Trong khi hàng triệu người vội vã lên tàu cao tốc trở về nhà đoàn tụ dịp Tết, ông Zhong Nanshan - một chuyên gia về bệnh hô hấp - đã bắt tàu từ hôm thứ bảy (18/1) để tiến vào Vũ Hán, nơi bùng phát virus corona.
Ông Zhong, 84 tuổi, dẫn đầu một nhóm chuyên gia từ Ban Sức khỏe Quốc gia để thực hiện các nghiên cứu về bệnh dịch ngay tại tâm điểm bùng phát. Theo China Daily, chính Zhong là người đầu tiên xác nhận trên truyền hình về việc virus corona mới có thể lan truyền từ người sang người.
Chuyên gia virus Zhong Nanshan thảo luận về tình hình ở bệnh viện Jinyintan, Vũ Hán hôm 19/1 (Ảnh: China Daily)
Trước đó, năm 2003, ông Zhong đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện bệnh SARS và ngăn chặn dịch lan rộng.
Được biết năm đó ông Zhong 67 tuổi, phụ trách dẫn đầu một nhóm chuyên gia để đương đầu với bệnh dịch ở quê nhà Quảng Đông. Đến tháng 2/2003, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc đã kết luận mầm bệnh gây SARS là đến từ một biến thể của vi khuẩn chlamydia. Tuy nhiên Zhong và một số cộng sự đã tỉnh táo chất vấn khẳng định trên. Ngày 12/4/2003, Zhong lại tách thành công virus corona từ mẫu xét nghiệm của bệnh nhân. Vào 4 ngày sau, WHO chính thức thông báo chủng virus đó là tác nhân gây bệnh SARS.
Bác sĩ Zhong Nanshan trong ảnh chụp trước đây (Ảnh: China Daily)
Nhờ sự phát hiện kịp thời virus gây bệnh và công tác phòng chống hiệu quả sau đó, Zhong Nanshan trở nên nổi tiếng trong giới y học Trung Hoa và được mến mộ gọi là "anh hùng chống SARS". Hiện giờ dù đã 84 tuổi, ông vẫn dấn bước vào cuộc chiến ngăn chặn virus corona mới ở Vũ Hán.
Một số hình ảnh ghi lại ông Zhong chợp mắt trên tàu, sau đó đến làm việc tại bệnh viện Jinyintan (Vũ Hán) khiến người dùng mạng hết lời khen ngợi, ngưỡng mộ. (Ảnh: China Daily)
Khi virus Vũ Hán bùng phát, rất nhiều báo đài đã có mặt đưa tin. Trong đó có nhà báo kỳ cựu Gao Yu - phó tổng biên tập trang tin Caixin (Trung Quốc). Đến hôm 23/1 khi chính quyền đi tới quyết định đóng cửa thành phố, nhiều phóng viên buộc phải rời đi nhưng không phải tất cả. Dươi đây là tâm sự của Gao Yu, giải thích lí do ông và một vài cộng sự quyết định bám trụ ở Vũ Hán "khi những đoàn tàu cuối cùng đã rời xa".
Đến ngày 25/1, Vũ Hán và 13 thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc đã đóng cửa (Ảnh: The Guardian)
"Sau khi tiễn các đồng nghiệp rời khỏi Vũ Hán vào rạng sáng thứ năm, tôi biết mình sẽ đối mặt với lệnh đóng cửa thành phố kéo dài, có thể là đến 2 tháng.
Một nhóm phóng viên của Caixin, bao gồm tôi, đã đến Vũ Hán 2 ngày trước - nơi đang chứng kiến chủng virus mới hoành hành có thể gây chết người. Nhiều người trong chúng tôi quyết định bám trụ để tiếp tục ghi lại các diễn biến về bệnh dịch.
'Cái im lặng và vô hình của virus thật vô cùng đáng sợ' - đồng nghiệp Xiao Huy nói với tôi. 'Nhưng bổn phận và nhiệm vụ của một phóng viên đã bảo tôi ở lại'.
Trong suốt 2 ngày qua, tôi đã chứng kiến các bác sĩ bị đẩy tới ngưỡng cảm xúc và nhiều bệnh nhân càng hoài nghi hơn. Ở tỉnh Hồ Bắc, xung quanh Vũ Hán, hàng tá ca nhiễm bệnh mới đang được báo cáo mỗi ngày.
Các bác sĩ khẩn trương điều trị ở bệnh viện Trung tâm Vũ Hán (Ảnh: Reuters)
Là tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại loại virus corona mới, thành phố này cần phải được cách ly trên diện rộng để kiềm chế dịch bệnh. Virus mới đang lây lan với tốc độ kinh khủng. Chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề nên làm rõ và cần sự có mặt của các nhà báo.
Quá trình chuyển biến của virus Vũ Hán nhắc mọi người về tai họa SARS năm 2003, cướp đi sinh mạng của gần 800 người và kéo dài hàng tháng trời hoảng loạn. Tương tự là dịch cúm lợn châu Phi vào năm ngoái, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Lần này, giữa khủng hoảng, hàng triệu người dân Vũ Hán vẫn chiến đấu quyết liệt với dịch bệnh, nhưng nhiều người trong số họ sẽ phải trả cái giá đắt nhất. Tôi hi vọng cuộc chiến này và những gì chúng ta học được từ đó sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, để không ai phải chết vô ích.
Là một nhà báo, hi vọng chúng tôi có thể phản ánh chân thực những gì xảy ra, bất chấp hoàn cảnh có thuận lợi hay không. Những gì chúng tôi đang làm là ghi chép lại sự thật để phục vụ cho tương lai".
Sáng ngày 25/1 tức mùng 1 Tết, BBC dẫn nguồn giới chức Trung Quốc xác nhận đã có 1.287 ca nhiễm virus 2019-nCoV ở nước này, trong đó 41 người tử vong. Tại nhiều nơi khác cũng tăng lên số ca mắc bệnh, bao gồm 5 ở Hong Kong, 5 ở Thái Lan, 3 ở Đài Loan, 3 ở Singapore và 2 ca ở mỗi nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hoa Kỳ. Ngoài ra bệnh đã tiếp tục lan sang các nước khác là Nepal (1 trường hợp), Pháp (3) và Úc (1).
(Theo China Daily, Caixin)