Theo WHO, mỗi năm có khoảng 4,1 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan ăn thừa muối. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rằng ăn thừa muối gây ra hàng loạt tác hại cho cơ thể. Điển hình nhất, ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Đây cũng là thói quen xấu gây ra các bệnh thận như suy thận, viêm cầu thận…
Nhiều nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chế độ ăn thừa muối trong thời gian dài có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đột quỵ và tử vong do mọi nguyên nhân, đồng thời sẽ rút ngắn tuổi thọ của con người.
Trên thực tế, ít ai quan tâm đến việc đong đếm, kiểm soát lượng muối ăn vào mối ngày (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, ăn quá nhiều muối cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của nội mô mạch máu, từ đó ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch bình thường của cơ thể và có thể dễ dàng gây viêm các tế bào của hệ thống miễn dịch. Ăn thừa muối cũng làm mất canxi, đẩy nhanh quá trình lão hóa xương cùng nhiều tác động tiêu cực khác.
Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 2g natri hay tương đương với khoảng 5g muối trên ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là 1,5 g natri mỗi ngày, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, các báo cáo của WHO cũng chỉ ra trên thực tế thì đa số mọi người thường dùng lượng muối vượt quá mức này, thậm chí gấp đôi.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này. Ví dụ như việc chưa nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng của ăn thừa muối, không biết ăn bao nhiêu là vừa đủ, ít ai có thói quen đo lường lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày và không nắm rõ các dấu hiệu ăn thừa muối để điều chỉnh.
Sau đây là 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn thừa muối, có thể rất nhiều người đang gặp phải nhưng lại bỏ qua:
Hay khô miệng, khát nước:
Ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng vị đắng trong miệng, đồng thời dẫn đến mất cân bằng nước trong cơ thể, thận không bài tiết được chất độc. Từ đó theo bản năng, cơ thể sẽ phát tín hiệu khô miệng và khát nước liên tục.
Khô miệng, khát nước bất thường là biểu hiện phổ biến nhất khi ăn thừa muối (Ảnh minh họa)
Đồng thời, natri dư thừa cũng sẽ khiến cơ thể phải bổ sung nhiều nước hơn để đào thải muối ra ngoài. Đây chính là lý do tại sao mỗi khi bạn ăn món mặn thường cảm thấy nhanh khát nước hơn bình thường.
Cơ thể bị sưng, phù nề:
Nếu buổi sáng thức dậy thấy đôi mắt sưng húp, bàn chân đột nhiên sưng to lên, hay gặp phải chứng chuột rút... thì rất có thể bạn đang dư thừa quá nhiều muối.
Do cơ thể sẽ tự động tích trữ nước khi lượng muối trong người tăng cao nên một số người sẽ gặp phải tình trạng cơ thể sưng phù, nặng nề khác thường. Nhưng về cơ bản, chứng phù nề do ăn quá nhiều muối thường sẽ thuyên giảm hoặc khỏi trong vòng 1 ngày. Chỉ cần chú ý cân bằng lại chế độ ăn hàng ngày, tránh tiêu thụ các loại thực phẩm mặn sẽ giúp đào thải bớt lượng muối dư thừa theo thời gian.
Bất thường khi đi tiểu:
Tích tụ natri trong cơ thể có thể dẫn đến những thay đổi bất thường trong quá trình bài tiết. Dễ nhận biết nhất là những thay đổi khi tiểu tiện.
Cụ thể, do thận phải hoạt động nhiều để đào thải muối ra khỏi cơ thể nên bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn. Màu nước tiểu cũng bắt đầu thay đổi vì dư thừa natri sẽ gây ra tình trạng mất nước, nếu không được cung cấp nước kịp thời có thể dẫn đến hiện tượng nước tiểu có màu vàng đậm.
Đau đầu dai dẳng:
Quá nhiều natri từ muối đi vào cơ thể sẽ làm gia tăng khối lượng máu, từ đó gây ra giãn nở tĩnh mạch và tăng cao nguy cơ mắc bệnh về huyết áp. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau đầu dữ dội, ảnh hưởng tới sinh hoạt trong ngày.
Một nghiên cứu liên quan cho thấy những người ăn nhiều natri hơn một ngày có nguy cơ bị đau đầu cao hơn một phần ba so với những người ăn ít natri hơn.
Những cơn đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân rất có thể là do cơ thể dư thừa muối (Ảnh minh họa)
Đau xương, phản ứng chậm lại:
Việc nạp quá nhiều muối trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng mất nước trong cơ thể, ảnh hưởng đến khả năng tư duy, biểu hiện là phản ứng chậm, giảm trí nhớ…
Bên cạnh đó, ăn thừa muối còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xương. Bởi vì khi đó, thận sẽ không thể đào thải được hết độc tố ra ngoài, dẫn đến tình trạng thiếu hụt canxi. Việc thiếu canxi trầm trọng sẽ khiến xương dần bị yếu đi, dễ bị đau, nhức mỏi cũng như thường xuyên bị đau răng. Về lâu dài nó còn gây ra bệnh loãng xương sớm.
Khi có các dấu hiệu trên, hãy cố gắng điều chỉnh ăn uống để giảm lượng muối tiêu thụ. Trong đó cần chú ý rằng muối được hấp thụ không chỉ qua muối tinh thành phẩm, bột canh mà còn từ nhiều nguồn khác như nước mắm, nước sốt, hạt nêm… các thực phẩm chế biến sẵn và cả trong thực phẩm tự nhiên.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Eat This, Kknews