Những lần "cái chết trắng" khiến bóng đá Việt Nam rúng động: Ngoại binh qua đời vì sốc thuốc, cầu thủ nội khuynh gia bại sản phải về quê "ăn bám" bố mẹ

GN, Theo Nhịp Sống Việt 16:11 26/04/2020
Chia sẻ

Đầu những năm 2000, khi bóng đá Việt Nam phát triển "nóng", nhiều cầu thủ đã trở thành đại gia chỉ sau một đêm khi ký được bản hợp đồng hậu hĩnh. Tuy nhiên, cũng từ đó, nhiều hệ lụy khó lường đã xảy đến khi một số người từ việc chỉ biết ăn tập thành kẻ ăn chơi rồi sa ngã.

Từ "ông vua" đến bỏ mạng nơi xứ người

Khi chính sách cho phép các CLB tuyển mộ ngoại binh ở V.League được áp dụng, nhiều "ông Tây" ồ ạt kéo sang Việt Nam với hy vọng kiếm được vài nghìn USD dù chuyên môn thuộc hạng làng nhàng. Chỉ cần được ký hợp đồng, họ sẽ cầm chắc trong tay một số tiền rất lớn và được đối đãi như những "ông vua". Tuy nhiên, việc điều tra tiểu sử hay kiểm soát thói quen sinh hoạt của cầu thủ ngoại khi ấy lại không được các đội bóng chú trọng. Từ đó, nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến chất kích thích.

Đầu tiên là Musisi, ngoại binh người Uganda khoác áo Đà Nẵng ở mùa giải 2003. Anh được đánh giá là một chân sút cự phách trong sân cỏ nhưng độ ăn chơi thì còn đáng sợ hơn nhiều phần. Kết thúc mùa giải 2003, Musisi rời Việt Nam với lý do xin về quê thăm gia đình nhưng rồi mất liên lạc hoàn toàn. Sau đó, người ta mới ngã ngửa khi biết cầu thủ này được chẩn đoán dương tính với HIV/AIDS và nghiện ma túy nặng khi chơi cho đội bóng sông Hàn.

Năm 2009, Sông Lam Nghệ An cũng từng hốt hoảng khi phát hiện ra hai ngoại binh Kankam và Gordon dương tính với ma túy trong một lần kiểm tra sức khỏe đột xuất. Hai cầu thủ này tất nhiên sau đó đã bị thanh lý hợp đồng.

Gây sốc nhất phải kể đến tiền đạo Molina của Bình Dương chết vì dùng ma túy quá liều vào năm 2010. Anh này được phát hiện tử vong, bên cạnh có một gói bột màu trắng đang sử dụng dở và kim tiêm. Kết luận của cơ quan điều tra sau đó cho thấy Molina chết vì sốc thuốc.

Những lần cái chết trắng khiến bóng đá Việt Nam rúng động: Ngoại binh qua đời vì sốc thuốc, cầu thủ nội khuynh gia bại sản phải về quê ăn bám bố mẹ  - Ảnh 1.

Molina từng khoác áo Đà Nẵng và Bình Dương trước khi qua đời vì sốc thuốc. Ảnh: Trường Huy

Sống dở chết dở vì ma túy

Trong quá khứ, không ít tài năng trẻ của Việt Nam đã mất tất cả vì sử dụng chất kích thích. Đầu tiên là Nguyễn Văn Ý, cầu thủ trẻ của SLNA bị đuổi khỏi đội vì trộm cắp và nghi ngờ liên quan đến sử dụng ma túy. Năm 2007, Lưu Văn Hiền, khi ấy là đội trưởng của U19 SLNA bị phát hiện đang dùng ma túy trong phòng riêng. Một trường hợp khác cũng bị phát hiện trong năm này là Nguyễn Xuân Thành vì tội tàng trữ chất kích thích. Năm 2008 một nhóm cầu thủ của Hà Nội cũng đã bị bắt trong một vũ trường tại TP.HCM khi công an phát hiện có người sử dụng ma túy tại đó. Sau đó, họ được tha nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ về sự trong sạch của nhóm cầu thủ này.

Phan Thanh Tuấn có lẽ là cái tên khiến nhiều người tiếc nuối nhất. Từ một tài năng lớn của bóng đá xứ Nghệ, cùng lứa với cựu HLV tuyển Quốc gia Nguyễn Hữu Thắng, được đánh giá là tiền đạo toàn diện hơn cả Hồng Sơn, Thanh Tuấn dính vào ma túy và phải giải nghệ vào năm 2003.

Những tấm hình hiếm hoi của Phan Thanh Tuấn.

Có những lúc, Thanh Tuấn "nổi tiếng" đến mức các bác xe ôm chẳng cần hỏi xem đi đâu, cứ ngồi lên là đưa anh đến nơi mua thuốc. Đó cũng là lúc cuộc đời của Thanh Tuấn chạm đáy. Khi đã ở ngưỡng tuổi tứ tuần, tài năng trẻ một thời của xứ Nghệ vẫn không có nghề nghiệp ổn định, vợ con đã bỏ đi từ lâu và phải sống nương nhờ bố mẹ nhiều phần.

Ngoài những trường hợp kể trên, bóng đá Việt còn nhiều lần rúng động vì những vụ việc liên quan đến "cái chết trắng". Tất cả đã trở thành bài học xương máu cho thế hệ trẻ sau này và với cả những người làm công tác quản lý, giáo dục cầu thủ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày