Những kẻ lữ hành underground của Vpop: Tiếng nói tự do cất lên làm thay đổi văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam

Nguyệt Kiều, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 14/12/2018
Chia sẻ

Trên đường đua Vpop năm 2018, những nghệ sĩ underground đã trở thành tâm điểm của các bảng xếp hạng âm nhạc và chiếm lĩnh trái tim của khán giả Việt bằng thứ âm nhạc thuần túy, không chiêu trò và tràn đầy màu sắc.

Trước khi trở thành một "lực lượng" đủ sức đối trọng với những nghệ sĩ mainstream, indie/ underground vốn không hề xa lạ với khán giả Việt. Indie - viết tắt của từ "indipendent" có nghĩa là độc lập trong tiếng Anh, vốn không dùng để chỉ một dòng nhạc nhất định mà nó là cách gọi chung cho những nghệ sĩ hoạt động âm nhạc độc lập. Khán giả Việt đã từng biết đến giới indie/underground qua những bản rap làm mưa làm gió cộng đồng, qua những bài hát mang đậm tính tự sự của Quái Vật Tí Hon, hay qua những bước chân du ca của Lê Cát Trọng Lý trên khắp đất nước Việt Nam.

Vốn là một mảng âm nhạc kín tiếng và không có nhu cầu quảng bá mạnh mẽ, âm nhạc của giới underground trước đây không được phủ sóng rộng rãi. Bước vào giai đoạn 2017 - 2018, khi mà mạng xã hội trở thành kênh quảng bá chính và Youtube dần dà trở thành một kho tư liệu giải trí khổng lồ không thể thiếu, âm nhạc underground ngày càng vươn xa khỏi "lòng đất" của mình.

Từ internet cho đến đời thường, 2018 rõ ràng là năm mà âm nhạc của giới underground "hất cẳng" mainstream để giành lấy chỗ đứng vững chắc hơn trong lòng khán giả trẻ.

2018 – năm của âm nhạc underground "xưng vương"

Lướt một vòng quanh các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến trong năm 2018, có thể dễ dàng thấy được rằng những bài hát của giới underground chiếm số lượng không hề ít. "Người âm phủ", "Buồn của anh", "Thằng điên", "Vô tình", "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em"... là những ca khúc nổi bật trong các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến uy tín tại Việt Nam. Những ca khúc này phủ sóng trên khắp các trang mạng xã hội và cả ở những địa điểm công cộng, một vài câu hát cũng thoát ra khỏi phạm vi bài hát để trở thành câu cửa miệng mà bạn trẻ nào cũng thuộc nằm lòng.

Không chỉ là những bản hit, Vpop năm 2018 còn chứng kiến một hiện tượng hết sức đặc biệt đó là "Hongkong1" của Nguyễn Trọng Tài. "Hongkong1" xuất hiện lần đầu chỉ qua một clip "buồn buồn hát chơi" của chàng sinh viên Nguyễn Trọng Tài và những người bạn, gây hiệu ứng lớn trong khán giả trẻ và cứ thế bước thẳng lên top đầu các bảng xếp hạng. Sự nổi tiếng hi hữu này khiến cho Nguyễn Trọng Tài một bước thành sao, "Hongkong1" cũng được chính thức trình làng với nhiều phiên bản và cả MV chuyên nghiệp.

MV HongKong1 - Nguyễn Trọng Tài x San Ji x Double X

Những kẻ lữ hành underground của Vpop: Tiếng nói tự do cất lên làm thay đổi văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam - Ảnh 2.

Hongkong1 bước thẳng từ bàn nhậu lên top đầu các BXH âm nhạc trực tuyến

Trên địa hạt Youtube, sản phẩm âm nhạc đến từ underground cũng có nhiều thành tích nổi bật.  Trong số những MV ca nhạc của giới underground gây sốt, không thể không kể đến "Thằng điên" (Justatee, Phương Ly), "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" (Đen, Vũ., Thành Đồng) và "Hongkong1" (Nguyễn Trọng Tài, Sanji, Double.X). 

Bởi vì ít có điều kiện sản xuất được những MV dạng "bom tấn" với nhiều kĩ xảo hay những drama có thời lượng dài đang thành trào lưu Vpop, MV của giới underground đề cao sự duyên dáng trong kịch bản và không để phần nhìn lấn át phần nghe. Tuy nhiên, vì chất lượng âm nhạc và sự lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, những MV này đều lọt top trending dù gặp không ít đối thủ mạnh và bỏ túi một con số lượt xem ấn tượng. "Thằng điên" đã đạt được hơn 50 triệu lượt xem trên Youtube chỉ sau một tháng ra mắt, "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" cũng đã có gần 20 triệu lượt xem – những con số mà rất nhiều nghệ sĩ mơ ước.

Những kẻ lữ hành underground của Vpop: Tiếng nói tự do cất lên làm thay đổi văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam - Ảnh 3.

MV "Thằng điên" được khen ngợi vì hình ảnh đẹp, chỉn chu

Bước ra từ không gian mạng, những nghệ sĩ underground cũng chứng tỏ rằng sự nổi tiếng của họ không phải là ảo khi thu hút được một lượng lớn khán giả đến với những show diễn có mặt mình. Hơn 3000 khán giả đã hòa mình vào không gian âm nhạc đến từ "hoàng tử indie" Thái Vũ trong show diễn của anh vào cuối tháng 9, show diễn của ban nhạc Ngọt, DaLAB hay là show diễn chung quy tụ nhiều gương mặt indie - underground cũng nhanh chóng tẩu tán hết số vé lên đến hàng ngàn.

Những kẻ lữ hành underground của Vpop: Tiếng nói tự do cất lên làm thay đổi văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam - Ảnh 4.

"Hoàng tử tình ca" Thái Vũ là cái tên thu hút nhiều khán giả tới xem trực tiếp

Âm nhạc tự do làm nên khác biệt

Như một làn gió mới lạ thổi vào Vpop, âm nhạc của giới underground mang đến nhiều nét cá tính độc đáo mà đến cả những nghệ sĩ kì cựu nhất của Vpop cũng không thể có.  Một nền âm nhạc nhiều màu sắc, đa dạng cá tính là điều mà Vpop luôn luôn thiếu trong rất nhiều năm trở lại đây. Sự một màu trong giai điệu, trong lời bài hát và cách thể hiện khiến cho Vpop dường như trở thành một khối thống nhất dù có hàng trăm cái tên hoạt động trong đó. Những sáng tác nổi bật của Vpop trong thời gian qua quanh đi quẩn lại vẫn là những bản ballad buồn và phần lớn đều viết về tình yêu, sự đau khổ hay vui buồn trong tình yêu cũng thường được thể hiện một cách trực tiếp trong ca từ. 

Nhưng với âm nhạc của underground thì khác. Âm nhạc của giới underground thổi vào Vpop một làn gió mới nhờ sự đa dạng về dòng nhạc cũng như ca từ rất giàu chất thơ nhưng không bị "ngôn tình hóa". Không bị nỗi lo sản phẩm thiếu viral lấn át, những nghệ sĩ trẻ thuộc cộng đồng underground thỏa sức hát về những đề tài khác về cuộc sống và xã hội bằng những cái nhìn rất riêng. 

Đen Vâu khi không có "Đố em biết anh đang nghĩ gì" hay "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" thì còn có "Mơ", "Đi theo bóng mặt trời" - những bài tình ca dành cho cuộc sống. Ban nhạc Ngọt được biết đến nhiều nhất qua "Em dạo này", và "Em dạo này" cũng có ca từ  duyên dáng, chỉ đề cập đến nỗi nhớ bằng một câu hỏi "dạo này em có đi trà đá hồ Gươm?". "Thằng Điên" (Justatee, Phương Ly) cũng tương tự như "Em dạo này" khi có phần lời không có bất cứ sự lạm dụng cấu trúc câu hay những từ Hán Việt không cần thiết nào. DaLAB kết hợp cả rap và giai điệu vào trong bài hát, Cá Hồi Hoang mang theo chất alternative rock thường khiến người nghe liên tưởng đến Coldplay. Cô nàng Xesi cùng những cộng sự lại đem tới những ca khúc ma mị nhuốm hơi thở dân gian đương đại… Mỗi bài hát lại là một trải nghiệm mới với âm thanh và ca từ, âm nhạc underground khiến cho những đường biên giới của Vpop bị phá vỡ bằng sự tự do phóng khoáng của mình.

MV Thanh Xuân - Da LAB

Sự vươn lên ào ạt của âm nhạc underground buộc các nghệ sĩ mainstream cũng phải tự làm mới mình nếu như không muốn dần bị quên lãng. Và bởi vì những nghệ sĩ underground cống hiến cho khán giả là không có gì ngoài âm nhạc, điều này phần nào thúc đẩy những nghệ sĩ mainstream cũng phải chú trọng hơn nữa vào chất lượng âm nhạc thay cho việc thu hút khán giả bằng những scandal hay giá trị bề ngoài. Cơ hội được đem ra chia đều cho tất cả những người có năng lực, sự cạnh tranh để đẩy Vpop lên thành một sân chơi chất lượng hơn là điều mà một thị trường âm nhạc độc quyền bởi những tên tuổi quen thuộc không bao giờ có được.

Nếu chỉ tính riêng bằng độ nổi tiếng cá nhân hay sức hút đến từ âm nhạc, tên tuổi của các nghệ sĩ underground hiện nay đã có thể được xếp chung mâm với nhiều ca sĩ mainstream dù họ có hay không có ý định theo đuổi âm nhạc nghiêm túc. Tuy nhiên, bởi vì tính tự do cũng như việc đôi khi sự nổi tiếng đến bất chợt không lường trước, những nghệ sĩ underground cũng gặp nhiều vấn đề về chuyên môn. 

Chuyện bản hit "Buồn của anh" (Đạt G) là hát ngọng hay là "phát âm của người miền Nam" như chính chủ phân trần, nỗi thất vọng mà "Hongkong1" bản chính thức đem lại vì sự non nớt trong cách xử lý phòng thu là hai trong rất nhiều ví dụ. Dù là như thế nhưng những nghệ sĩ underground đa phần còn trẻ và vẫn mang trong mình gu âm nhạc khác lạ, họ vẫn luôn có cơ hội học hỏi và khiến khán giả mong chờ hơn vào những sản phẩm sau này.

"Vô tình" – HOAPROX, Xesi

Sự thay đổi trong thói quen nghe nhạc

Bỏ sang một bên những thị phi, scandal đầy rẫy trong Vpop như một "đặc sản" thường thấy mỗi khi ca sĩ ra bài mới, nghệ sĩ underground tập trung vào các sản phẩm của mình và khán giả underground cũng quan tâm nhiều hơn đến âm nhạc. Nói không với thị phi hay là những chiêu trò pr, đến cả ngoại hình hay trang phục của lớp nghệ sĩ underground cũng không hề lộng lẫy và tạo cảm giác xa cách. Những nghệ sĩ underground thường xuất hiện trước khán giả chỉ với một cây guitar mộc mạc và những áo sơ mi, quần jeans giản dị, họ để dành sân khấu cho âm nhạc của mình tỏa sáng. Điều này đi ngược với những gì đã diễn ra tại Vpop trong nhiều năm gần đây, nhưng lại là một con đường không thể đúng đắn hơn để cho âm nhạc thuần túy được phát triển. 

Chúng ta không coi thường hay đánh giá thấp những nghệ sĩ thiên về giải trí, chăm chút cho cả phần nghe lẫn phần nhìn để mang đến khán giả những món ăn tinh thần bổ tai ngon mắt, nhưng Vpop vẫn còn thiếu quá nhiều những nghệ sĩ chiếm trọn trái tim khán giả bằng âm nhạc và giọng hát của mình. Khán giả được quay về với những giá trị thật sự chạm đến tâm hồn, và bằng cách đó, thói quen nghe nhạc của những người trẻ cũng có ít nhiều thay đổi.

Những kẻ lữ hành underground của Vpop: Tiếng nói tự do cất lên làm thay đổi văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam - Ảnh 7.

Đen Vâu

Không chỉ coi âm nhạc là thước đo duy nhất để cân đo đong đếm những sản phẩm underground, khán giả của tầng lớp underground cũng nhạy cảm hơn trong việc bài xích scandal. Những scandal chỉ có đất sống khi có người quan tâm đến, nhưng khán giả underground hay indie lại luôn từ chối những sản phẩm làm ra để gây chú ý. Có thể thấy rõ nhất điều này ở cộng đồng rap/ hip hop Việt, nơi mà cái tên gạo cội như rapper LK cũng phải đối mặt với chỉ trích khi cho ra đời một sản phẩm phản cảm. Những sản phẩm sinh ra vì mục đích gây sốc rất nhanh bị đào thải và bị khán giả chối bỏ, điều này tác động ngược lại để khiến cho nghệ sĩ hoạt động một cách nghiêm túc hơn.

Hiện nay, số lượng những bạn trẻ tự mày mò sáng tác hoặc tập tành chơi với công nghệ để cho ra những sản phẩm tuy không trọn vẹn về kĩ thuật nhưng mang đậm yếu tố cá nhân là không hề ít. Với suy nghĩ "biết đâu lại thêm một ngôi sao xuất hiện", chính những khán giả trẻ đã trao cơ hội cho những nhân tố mới khi tìm nghe và chia sẻ những ca khúc của các nghệ sĩ vô danh. Không phải là một món ăn tinh thần dọn sẵn đến tận tai, khán giả giờ đây lại là những người "khai quật" ra một ngôi sao mới trong làng underground. Sự chủ động tìm kiếm này thể hiện thái độ trân trọng và cũng kéo gần hơn khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả, khi mà cả hai bên đều cho đi và nhận lại những giá trị thiên về tình cảm hơn là kinh tế.

Lại nói về câu chuyện kinh tế - một vấn đề nhạy cảm đối với nghệ sĩ indie, có một sự thật không thể phủ nhận là cũng giống như những nghệ sĩ mainstream, số lượng những nghệ sĩ underground được biết đến rộng rãi và có thể sống được bằng âm nhạc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Indie vốn là một cuộc chơi độc lập và không có bất kì sự trợ giúp hay can thiệp nào vào âm nhạc, những nghệ sĩ indie luôn phải gánh lấy nỗi lo tài chính và sự bấp bênh nếu muốn toàn tâm toàn ý sống với nghề. 

Dù "sân khấu" chính của giới underground và indie lúc này là internet, khán giả vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để thưởng thức sân khấu trực tiếp và chia sẻ phần nào gánh nặng kinh tế. Sự tôn trọng và thấu hiểu cho nghệ sĩ cũng bộc lộ rõ khi nếu như có một cái tên rời bỏ cuộc chơi vì vấn đề kinh tế hoặc đơn giản chỉ là vì cảm thấy đã cạn kiệt cảm hứng, khán giả vẫn chỉ thường nuối tiếc thay vì cảm thấy thất vọng để rồi chỉ trích thần tượng của mình.

Những kẻ lữ hành underground của Vpop: Tiếng nói tự do cất lên làm thay đổi văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam - Ảnh 8.

Ban nhạc Ngọt

Mặc dù vẫn còn những khó khăn như người hâm mộ đa số là sinh viên nên khó bỏ ra một số tiền lớn hay là mặc định rằng nghệ sĩ underground sẽ bị mất chất khi tiếp xúc với những sân khấu chuyên nghiệp, nhưng những biến chuyển từ từ và tích cực từ những khán giả trẻ cũng đã tạo nên một luồng gió mới trong văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam. 

Tất cả những biến chuyển tích cực kể trên đều là kết quả của một làn sóng âm nhạc tự do và trong trẻo, đặt âm nhạc lên trên lợi ích về kinh tế. 2018 là một năm mà Vpop rộn ràng với những cái tên underground có mới có cũ, chúng ta không có lí do gì để ngừng tin tưởng rằng 2019 sẽ là một năm mà âm nhạc Việt Nam bùng nổ hơn nữa nhờ những người nghệ sĩ underground trẻ - những kẻ lữ hành mang hành trang là âm nhạc và cá tính của mình dạo chơi trên đường đua Vpop.


WeChoice Awards
- giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Mặt trời ẩn trong tim.

Đó là những người có xuất phát điểm như bất kỳ ai, đến từ bất cứ nơi nào trong xã hội nhưng họ mang trong mình trái tim như mặt trời, âm thầm lan tỏa hơi ấm của mình, truyền cảm hứng và lòng tin giúp chúng ta mỉm cười giữa những mịt mù cuộc sống.

Hãy cùng Ban tổ chức tôn vinh những câu chuyện và nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2018 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.

Hãy truy cập wechoice.vn và gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2018.

Những kẻ lữ hành underground của Vpop: Tiếng nói tự do cất lên làm thay đổi văn hóa nghe nhạc của giới trẻ Việt Nam - Ảnh 10.
 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày