Mùa hè nắng nóng vẫn chưa dứt và dịch bệnh thì vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Do đó, lựa chọn tốt nhất của chúng ta là ở yên trong nhà và làm bạn với điều hoà. Nhưng "người bạn" này có thể làm cháy túi chúng ta bất kỳ lúc nào, dưới đây là 5 lý do vì sao.
Theo tư duy của chúng ta, khi mới bật điều hòa thì nên cài nhiệt độ thật thấp, bật mức gió lớn để phòng được làm mát nhanh hơn, nhưng xin lỗi nhé, sai lè rồi.
Cài nhiệt độ khởi động quá thấp sẽ vừa gây tốn điện, vừa làm giảm tuổi thọ của điều hoà
Việc làm này không những khiến điều hòa của bạn phải "gồng mình" lên để đáp ứng mức nhiệt thấp mà còn khiến máy tiêu hao nhiều điện năng hơn đáng kể. Việc máy nén và quạt hoạt động với công suất tối đa trong thời gian dài còn ảnh hưởng rất nhiều đến độ bền của thiết bị.
Hãy điều chỉnh mức nhiệt phù hợp với nhu cầu, theo các chuyên gia y tế thì tối ưu nhất là khoảng trên dưới 26 độ C và bỏ chút thời gian chờ đợi, sẽ tiết kiệm được kha khá điện năng đấy!
Lý do này vô cùng dễ hiểu, ánh sáng Mặt Trời mang nhiệt lượng rất lớn. Do đó, nếu phòng của bạn "hứng" quá nhiều ánh nắng thì điều hòa sẽ mất thêm thời gian để làm lạnh. Chưa hết, việc ánh sáng Mặt Trời chiếu liên tục vào phòng sẽ khiến thiết bị làm mát phải liên tục hoạt động để kéo giảm nhiệt độ, tiêu thụ điện năng cũng từ đó mà tăng cao.
Ánh sáng Mặt Trời là một trong những kẻ thù lớn nhất của điều hòa nhiệt độ
Do đó, khi sử dụng điều hoà, chúng ta nên trang bị thêm rèm cửa, tối ưu nhất là những loại vải tối màu vì chúng có khả năng hấp thụ nhiệt rất tốt. Mẹo này tuy đơn giản nhưng sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền túi.
Thực tế, một thiết bị điều hòa thường có 2 bộ phận là "cục lạnh", chính là bộ phận làm mát chúng ta thường thấy trong phòng.
"Cục nóng" là bộ phận không thể thiếu của một hệ thống điều hoà
Ngoài ra còn một "cục nóng" thường được đặt ngoài trời. Đây là bộ phận có tác dụng đẩy khí nóng được hút từ dàn lạnh ra khỏi điều hoà. Điều này có nghĩa là cục nóng thường có môi trường hoạt động vô cùng khắc nghiệt. Vì lý do này, nhiều hộ gia đình đã lắp thêm các phần mái che hay hộp bảo vệ nhằm giúp bộ phận khỏi các tác động từ môi trường. Đây là điều đúng, nhưng nếu làm sai thì kết quả sẽ khôn lường.
Việc che chắn cục nóng có thể khiến quá trình hoạt động của bộ phận này bị cản trở, ví dụ như phần quạt tản bị "bí" và động cơ sẽ phải hoạt động hết công suất để đẩy dòng khí nóng ra ngoài, vô hình chung gây hao phí điện năng.
Bên cạnh đó, cục nóng của máy lạnh đã được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong môi trường khắc nghiệt, do đó việc che chắn, bảo vệ là không cần thiết. Nếu lo lắng về các sự cố có thể xảy ra do mưa giông, người dùng chỉ cần làm một chiếc mái che đơn giản là đủ.
Gas hay còn gọi là môi chất lạnh là phần hao phí bắt buộc bên trong điều hoà. Giống như nhớt xe gắn máy, môi chất lạnh là thứ cần được kiểm tra và bơm thêm thường xuyên nếu như muốn thiết bị này hoạt động tối ưu.
Thiếu gas làm cho hiệu suất làm lạnh của điều hòa giảm đi đáng kể
Việc thiếu gas sẽ làm hiệu suất làm mát của điều hòa bị giảm đi đáng kể. Do đó nó phải hoạt động liên tục để đảm bảo nhiệt độ phòng, dẫn đến hao tốn điện năng không đáng có.
Qua thời gian sử dụng, quá trình hút và thổi không khí liên tục sẽ khiến điều hòa bám rất nhiều bụi bẩn. Điều này vừa làm giải hiệu suất làm lạnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp đối với người sử dụng.
Vệ sinh, bảo dưỡng là bước tối quan trọng trong sử dụng điều hòa nhiệt độ
Mặt khác, hiệu suất làm lạnh giảm sẽ khiến cả hệ thống phải hoạt động với công suất lớn và liên tục, dẫn đến hao phí cực kỳ nhiều điện năng. Do đó, việc bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên sẽ giúp điều hòa hoạt động êm ái và tiết kiệm hơn đáng kể. Trong quá trình kiểm tra, kỹ thuật viên cũng sẽ xem xét mức môi chất lạnh để bơm thêm nếu cần thiết. Một công đôi việc phải không nào?
Trên đây là 5 lý do khiến điều hòa của bạn "ăn điện" một cách khủng khiếp. Lưu ý tất cả những điều kể trên sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền điện đấy. Nhớ ở yên trong nhà và sử dụng điều hòa một cách thông minh nhé!
Ảnh: Internet