Bày con học là một trong những điều dễ khiến thần kinh của cha mẹ căng thẳng ngay lập tức. Nhiều người còn thừa nhận rằng, chỉ trong vòng vài câu, họ lập tức mất bình tĩnh, tức giận và bắt đầu la mắng con cái. Tình huống này phổ biến trong rất nhiều gia đình.
Trong suy nghĩ của nhiều cha mẹ, lỗi là do con cái không nghiêm túc học hành, không tập trung. Thế nhưng, dưới góc độ tâm lý, câu trả lời có thể khác so với những gì mọi người tưởng tượng.
Trong tâm lý học có một thuật ngữ gọi là tư duy tự động. Nó đề cập tới một số suy nghĩ chớp nhoáng xuất hiện trong tâm trí của chúng ta.
Khi đối chiếu thuật ngữ này lên tình huống cha mẹ bày con cái học, họ thường đánh giá con cái dựa trên quan điểm riêng và suy nghĩ của chính mình.
Ví dụ:
Khi bày con học, suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ thường rơi vào những kiểu như sau:
- Bài toán này quá đơn giản nhưng con mình không làm được, con mình quá ngốc, tại sao mình lại sinh ra đứa con ngốc như vậy, đây là điều quá xấu hổ, mình thực sự đã thất bại.
- Bài toán này đã nói nhiều lần mà con mình vẫn không hiểu, con không chú ý nghe giảng trong lớp, con không tập trung học, con không thấy được sự vất vả của cha mẹ, con không có hiếu.
Dưới góc nhìn của người lớn, chỉ dựa trên một hành vi không thể làm toán, cha mẹ lập tức có một chuỗi suy nghĩ tự động hình thành. Trong tình huống này, đương nhiên cha mẹ dễ mất bình tĩnh và muốn la mắng con ngay lập tức.
Nhưng điều đáng sợ là nếu cha mẹ còn rơi vào những hiểu lầm về tư duy cố định như vậy, họ không thể hỗ trợ con cái học tập, thậm chí khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Cuối cùng, mọi việc sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, trong đó, con cái lo lắng khi được cha mẹ bày học, hoàn toàn không thể giải quyết được bài tập.
Quan trọng hơn, điều này còn sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của trẻ.
Phần lớn các bậc cha mẹ đều mắc một số hiểu lầm khi bày con làm bài tập về nhà, chỉ cần tránh được những điều này, việc bày con học sẽ không còn là cực hình.
- Mong muốn kiểm soát mạnh mẽ
Có một thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ thể hiện sự kiểm soát mạnh mẽ khi bày con học.
Ví dụ:
Con phải ngồi thẳng lưng, đúng tư thế cầm bút, chữ phải thật đẹp, bài tập nào làm trước...
Khi thấy con làm rơi bút xuống đất, họ lập tức mắng con là đứa hậu đậu, học hành không tập trung... Họ gắn rất nhiều nhãn dán tiêu cực cho con mình.
Dưới sự kiểm soát gắt gao và áp lực như thế này, liệu trẻ có thể làm bài tập theo tốc độ của riêng mình?
Vì vậy, thay vào đó cha mẹ nên để con làm chủ trong việc học của mình. Ví dụ, khi đi học về, trước tiên cha mẹ hãy hỏi con muốn làm bài tập trước hay ăn tối trước.
Khi gặp vấn đề, cha mẹ hãy cho con cơ hội tự mình giải quyết vấn đề, trường hợp không hiệu quả mới ra ray giúp đỡ. Chỉ bằng cách này, trẻ mới có thể hoàn thành tốt hơn những gì mình muốn trong một bầu không khí thoải mái.
- Truyền tải thông tin đến trẻ dưới góc nhìn của người lớn
Nhà tâm lý học trẻ em Piaget đã đề cập trong lý thuyết về sự phát triển tâm lý tuổi thơ của mình rằng: "Đối với trẻ, cha mẹ dạy con đúng cách là đứng từ quan điểm của trẻ và truyền đạt những thông tin chính xác theo cách mà trẻ có thể tiếp nhận được".
Nhưng trên thực tế, cha mẹ thường nhìn một số việc dưới góc độ của người lớn.
Chẳng hạn, trong mắt người lớn, những bài toán tiểu học chẳng khác gì ăn miếng bánh, uống miếng nước. Vì vậy, nếu trẻ làm sai, họ dễ dàng bộc lộ cảm xúc tức giận.
Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của con cái, nghĩ thử khi mình còn là trẻ con, liệu mình có thể làm đúng hết tất cả bài toán?
Những gì cha mẹ cho là đơn giản nhưng lại không hề đơn giản trong nhận thức của một đứa trẻ. Vì vậy, thay vì căng thẳng, tốt hơn hết cha mẹ nên cố gắng bình tĩnh, đừng đặt kỳ vọng cao ở con mình, giao tiếp với con bằng sự thấu hiểu, mọi chuyện sẽ xoay chuyển theo chiều hướng tốt hơn.