Theo quan niệm dân gian, cứ ngày mồng 1 Tết người ta thường xuất hành về hướng tốt để đón thần tài, mở cửa đón người xông đất, hái lộc, mừng tuổi trẻ con,… với hy vọng một năm may mắn, bình an đến với gia đình. Trước đây, vào dịp đầu năm mới, học trò thường đến nhà của những cụ đồ già để xin chữ với mong muốn học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt. Còn ngày nay, học trò Việt lại có nhiều cách lấy hên đầu năm khác nhau để có tâm lý thoải mái trước các kỳ thi cũng như hy vọng cả năm học hành được suôn sẻ, may mắn.
Năm mới, nhiều bạn thường bảo nhau dậy sớm làm một bài toán đơn giản, viết một đoạn văn, hoặc chép lại một bài thơ… để lấy may đầu năm. Lần cầm bút đầu tiên trong năm mới bao giờ cũng rất được chú ý vì nếu viết chữ đẹp, giải toán nhanh… thì việc học hành của năm mới cũng được suôn sẻ, người viết cũng có được hứng thú học tập trong cả năm.
Các học sinh ở Nhật Bản cũng có cách lấy hên gần giống với "khai bút đầu xuân" ở Việt Nam. Đó là Kakizome, ngày 2/1 hàng năm người dân Nhật Bản sẽ sử dụng mực được mài với nước đầu, được múc lần đầu tiên của năm mới từ giếng, chọn hướng tốt để viết những chữ thư pháp thật đẹp. Mọi người sẽ viết những bài thơ với chủ đề như sống thọ, mùa xuân, tuổi trẻ vĩnh cửu,… sau đó đốt đi để năm mới được may mắn.
Văn Miếu Quốc Tử Giám từ bao đời nay đã trở thành nơi linh thiêng, biểu tượng cho trí tuệ và tài năng mà các bạn học sinh thường tới trong dịp đầu năm. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam với hàng trăm năm hoạt động, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngoài việc tham quan di tích lịch sử nổi tiếng này, các bạn học sinh còn tới cầu may với mong muốn việc học trở nên "công thành, danh toại", là nơi khen tặng các sinh viên xuất sắc và là điểm đến của nhiều sĩ tử trước các kỳ thi.
Thắp hương cầu may, hy vọng một năm học nhiều may mắn không bị xem là "mê tín dị đoan" mà ngược lại đã trở thành một nét đẹp, một tục lệ ý nghĩa đối với học sinh. Tuy nhiên, các bạn nhớ là chỉ đến Văn Miếu tham quan, tìm hiểu và thắp hương cầu may thôi nhé, tuyệt đối không được sờ đầu rùa, lên bia tiến sĩ,… vì đó là những hành động làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích Văn Miếu. Chúng ta không muốn hình ảnh của những người học trò trở nên "xấu xí" ở một nơi linh thiêng như vậy đúng không nào.
Cũng giống như học trò thuở xưa, học trò ngày nay cũng thích xin chữ vào dịp đầu năm để lấy hên. Hàng năm, vào những ngày giáp Tết và những ngày đầu xuân ở những vực phố Bà Triệu, phố cổ, nhất là Văn Miếu thường thấy nhiều học trò xếp hàng xin chữ. Đến với nơi đây các bạn có thể vừa xem, vừa nghe các cụ đồ giảng giải về nội dung các chữ, cách viết, nhìn các cụ mài mực, múa bút,… khi thật thấu, thật hiểu thì có thể xin chữ các cụ mang về. Thường thì các bạn xin chữ “thành”, “đạt”, “đắc”… với mong muốn thi cử đỗ đạt, học hành thành công, cũng có bạn xin chữ “hiếu” về tặng bố, mẹ để thể hiện lòng hiếu thuận.
Chùa Tháp Bút cũng là một địa điểm linh thiêng thu hút không ít các bạn học sinh vào đầu năm. Tháp Bút - Đài Nghiên là nơi biểu tượng của văn chương, khoa cử được xây dựng vào thời Tự Đức năm thứ 18. Thường thì các bạn học sinh đến đây để cầu nguyện cho thi cử được đỗ đạt, hy vọng may mắn sẽ đến với những kỳ thi lớn trong năm. Ngoài chùa Tháp Bút, Văn Miếu thì đền Ngọc Sơn cũng là nơi linh thiêng giúp các bạn học sinh tạo tâm lý thoải mái trước một năm học khó khăn, vất vả.
Ngoài khai bút đầu xuân, xin chữ, đến những nơi linh thiêng để cầu may thì nhiều bạn học sinh lại ăn đậu vào đầu năm với mong muốn thi cử đến đâu đỗ đạt đến đó. Trừ đỗ đen thì đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ hà lan,… đều là món ăn được học trò ưa chuộng. Không chỉ ở Việt Nam, các teen ở Brazil cũng ăn đậu lăng vào mùng 1, ở Ý là sau nửa đêm, còn học sinh Nhật Bản thì ăn đậu kuro-mame để cầu nguyện cho một năm mới có nhiều thành công.
Ước nguyện một năm học suôn sẻ, may mắn là vô cùng chính đáng, bạn có thể thử một số cách lấy hên phía trên nhưng lưu ý rằng thành công không chỉ dựa vào may mắn mà còn nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nữa, đừng chủ quan mà bỏ bê chuyện học hành nhé.