Một gia đình hạnh phúc phải là sự đồng tâm hiệp lực của hai người. Chỉ khi người mẹ bình tĩnh và có tâm trạng tốt, người cha vững vàng và có trách nhiệm thì mới có thể nuôi dạy một đứa trẻ tự tin, lạc quan và triển vọng.
Gần đây, trong chương trình tạp kỹ nổi tiếng của Trung Quốc, một cặp đôi thu hút sự chú ý: Vợ là Trương Uyển Đình, chồng là Tống Ninh Phong. Trong cuộc trò chuyện, đầu tiên cô vợ châm biếm chồng may mắn và hạnh phúc khi cưới được một người như mình làm vợ. Sau đó, khi mọi người nói về công việc, Uyển Đình lại bắt đầu chỉ trích chồng, cho rằng anh là diễn viên thất bại, không biết đồng cảm với mọi người xung quanh.
Mỗi lần anh chồng muốn phản bác đều bị cô vợ ngắt lời. Theo thống kê từ cư dân mạng, Uyển Đình đã bảy lần cắt ngang lời nói của Ninh Phong chỉ trong một bữa tiệc trà. Cuối cùng, cô còn chỉ vào chồng và nói: Anh bị cấm phát ngôn.
Uyển Đình quả là có phần độc đoán. Thế nhưng, mọi chuyện cũng có lý do. Từ khi cưới nhau, sinh con, mọi chuyện trong nhà hầu như Uyển Đình đều một tay lo hết. Bất kể khi nào vợ đau khổ, buồn bã hay tức giận, anh đều không nói một lời an ủi. Cả hai vợ chồng đều có những khó khăn riêng và đứa trẻ bị kẹt giữa đương nhiên bị ảnh hưởng sâu sắc.
Một lần, hai vợ chồng xảy ra tranh cãi gay gắt, trong khi bế con, cô đã bóp cổ chồng mình, dọa con gái khóc thét lên; Một lần khác, Uyển Đình từng cho biết khi con được 1 tuổi 8 tháng, cô mắng chồng mỗi ngày trước mặt con gái. Sau này, khi hỏi con: "Cha của con là ai?", đứa trẻ trả lời một cách tự nhiên: "Đồ ngốc".
Không thể không nghĩ đến một câu: "Con cái là tấm gương soi bóng cha mẹ". Từ vợ chồng này, không khó để thấy: Có một loại gia đình bất hạnh, người mẹ độc đoán, người cha vô hình, và cuối cùng, nuôi dạy một đứa trẻ có vấn đề.
Tác giả Uyên Hào đã từng nói: "Ý nghĩa của việc làm mẹ là sự ảnh hưởng". Tính cách của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của đứa trẻ, đồng thời cũng quyết định vận thế của một gia đình.
Một người mẹ dịu dàng, điềm đạm luôn có thể giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, cho con cái ánh sáng ấm áp; nhưng một người mẹ độc đoán, hung bạo sẽ luôn khiến gia đình lục đục. Họ có cá tính quá mạnh mẽ, nóng nảy và thường gây chiến vì những chuyện vặt vãnh. Điều này không chỉ dễ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa các thành viên mà còn không có lợi cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của một gia đình.
Bên cạnh đó, một người cha vô hình cũng mang lại những tác hại sâu sắc cho trẻ. Trong cuộc sống hàng ngày luôn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Tuy nhiên, khi đối mặt với vấn đề, một số người chủ động giao tiếp và tích cực giải quyết, trong khi những người khác phớt lờ. Nhiều ông bố đã chọn cách thứ hai, cố gắng giải quyết xung đột bằng cách trốn tránh và tàng hình. Nhưng kết quả là vấn đề ngày càng lớn.
Có một trường hợp thực tế như vậy trong một bộ phim. Người bố thường bận công việc, cuối tuần mới về nhà, ít tham gia vào việc nuôi dạy con cái. Người mẹ lo toan mọi việc từ miếng ăn, sinh hoạt đến việc học hành, giáo dục cho con trai. Nhưng sau khi cậu con trai bước vào tuổi vị thành niên thì càng ngày càng không tuân theo kỷ luật của mẹ, suốt ngày nghiện game, thậm chí còn muốn bỏ dở việc học.
Người mẹ bất lực cầu cứu chồng, nhưng ông không muốn ra mặt làm "kẻ ác", luôn đứng nhìn mâu thuẫn giữa vợ và con trai. Kết quả là cậu con trai ngày càng nổi loạn, mất kiểm soát, hễ bị mẹ mắng là lại giật tóc và khóc ầm ĩ.
Bố đối với con thường đại diện cho những quy tắc và tiêu chuẩn. Nếu người cha vô hình trong gia đình một thời gian dài, chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụp đổ về nhân cách và tình cảm của đứa trẻ, khiến con cái bỏ lỡ những bài học quan trọng nhất về trật tự xã hội, quy tắc ứng xử và chuẩn mực của cuộc sống.
Trong một gia đình, nếu vị trí của người cha ngày càng bị gạt ra ngoài lề thì người mẹ sẽ ngày càng có quyền lực. Kết quả là đã hình thành nên một vòng luẩn quẩn khiến những đứa trẻ thêm đau khổ.
Về vấn đề này, nhà tâm lý học nổi tiếng Adler tin rằng: "Nếu người mẹ có nhiều quyền lực hơn và suốt ngày cằn nhằn những người khác trong gia đình, các cô gái có thể bắt chước mẹ, trở nên xấu tính và hay chỉ trích; Con trai luôn phòng thủ vì sợ bị chỉ trích và cố gắng tìm cơ hội để thể hiện sự vâng lời bất đắc dĩ của mình".
Và nhiều khi, nguyên nhân khiến gia đình căng thẳng thường là do có những bà mẹ - cô con gái có tính cách giống nhau: Mẹ mạnh mẽ, con gái mạnh mẽ hơn mẹ; Mẹ độc đoán, con gái kiểm soát nhiều hơn mẹ; Người mẹ nóng nảy, con gái còn cáu kỉnh hơn mẹ.
Một nhà tâm lý học đã từng gặp một trường hợp như vậy trong quá trình tư vấn: Bệnh nhân nọ luôn không kiềm chế được bản thân, thường xuyên cáu gắt với chồng con, có lần vì một chuyện lặt vặt mà nhốt chồng con cả đêm. Sau đó, qua hội chẩn chuyên sâu, các chuyên gia mới biết nguyên nhân sâu xa thực chất là do mẹ của bệnh nhân. Nhưng đáng buồn là, cô con gái bị tổn thương vì tính khí nóng nảy đó giờ đã trở thành một bản sao từ mẹ mình.
Trong một gia đình, nếu người mẹ luôn là "ngọn gió" mạnh nhất, không thể nhìn thấy, không thể nghe thấy tiếng nói của người cha thì đứa con trai sẽ không thể trưởng thành như mong muốn. Bất cứ khi nào gặp trở ngại và khó khăn, anh ta sẽ thu mình vào một góc và im lặng trốn chạy giống như cha mình lúc đầu. Khi lớn lên, chẳng những không thể mạnh mẽ như mẹ mà còn hèn nhát, kém cỏi hơn.
Tính cách cũng được di truyền. Nếu cha mẹ không thay đổi kịp thời, con cái sẽ lặp lại sai lầm đó và tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Rong Weiling, một nhà tư vấn tâm lý cho biết: "Nếu tuổi thơ hạnh phúc, chúng ta có nhiều khả năng tái tạo hạnh phúc và nếu tuổi thơ đau khổ, chúng ta có nhiều khả năng tái tạo nỗi đau". Tổ ấm thực sự đòi hỏi sự tâm huyết và nhiệt tình của cả hai bên.
Một người mẹ bao dung, tình cảm truyền đi những cảm xúc dịu dàng nhất trên đời, khiến thế giới của con bao trùm trong ánh nắng; Một người cha kiên định và có trách nhiệm mang đến cho đứa trẻ cảm giác an toàn đầu tiên, để đứa trẻ lớn lên vững chãi.
Cha mẹ hòa thuận, giáo dục con đầy đủ mới có thể mang đến cho con cái tình yêu êm ái, thoải mái và giúp chúng từng bước đến được bến bờ hạnh phúc.