Những hình ảnh hải cẩu bị thảm sát bằng gậy gỗ và góc khuất ít người biết về công việc này tại Canada

Minh Kiên, Theo Helino 10:51 27/08/2019

Không chỉ có hải cẩu trưởng thành mà những con non chỉ vài tuần tuổi cũng bị săn để lấy lông.

Những hình ảnh dưới đây được cắt ra từ đoạn clip về nghề săn bắt hải cẩu ở Canada, ngư dân đều áp dụng những hình thức hết sức dã man để hạ gục hải cẩu, tất cả đều nhằm lấy đi bộ da quý giá của nó để phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người.

Được biết, ngành thương mại hải cẩu đã tồn tại từ những năm 1500 ở Canada do những người định cư ở Châu Âu tạo ra. Vào thời điểm đó, dầu hải cẩu được bán ở Cựu Thế Giới để dùng làm chất bôi trơn máy. Sau đó, nhu cầu dùng đến lông và da của loài này ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng mỗi năm có tới hàng trăm nghìn con hải cẩu đàn hạc (tên gọi khác là hải cẩu Greenland) bị giết hại ở Vịnh St. Lawrence, ngoài khơi bờ biển Newfoundland và Labrador, Canada. Lông thu về sẽ được buôn bán cho các khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu để làm áo khoác. Và từ đó đến nay, ngành nghề này vẫn tồn tại, hằng năm cứ đến tháng 3, tháng 4 là ngư dân từ khắp nơi đổ về Canada để tổ chức đi săn với quy mô lớn.

Theo thông tin của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế - Humane Society International (HSI), mỗi năm có hàng chục nghìn con hải cẩu con, chỉ vài tuần tuổi, bị đánh đập, bắn chết và lột da để lấy lông. Cuộc đi săn hằng năm này của con người rất tàn nhẫn và lãng phí, nhằm vào những quần thể hải cẩu vốn đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Những hình ảnh hải cẩu bị thảm sát bằng gậy gỗ và góc khuất ít người biết về công việc này tại Canada - Ảnh 1.

Những chú hải cẩu ngơ ngác không hề hay biết mình sắp trở thành mục tiêu săn bắt của những ngư dân (Ảnh trích từ clip).

Những hình ảnh hải cẩu bị thảm sát bằng gậy gỗ và góc khuất ít người biết về công việc này tại Canada - Ảnh 2.

Cảnh tượng một ngư dân dùng gậy để hạ gục hải cẩu.

Những ngư dân thường dùng gậy gỗ, súng và hakapik - một loại dụng cụ sắt nhọn giống như cái cuốc chim để săn bắt những con vật tội nghiệp. Vì phía thu mua sẽ trừ tiền nếu phát hiện trên da có lỗ đạn nên người ta thường hạn chế sử dụng súng để giết chết hải cẩu. Họ sẽ đứng trên các con tàu ngắm bắn sao cho mục tiêu bị thương để rồi khi tàu tiến lại gần sẽ dùng những chiếc móc sắt và gậy để hạ gục con vật rồi kéo lên tàu lột da. Đáng sợ hơn, rất nhiều hải cẩu con khi bị lột da vẫn còn sống.

Những hình ảnh hải cẩu bị thảm sát bằng gậy gỗ và góc khuất ít người biết về công việc này tại Canada - Ảnh 3.

Hình ảnh một chú hải cẩu đang cố trốn thoát khỏi tử thần, đằng xa là đồng loại của nó đang bị ngư dân tấn công.

Những hình ảnh hải cẩu bị thảm sát bằng gậy gỗ và góc khuất ít người biết về công việc này tại Canada - Ảnh 4.

Người ta dùng những chiếc móc sắt để kéo con vật đáng thương về tàu.

Những hình ảnh hải cẩu bị thảm sát bằng gậy gỗ và góc khuất ít người biết về công việc này tại Canada - Ảnh 5.

Hai chú hải cẩu nằm thoi thóp chờ chết.

Tình trạng săn bắt hải cẩu thương mại trong suốt nhiều năm vừa qua đã vấp phải sự phản đối, chỉ trích của nhiều tổ chức bảo vệ động vật trên khắp thế giới. Đứng trước việc này, chính phủ Canada cũng đã có các biện pháp nhất định để giảm thiểu hoạt động săn bắt. Giờ đây những người thợ săn hải cẩu phải có bằng mới được phép hành nghề, ngoài việc trợ cấp cho ngành này, Canada cũng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, tạo ra những việc làm mới thay vì săn hải cẩu lấy da. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã lên tiếng cấm nhập khẩu các sản phẩm từ hải cẩu. Những việc này đã góp phần làm giảm đáng kể số lượng hải cẩu bị giết hại hằng năm cũng như là số ngư dân tham gia săn bắt.

Theo ước tính của HSI, đã có 37 nước cấm buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ hải cẩu bị săn bắt, trong 1 thập kỷ qua, có khoảng 3 triệu cá thể hải cẩu được cứu sống khỏi bị giết hại nhờ nỗ lực của các tổ chức, hội nhóm và khoảng 90% những người săn bắt được cấp bằng đã không còn làm việc này nữa.

Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp này vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn bởi theo chính phủ Canada, săn bắn hải cẩu có vai trò quan trọng về mặt văn hóa và kinh tế, ngành này vốn đã có từ lâu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến bây giờ, nó vẫn tạo ra các hoạt động kinh tế trong các cộng đồng ven biển.

(Tham khảo hsi, nationalgeographic, humanesociety)