Có một người cha ở Trung Quốc vô tình nhìn thấy một số bức ảnh cũ cách đây 40 năm, ghi lại tuổi thơ của những đứa trẻ, khiến anh cảm động rơi nước mắt. Nhìn những khoảnh khắc bình dị này, anh chợt hiểu ra rằng, tại sao ngày xưa bọn trẻ lại hồn nhiên, cười đùa suốt ngày, còn trẻ em ngày nay thì cứ 5 đứa trẻ thì có 1 đứa có vấn đề về tâm lý.
Anh nhớ lại mình cũng đã có một tuổi thơ rất đẹp. Mỗi khi chuông reo ở trường, anh và bạn bè sẽ lao ra sân chơi bóng rổ, bóng bàn, hoặc các trò chơi theo nhóm. Những bạn gái thì chơi nhảy dây, bạn trai thì bắn bi, rượt đuổi nhau. Khi chuông reo lại, mọi người lại vội vàng chạy vào lớp.
Vào thời điểm đó, trẻ em phải đi bộ một quãng đường rất xa để đến trường, thậm chí có những bạn phải dậy từ sáng sớm. Trên đường đi, bọn trẻ thường nghịch ngợm với nhau, ăn vội thứ gì đó mua bên đường hoặc mang từ nhà theo, đôi khi chỉ là chiếc bánh bao hấp hay ổ bánh mì.
Ngày xưa, bọn trẻ trong xóm lúc nào cũng tụ tập lại với nhau bày ra đủ trò chơi, trong khi cha mẹ thì bận rộn chuyện đồng áng, cứ mặc tụi trẻ con chơi với nhau. Tuổi thơ của bọn trẻ con ngày xưa rất nghịch ngợm và hồn nhiên, cứ chờ tan học là cùng nhau đi chơi.
Thế nhưng ngày nay, cuộc sống ngày càng khá giả, gia đình có điều kiện lo lắng cho con cái tốt hơn. Tiếc thay, trên các con phố, ngõ hẻm, hình ảnh tụi trẻ con tụ tập chơi đùa với nhau không còn nữa.
Theo Báo cáo Phát triển Sức khỏe Tâm thần do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố, tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên ở quốc gia này là 24,6%. Điều này có nghĩa là cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ gặp vấn đề về tâm lý.
Khi nhìn lại những bức ảnh ngày xưa, có lẽ nhiều bậc phụ huynh nhìn thấy đâu đó bóng dáng của mình. Môi trường trẻ em lớn lên bây giờ khác với xưa rất nhiều, điều này đặc biệt thể hiện qua 2 khía cạnh:
1. Không gian phát triển của trẻ bị thu hẹp
Trước đây, gia đình chỉ có 2-3 con, nhiều nhất là 5-6 con. Khi đó, điều cha mẹ quan tâm nhất là làm sao để lo cơm ăn áo mặc cho gia đình. Phương pháp dạy con của cha mẹ ngày xưa cũng rất khác biệt.
Một số đứa trẻ đạt điểm cao, cha mẹ sẽ cố gắng hết sức để lo cho việc học của con. Ngược lại, nếu điểm của con không tốt, họ cũng không quá lo lắng, chỉ cần con học được một kỹ năng nào đó, yên tâm sau này cũng sẽ kiếm được một công việc.
Ngày xưa, cha mẹ cũng không quá lo lắng nếu con mình mải ham chơi mà quên cả đường về nhà. Phần lớn cha mẹ ngày xưa không quá quan tâm tới con cũng như không lo lắng nhiều về tương lai của con mình.
Ngoài ra, gia đình ngày xưa đông con, điều này khiến bọn trẻ luôn có người để chơi cùng, không gian ngày xưa ít nhà cửa, ít xe cộ, bọn trẻ có nơi vui chơi thoải mái, từ đó làm nổi bật cá tính của trẻ.
Tuy nhiên, ngày nay gia đình thường chỉ có 1-2 con, đồng nghĩa đứa trẻ nhận được sự quan tâm rất lớn từ tất cả thành viên trong nhà. Đứa trẻ được bao bọc bởi mọi thứ đủ đầy và không phải thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Ngày nay, không khó để nhận thấy những đứa trẻ muốn nghịch nước nhưng cha mẹ không cho, sợ con làm bẩn quần áo. Đứa trẻ muốn trèo cây nhưng cha mẹ can ngăn sợ con té, gặp nguy hiểm.
Khi mọi người trong gia đình dành hết tâm sức cho đứa trẻ, không gian trưởng thành của chính đứa trẻ bị bóp nghẹt. Lúc này, những đứa trẻ tưởng chừng như đang lớn lên một cách độc lập nhưng sự thật là chúng đang lớn lên trong sự kỳ vọng, mong muốn của cả gia đình. Vì vậy, việc ngày càng có nhiều vấn đề về tâm lý là điều đương nhiên.
2. Không có nơi để giải tỏa cảm xúc
Khi nhìn lại tuổi thơ của nhiều bậc cha mẹ, hầu như không có bóng dáng của các thiết bị điện tử, ngay cả TV cũng là thứ gì đó rất xa xỉ với nhiều gia đình. Tuy nhiên, mặc dù không có điện thoại, TV và những thứ khác nhưng có quá nhiều thứ có thể khiến trẻ em tận hưởng tuổi thơ.
Vì vậy, trong trường hợp này, dù có bị cha mẹ la mắng, khiển trách thì chỉ cần ra khỏi nhà, bên ngoài vẫn có cả một thế giới rộng lớn để trẻ em trút bỏ những cảm xúc, phiền muộn. Những đứa trẻ dù có buồn bực tới đâu, chỉ cần ra ngoài chơi đùa với bạn bè trong vài giờ, khi về tới nhà thì mọi cảm xúc tiêu cực tan biến, năng lượng cũng đã tiêu hao đi rất nhiều. Chơi mệt quá, tối ngủ một giấc ngon lành, hôm sau dậy thì lại là một ngày mới.
Ngày xưa, xung quanh chúng ta luôn có anh chị em, bạn bè, được chạy nhảy vui đùa cả ngày nên mọi cảm xúc tiêu cực hay năng lượng dư thừa đều tan biến.
Nhưng ngày nay, trẻ em ngày càng có ít không gian để chúng chạy nhảy thoải mái. Hầu hết trẻ em phải vật lộn với điểm số hàng ngày, áp lực học hành rất lớn.
Sự đơn điệu, áp lực học tập vô tận và thiếu tương tác xã hội khiến trẻ phải chịu áp lực nặng nề ngày này qua ngày khác. Khi những cảm xúc tiêu cực này tích tụ sâu trong lòng, không thể trút bỏ, cuối cùng sẽ bùng nổ, khiến trẻ dễ mắc các bệnh tâm lý.
Tóm lại, cha mẹ chỉ có thể thích nghi với sự thay đổi của thời đại. Trẻ em ngày nay có rất nhiều áp lực nhưng nếu được cha mẹ thấu hiểu, tạo điều kiện để vui chơi, tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn, có nơi để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong lòng, chúng sẽ phát triển khỏe mạnh.