Những "ngôi mộ người sống" đắt cắt cổ ở Trung Quốc: Người "không dám chết", kẻ "chốt đơn" ngay kẻo hết

Nguyên Dũng TT, Theo Trí Thức Trẻ 19:59 20/04/2021
Chia sẻ

Những ngôi mộ không giấy tờ được rao bán với mức giá "cắt cổ", lên đến 990 triệu đồng/100m2 nhưng vẫn được nhiều người khỏe mạnh ở Trung Quốc nhắm mua trước kẻo "hết chỗ". Giá đất ngày một tăng cao khiến nhiều người không đủ khả năng chi trả, thậm chí là "không dám chết".

Tại thành phố Lục Bàn Thủy, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc xuất hiện nhiều ngôi mộ được xây dựng đẹp đẽ và ngăn nắp trong rừng núi. Song những công trình này lại không hoàn toàn dành cho người đã khuất, mà còn được những người đang sống "đặt hàng" trước cho chính mình.

"Khi sống bán mạng dành tiền mua nhà, lúc chết đau đầu tích tiền mua mộ". Đây là thực trạng chung của người dân Trung Quốc hiện nay, khi vấn đề thiếu đất đang trở nên đáng báo động. Để đối phó với vấn đề ấy, nhiều chủ đầu tư đã cho xây dựng và rao bán mộ công khai, điển hình là những "nấm mồ người sống" tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã ra quyết định thay đổi phương thức địa táng (chôn dưới đất) thành hỏa táng (hỏa thiêu) nhằm giảm thiểu áp lực thiếu đất, nhưng trên thực tế người dân phần lớn vẫn muốn được "toàn thây" về nơi cực lạc hơn.

Những ngôi mộ người sống đắt cắt cổ ở Trung Quốc: Người không dám chết, kẻ chốt đơn ngay kẻo hết - Ảnh 1.

"Đồi mộ" được xây dựng xâm lấn trên núi tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc

Không cần giấy tờ xác minh

Trên 1 sườn đồi ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, chủ đầu tư đã chi 50-100 nghìn tệ (tương đương 176,8-353,7 triệu đồng) để xây dựng gần 200 ngôi mộ.

Phóng viên Đài phát thanh The Voice of China (kênh phát thanh hàng đầu của Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc) đã gặp và trao đổi trực tiếp với ông chủ Vương - người đang tu sửa khu mộ kể trên và được biết "không cần giấy tờ chứng minh, cũng không cần hộ khẩu trong thôn, đóng tiền và ký thỏa thuận là có thể sang tên đất."

"Chẳng hạn cậu mua ngôi mộ kia, làng thu phí nghĩa trang rồi cậu giữ lấy biên lai, vô cùng đơn giản. Hoặc giả muốn mua trước mộ cho người còn sống cũng không thành vấn đề." - Ông Vương nói với phóng viên.

Ngoài khu nghĩa trang mới xây trên, còn có thôn Bình Trại với hơn 3.000 ngôi mộ lớn nhỏ, hiện là nghĩa trang có quy mô rộng nhất tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Những ngôi mộ người sống đắt cắt cổ ở Trung Quốc: Người không dám chết, kẻ chốt đơn ngay kẻo hết - Ảnh 2.

Những ngôi mộ dành cho người "sắp ra đi" đang được "đào nông" để tiện xới lên khi cần

"Đất được sử dụng là đất ở của dân làng, còn tôi là người thầu dự án." - Ông chủ Thái, người điều hành nghĩa trang tại thôn Bình Trại cho biết.

"Tôi đã mua toàn bộ khu đất nên hiện giờ nó thuộc sở hữu của tôi, muốn mua mộ thì đặt chỗ, không cần tìm đến thôn xin chứng nhận." - Ông Thái còn nói thêm với phóng viên rằng sau khi ký hợp đồng và thanh toán tiền đặt cọc, ước tính sẽ hoàn thành trong vòng 2 tháng.

Ngoài ra thì các vấn đề như "chọn chỗ" và sửa sang tùy mức độ cũng có thể thương lượng. Giá cả khoảng 280 nghìn tệ (tương đương 990 triệu đồng) cho mỗi ngôi mộ rộng 100m2. Đồng thời, ông cũng khẳng định không có chuyện người bán "qua cầu rút ván" vì đã có giấy ủy quyền của làng.

Chính sách không cho phép xây lăng mộ

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh đổi mới "tang lễ văn minh". Từ những chính sách như Quy định về Quản lý lễ tang, Các biện pháp tạm thời Quản lý nghĩa trang, đến Ý kiến chỉ đạo của Bộ Dân sự về việc thúc đẩy cải cách và phát triển khoa học đối với tang lễ đều nhấn mạnh 1 điểm: "Thực hiện từng bước từ địa táng sang hỏa táng, nhằm tiết kiệm đất và bãi bỏ hủ tục ma chay."

Bên cạnh đó, chính sách còn cấm xây dựng lăng tẩm lớn, hay những ngôi mộ sang trọng; chuyển nhượng đất trái phép để xây dựng nghĩa trang; không cho phép mua bán mộ cho người sống. Ngoài ra, trong Quy định về Quản lý lễ tang cũng yêu cầu: "Cấm mua bán quan tài và các đồ mai táng khác tại những khu vực thực hiện hỏa táng." Tuy nhiên, khi phóng viên đến thăm thôn Bình Trại, tỉnh Quý Châu đã phát hiện không ít cửa hàng kinh doanh quan tài vẫn còn hoạt động.

Những ngôi mộ người sống đắt cắt cổ ở Trung Quốc: Người không dám chết, kẻ chốt đơn ngay kẻo hết - Ảnh 3.

Chủ nghĩa trang cho rằng chính quyền địa phương vẫn "nới lỏng" cho các nhà đầu tư, chính vì vậy những cửa hàng bán quan tài vẫn còn tồn tại

Vậy những nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh mộ ngay trong thôn có biết chính sách cải cách tang lễ không?

"Không cần làm giấy chứng nhận đâu, biết bao người trong thôn mua, chính sách dù thay đổi nhưng thôn làng đồng nhất ý kiến thì vẫn đâu vào đấy." - Ông chủ Vương nói.

Còn ông chủ Thái bày tỏ quan điểm: "Bây giờ tôi đã thầu cả 'núi mộ' rồi, chính sách không cho phép xây dựng mộ lớn, nhưng chính quyền cũng không kiểm tra gắt gao. Có dấu đỏ làm chứng thì ngôi mộ vẫn được công nhận."

Các vấn đề vẫn còn tồn tại

Theo khảo sát cho thấy thu nhập của người dân nông thôn tại tỉnh Quý Châu vào năm 2020 ở mức 11.565 tệ (tương đương 40,9 triệu đồng) và đa phần người cao tuổi ở đây không chấp nhận "tang lễ tiết kiệm" mà phải "làm thật đẹp".

Quy định về Quản lý lễ tang ở tỉnh Quý Châu mới được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 27/3/2021 nêu rõ rằng: "Hành vi xây dựng nghĩa trang trái phép có thể bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền bất hợp pháp thu được."

Những ngôi mộ người sống đắt cắt cổ ở Trung Quốc: Người không dám chết, kẻ chốt đơn ngay kẻo hết - Ảnh 4.

Các chủ thầu giao dịch giá từng ngôi mộ với người mua

1 nhân viên của cơ quan chính quyền cho biết: "Khu vực trung tâm thành phố vốn được yêu cầu hỏa táng hoàn toàn, nhưng trên thực tế số lượng quá lớn không thể quản lý hết."

Chuyên gia nghiên cứu về tang lễ Bào Nguyên cho biết, mặt cải cách tang lễ ở tỉnh Quý Châu thực sự còn nhiều vấn đề. Thứ nhất, quần chúng đã quá quen với địa táng; thứ hai là nhiều người vẫn muốn dùng quan tài để an táng sau khi hỏa táng; thứ ba, hiện tượng "đặt trước" mộ đang ngày càng trở nên phổ biến, trung bình mỗi ngôi mộ có giá 20-30 nghìn tệ (tương đương 70,7-106 triệu đồng), thậm chí trên 100 nghìn tệ (tương đương trên 353,7 triệu đồng).

Trên thực tế, việc các nhà đầu tư chen chúc chiếm dụng tài nguyên đất để xây dựng lăng mộ là không hợp pháp, đồng thời vô hình trung làm gia tăng thêm áp lực đất lên toàn bộ Trung Quốc.

Nguồn: QQ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày