1. Cùng con học tập
Trong khi cha mẹ xem điện thoại, chơi game, con cái lại bị yêu cầu phải ngồi vào bàn học nghiêm túc, thử hỏi những đứa trẻ có thể tập trung vào việc học được không? Điều nguy cấp hơn cả là những đứa trẻ sau đó sẽ nhanh chóng bắt chước thói quen xem điện thoại giống cha mẹ chúng và có thể "nghiện" điện thoại bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, thật tốt khi cha mẹ có thể ngồi vào bàn cùng con học, cùng con giải quyết các bài tập trên lớp và cha mẹ sẽ hướng dẫn, truyền tải thêm những kiến thức khác. Con trẻ rất dễ bắt chước hành động của người lớn. Vì thế, nếu cha mẹ đọc sách, con trẻ cũng thấy thế mà hứng thú với việc đọc. Dần dần, không khí học tập sẽ bao trùm lên cả nhà, con trẻ cũng có nhiều động lực để tự học tập, khám phá thế giới xung quanh.
2. Ít quát mắng con
Con trẻ chưa hiểu chuyện nên nghịch ngợm, trêu đùa chúng bạn là chuyện bình thường nhưng người lớn chưa hiểu chuyện mà đã vội quát mắng, trách cứ bọn nhỏ chưa chắc đã là người thấu hiểu. Nếu các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian để trò chuyện và hiểu con hơn thì chắc chắn những đứa trẻ sẽ không khiến cha mẹ phải phiền lòng.
Hành động quát mắng hay đánh con trẻ khi chưa tìm hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện của cha mẹ có thể gây áp lực tâm lý cho trẻ, thậm chí khiến chúng cảm thấy sợ hãi và trở nên hèn nhát. Bởi vậy mới nói, đòn roi không thể giải quyết được vấn đề mà hơn hết, con cái cần sự thấu hiểu, sẻ chia của cha mẹ.
3. Không so sánh con với người khác
Có lẽ câu chuyện so sánh con mình với "con nhà người ta" là câu chuyện thường gặp trong nhiều gia đình bởi nếu nhìn theo góc nhìn của cha mẹ, con cái sau khi nghe những câu chuyện về nghị lực sống sẽ tiếp thu và học tập tốt hơn. Nhưng đối với nhiều đứa trẻ, đó là sự so sánh hơi khập khiễng bởi mỗi đứa trẻ là một cá thể có cá tính riêng, có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau.
Dù là điểm số hay bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống, con cái cũng không muốn cha mẹ đem đi so sánh với người khác. Đặc biệt, ở độ tuổi vị thành niên, khi chúng bắt đầu nhận thức nhiều hơn về cuộc sống của mình, chúng sẽ phản kháng lại, không muốn học, thậm chí không muốn nói chuyện với cha mẹ mình, khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bất hoà. Thay vì thế, cha mẹ luôn ủng hộ, hỗ trợ con cái phía sau để chúng luôn cảm nhận được tình yêu thương của gia đình và nỗ lực học tập.