Những bộ phận của lợn rất phổ biến trong ẩm thực châu Á nhưng lại có thể "doạ" người phương Tây

Ngọc Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 12:09 16/05/2019

Có những bộ phận ăn rất ngon với đại đa số các quốc gia châu Á, nhưng do khác biệt văn hoá mà bạn bè ở bán cầu Tây cảm thấy "hoang mang" khi nhìn đến.

Không chỉ khác biệt về văn hoá ăn uống, cách cầm đũa, quy tắc bàn ăn... đôi khi, những con người từ các nền văn hoá khác nhau cũng bị "sốc" vì các nguyên liệu ăn uống mỗi nơi mỗi khác. Có những nơi, một số bộ phận của lợn thì ngon, nhưng đối với nhiều người khác lại là chuyện lạ hiếm gặp. Chỉ với mỗi một chú lợn mà người Châu Á ăn tất không chừa lại gì khiến người châu Âu cảm thấy... "hoang mang style", song như vậy mới thấy được sự đa dạng văn hoá trên thế giới thú vị và đáng quý lắm đấy!

Thủ lợn

Người phương Tây không thường dùng thủ lợn hay đầu heo để chế biến, cho nên đối với họ, những buổi tiệc, buổi cúng kiếng có cả cái đầu của chú lợn là một việc... gây "ám ảnh" vô cùng. Một ví dụ kinh điển là trong buổi cúng khai máy quay phim Snowpiercer của ê-kíp Hàn Quốc, đạo diễn người Hàn vì nghĩ rằng có diễn viên phương Tây trong đoàn nên đã thay chiếc đầu heo bằng... hình đầu chú heo trên máy tính bảng. Điều này đã khiến anh chàng Chris Evans phải "hoang mang" khi phải quỳ lạy một chiếc ipad. Đạo diễn Bong Joon Ho của đoàn làm phim cho hay rằng: "theo quan niệm phương Đông thì lúc nào cũng phải cúng một chiếc thủ lợn thật lớn." Tuy nhiên cho rằng thủ lợn có thể sẽ trông hơi "đáng sợ" nên ông đã đổi như vậy.

Chân lợn

Những bộ phận của lợn rất phổ biến trong ẩm thực châu Á nhưng lại có thể doạ người phương Tây - Ảnh 2.

Đa phần người phương Tây không ăn chân lợn, hay chân của các loài vật nói chung. Ở đây không chỉ phần đùi, mà là phần bàn chân. Các sản phẩm như chân lợn, chân gà là một khái niệm tương đối xa lạ. Không có nhiều công thức chế biến chân lợn nổi tiếng ở các nước phương Tây trong khi ở châu Á, chân lợn xuất hiện trong rất nhiều món, từ nướng cho đến hầm, nấu canh. Người châu Á tin rằng chân lợn rất bổ dưỡng, thịt mềm, có nhiều collagen và tốt cho sức khoẻ. Về phần người châu Âu, phần lớn thời gian, nhiều người cho rằng chân động vật tiếp xúc nhiều với mặt đất và các chất bẩn nên họ ngại ăn chúng. Tuy việc ăn chân lợn ở phương Tây không phải không có, nhưng bạn sẽ không thể tìm thấy món chân lợn ở các nhà hàng phổ biến đâu. Nhiều trang còn gọi chân lợn là "the nasty bits" - "những phần kinh dị".

Lòng lợn

Những bộ phận của lợn rất phổ biến trong ẩm thực châu Á nhưng lại có thể doạ người phương Tây - Ảnh 3.

Ở Nhật Bản có các cửa hàng quán nướng chuyên phục vụ nội tạng động vật, trong đó có lòng lợn. Và tin hay không thì gần như chẳng thực khách phương Tây nào dám bước vào những quán này, cho dù chúng nằm ngay giữa khu phố du lịch sầm uất nhất Tokyo.

Ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, lòng lợn phổ biến đến mức có thể xem như món ăn thường ngày. Lòng lợn dai và có vị béo, nếu xử lý cẩn thận thì sẽ không có mùi tanh hôi, xào cùng rau củ ăn cơm rất hợp.

Não lợn

Những bộ phận của lợn rất phổ biến trong ẩm thực châu Á nhưng lại có thể doạ người phương Tây - Ảnh 4.

Đối với nhiều đứa trẻ Việt Nam, nhất là khi phải học hành nhiều và gần tới các kì thi, hẳn là các người bà, người mẹ sẽ hấp một chiếc não lợn (còn gọi óc heo), rắc thêm ít tiêu lên để con cháu ăn. Não lợn có vị bùi, đặc và mềm như đậu hủ vậy, là một món ăn tương đối phổ biến. Tuy nhiên ở phương Tây, điều này khá hiếm. Thậm chí, bạn chỉ có thể tìm thấy các món não động vật như chim ở các nhà hàng 5 sao vì hiếm ai biết cách xử lý và chế biến bộ phận này. Ngoài ra, trong khi người ta có thể dử dụng não chim, ngỗng thì não lợn vẫn khá hiếm.

Đuôi lợn

Những bộ phận của lợn rất phổ biến trong ẩm thực châu Á nhưng lại có thể doạ người phương Tây - Ảnh 5.

Trong các nhà hàng lớn ở phương Tây, đuôi lợn thường là phần bỏ đi và được ném thẳng vào... thùng rác. Tuy nhiên ở các nước châu Á thì đuôi lợn rất phổ biến. Đuôi lợn có thể được xào, nướng, hầm thuốc bắc, nấu canh... Vậy nên nếu đãi một người bạn phương Tây món đuôi lợn thì bạn đừng ngạc nhiên khi họ không biết ăn thế nào, đơn giản vì họ không tiếp xúc nhiều với món này.