Người dân được tặng từ đôi dép đến xe máy
Những ngày qua, người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam liên tục về quê sau khi các địa phương này thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Đa số họ là công nhân, thợ hồ, buôn bán tự do... thất nghiệp nhiều tháng do dịch Covid-19 kéo dài và phải vượt quãng đường hàng nghìn cây số để hồi hương bằng xe máy nên gặp nhiều khó khăn.
Thương cảm trước hành trình đầy gian nan ấy, tại Trạm trung chuyển Hải Vân (Đà Nẵng), suốt 1 tuần nay đã có rất nhiều đội nhóm tình nguyện, hội chữ thập đỏ và các nhà hảo tâm thường xuyên túc trực để hỗ trợ, tiếp sức cho họ.
Theo ghi nhận, tại đây có 1 phiên chợ 0 đồng do Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn tổ chức. Bà con trên đường về quê ngang qua đây có thể thoải mái lấy những món đồ mình cần thiết như đôi dép, khăn tay, áo ấm, áo mưa, bao tay, mũ bảo hiểm, khẩu trang,...
Mỗi ngày có hàng nghìn người dân từ miền Nam đi qua Đà Nẵng để về quê ở các địa phương phía Bắc
Tại trạm trung chuyển Hải Vân, nhiều nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng đã hỗ trợ người dân hồi hương từng đôi dép, áo ấm, áo mưa, bao tay... đến cả xe máy
Chị Lương Thị Thu Trang cho biết, kinh phí thực hiện được chính các thành viên trong nhóm và những người bạn góp lại. Phiên chợ 0 đồng này sẽ mở xuyên suốt cho đến khi không còn người từ miền Nam về nữa.
Ngoài nhóm của chị Trang, còn có hơn 10 hội nhóm từ thiện khác cũng tham gia phục vụ nhiều loại nước uống, bánh kẹo và cơm, súp, mì,... miễn phí cho dòng người hồi hương. Liên đoàn lao động TP. Đà Nẵng cũng tổ chức chương trình "Ngàn lít xăng miễn phí" để phát cho công nhân.
Không chỉ vậy, trung bình mỗi gia đình dừng chân tại Đà Nẵng cũng được các CLB từ thiện thay nhau hỗ trợ tiền mặt khoảng từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Những sự giúp đỡ thiết thực ấy không chỉ giúp người dân thêm ấm lòng, tiếp thêm sức khỏe và động lực để họ về đến đích sau hành trình dài, mà còn viết nên những câu chuyện đẹp đẽ về sự nhân ái, về nghĩa tình đồng bào đậm sâu…
Hơn 8 năm lập nghiệp và sinh sống tại tỉnh Bình Dương, anh Lê Tấn Tài, quê ở Bắc Giang, cho biết, gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn trong suốt 4 tháng qua vì dịch Covid-19. Cả hai vợ chồng đều rơi vào cảnh thất nghiệp, không có thu nhập, trong khi tiền trọ, tiền sinh hoạt đè nặng khiến cả gia đình quyết định rời bỏ thành phố hoa lệ.
"Hết tiền nên vợ chồng tôi quyết định trở về quê bằng xe máy, lần này về luôn, ở quê có cháo ăn cháo, có rau ăn rau... Lần đầu dừng chân tại Đà Nẵng nhưng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình giúp đỡ khiến tôi rất cảm kích. Những suất cơm nóng hổi đủ để chúng tôi cảm thấy rất ấm áp và phục hồi thể lực. Không biết còn dịp nào được trở lại đây không, tôi xin cảm ơn và sẽ nhớ mãi sự giúp đỡ, cưu mang này của người dân nơi đây", anh Tài tâm sự.
Đặc biệt, chứng kiến cảnh nhiều xe máy của người dân quá cũ kỹ và bị hư hỏng do vượt quãng đường xa, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Đà Nẵng) và nhiều mạnh thường quân cũng đã mua hàng chục xe máy mới để tặng lại cho một số người dân.
Gia đình anh Nguyễn Văn Vinh và chị Nguyễn Thị Hiền (quê Nghệ An) được CSGT Đà Nẵng tặng xe máy mới trên đường về quê
Anh Vinh rưng rưng nước mắt khi nhận được món quà lớn từ những người lạ nơi mảnh đất mà lần đầu anh đặt chân tới
Xúc động khi vừa nhận được chiếc xe máy mới, anh Nguyễn Văn Vinh (SN 1984, quê Nghệ An) rưng rưng nước mắt cho biết: "Tôi không bao giờ nghĩ trong đời mình lại được tặng một chiếc xe máy mới như thế. Đó là gia tài lớn đối với vợ chồng chúng tôi. Không biết nói gì trong lúc này, xin cảm ơn những người dưng xa lạ đã dang tay giúp đỡ tôi trong lúc hoạn nạn này".
CSGT Đà Nẵng cũng tổ chức phát quà cho bà con về quê, mỗi người 200.000 đồng và trẻ em được thêm 100.000 đồng
Anh Vinh cho biết, vợ chồng mình lặn lội vào TP.HCM làm nghề lượm ve chai cũng đã được 3 năm nay. Chiếc xe "cà tàng" mà cả gia đình anh làm phương tiện di chuyển từ huyện Bình Chánh (TP.HCM) ra đến Đà Nẵng được mua với giá 2 triệu đồng khi gia đình mới vào Sài Gòn mưu sinh.
Sau khi dịch bệnh xảy ra, không thể trụ nổi nơi miền đất hứa nên sáng 7/10, vợ chồng anh cùng con gái 5 tuổi quyết định về lại quê sinh sống.
Nối gần lại quãng đường hồi hương
Cũng trong chiều 9/10, những chuyến xe đầu tiên chở người dân từ Trạm trung chuyển hầm Hải Vân (Đà Nẵng) về quê ở các tỉnh phía Bắc do 2 nhóm Bạn thương nhau và Tình nguyện trẻ Đà Nẵng tổ chức đã lăn bánh. Đây là những người dân hồi hương, chạy xe máy từ miền Nam, khi qua Đà Nẵng thì đã nhận được sự hỗ trợ miễn phí của người dân nơi đây.
Anh Nguyễn Bình Nam, Trưởng nhóm Bạn thương nhau cho biết, không thể kìm lòng được trước cảnh bà con chạy xe máy hàng nghìn km để về quê, đặc biệt có những gia đình quê ở tận Lào Cai, Hà Giang,... mà lại mang theo con nhỏ. Do đó, anh đã nảy sinh ra ý tưởng tổ chức các chuyến xe 0 đồng nhằm giảm bớt gian nan, vất vả cho bà con trên hành trình về quê. Cùng đồng hành với anh Nam, còn có nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng.
Nhiều gia đình có bà bầu, trẻ nhỏ được nhóm tình nguyện ở Quảng Ngãi chở bằng xe cứu thương ra Đà Nẵng, liên hệ với các đội nhóm tình nguyện tại đây để tiếp tục đưa họ về quê bằng xe khách
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trước khi lên xe
"Sau khi huy động được nguồn lực từ các nhà hảo tâm, ban đầu chúng tôi đã thuê 10 xe loại 45 chỗ để chở phụ nữ có thai, trẻ em, người lớn tuổi, người bệnh về quê ở các tỉnh Bắc Trung Bộ", anh Bình Nam chia sẻ.
Còn những người ở các địa phương từ Nghệ An trở ra sẽ do nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng đảm nhiệm. Theo anh Trần Đình Quốc Khương (40 tuổi, trưởng nhóm), mỗi ngày sẽ có 5 chuyến đưa tất cả bà con có nhu cầu về quê. Tuy nhiên, theo quy định thì xe không đi vào nội địa các tỉnh, do đó chỉ dừng ở điểm cuối là chốt tại Hà Nội để người dân xuống nhận lại tài sản, khai báo y tế và thực hiện cách ly theo quy định của địa phương.
Tại Hà Nội, nhóm cũng đã liên hệ được một hội tình nguyện khác ở ngoài đó để hỗ trợ người dân về các tỉnh khác của phía Bắc. Cùng với đó là xe tải vận chuyển xe máy và hành lý chạy phía sau.
Được biết, hiện 2 nhóm tình nguyện đã có kinh phí cho khoảng hơn 50 chuyến xe khách miễn phí, trong đó Công ty cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) tài trợ 35 chuyến.
Em Nguyễn Thu Sương (3 tuổi) cùng mẹ Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi) đang trên đường về quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trong hình, cô bé đang tung tăng di chuyển ra ô tô sau hành trình dài được mẹ đèo trên xe máy
Người dân chuyển hành lý từ xe máy qua ô tô để về quê
Ghi nhận của PV, tất cả người dân đều được test nhanh miễn phí, những ai có kết quả âm tính với Covid-19 mới được lên xe. Ngoài ra, họ còn được phát đồ bảo hộ nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển.
Trên đường chở vợ và con gái mới 1 tháng tuổi từ Bình Dương về quê ở Nghệ An, anh Lang Đình Dương (26 tuổi) và vợ Lang Thị Giang (21 tuổi), ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), mừng phát khóc khi tại Đà Nẵng đã được mời đi ô tô.
Anh Dương làm thợ đóng cốt pha tại TP.HCM nhưng đã thất nghiệp hơn 3 tháng nay, còn chị Giang làm công nhân may nhưng nghỉ làm từ khi sinh đến nay. Cầm cự suốt mấy tháng dịch, đến khi trong người không còn đồng nào, hết cách anh Dương đành phải đèo vợ và đứa con mới sinh trên chiếc xe máy cà tàng để về quê.
Những người lên xe phải có giấy xét nghiệm. Trong chuyến đầu tiên, hơn 40 người đều có kết quả âm tính
Xe máy của người dân được đưa lên ô tô tải để chạy song song cùng xe khách
Người dân mang đồ bảo hộ trong quá trình di chuyển lên xe khách
"Suốt hơn 2 ngày chạy xe máy, vợ chồng tôi khá vất vả do em bé còn quá nhỏ. Thỉnh thoảng dừng xe để pha sữa cho con gái vì mẹ không đủ sữa, nên phải đi chậm hơn mọi người. Khi được biết có nhóm hỗ trợ xe khách về quê miễn phí, vợ chồng tôi vui mừng lắm. Đường về quê của chúng tôi sẽ gần và an toàn hơn nhiều", anh Dương xúc động nói.
Được biết, tại Đà Nẵng, vợ chồng anh Dương đã được nhiều nhóm thiện nguyện tặng quà và tiền.
"Em rất xúc động khi nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm ở Đà Nẵng. Thực sự em cảm thấy mình may mắn khi được sự hỗ trợ của mọi người, nay quãng đường về nhà của gia đình em được ngắn lại", chị Giang chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Lê Thị Linh (24 tuổi, quê Điện Biên) mang bầu đã 6 tháng đón lấy tô mì Quảng do Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng mời tại điểm đợi xe. Chị Linh và chồng vào Thủ Đức làm công nhân cho 1 công ty điện tử nhưng 3 tháng thất nghiệp vì dịch khiến số tiền dành dụm suốt 2 năm bám trụ nơi đất khách đã hết sạch, nên dù bầu vượt mặt chị vẫn quyết định về quê.
Do có con nhỏ nên chị Giang được ưu tiên ngồi ghế dưới, phía trước xe
Những đôi mắt đỏ hoe của những người dân hồi hương, 1 phần vì bụi đường xa, 1 phần vì cảm động trước sự hào hiệp của đồng bào Đà Nẵng
Cũng theo chị Linh, suốt 2 ngày chạy xe từ Thủ Đức về, trên đường gặp mưa gió, lại bầu bì nên chị mệt lả. Khi đến Đà Nẵng, nghe tin được ô tô đưa ra đến tận Hà Nội, chị mừng rơi nước mắt.
"Bầu bì mà ngồi xe máy suốt mấy trăm cây số khiến 2 chân tôi tê cứng hết, nhưng cũng đành cắn răng chịu chứ không có sự lựa chọn nào khác. Nghĩ lại đoạn đường vượt mưa gió đã qua mà tôi rợn người. Giờ được đi xe khách giường nằm về đến Hà Nội,vợ chồng vui lắm, cảm ơn những con người Đà Nẵng tử tế", chị Linh nói.
Đang loay hoay mặc lại bộ đồ bảo hộ để chuẩn bị lên ô tô, bà Uông Thị Khương cho biết, bà vào Đồng Nai mưu sinh bằng nghề bán hàng dạo đã hơn 10 năm nay. Sau khi cưới, do hoàn cảnh ở quê khó khăn nên chị Tô Thị Ngân (26 tuổi) cùng chồng và con trai 1 tháng tuổi cũng khăn gói vào đây sống cùng mẹ.
Chị Ngân cùng mẹ và con trai 1 tuổi chạy xe máy từ Đồng Nai về quê
Những người dân bày tỏ sự biết ơn tới đội ngũ tình nguyện viên và chính quyền Đà Nẵng đã hỗ trợ, tạo điều kiện để về quê bằng xe ô tô
Khoảng 15h30 chiều 9/10, chuyến xe đầu tiên bắt đầu khởi hành
Chồng chạy xe Grab, còn chị Ngân đi bán hàng rong. Đợt dịch này, cả 4 miệng ăn trong gia đình chỉ biết trông chờ vào hàng cứu trợ. Không trụ nổi nữa nên khi vừa hết giãn cách, bà Khương đành liều chở con gái và cháu ngoại hồi hương bằng xe máy, còn con rể vẫn cố bám trụ lại Đồng Nai.
"Vì là phụ nữ nên chúng tôi không thể đi nhanh và chạy liên tục như đàn ông được. Đi được một đoạn là phải dừng lại nghỉ. 3 bà cháu nói với nhau không biết bao giờ mới về được đến quê. May mắn là đến Đà Nẵng thì được đưa về bằng ô tô, tôi mừng lắm", bà Khương vẫy tay chào và lên xe hồi hương.