến không khí phủ đầy tro bụi và nhiều người gọi năm đó là "năm không có mùa hè". /.
Theo MSN