Nhóm nhạc hết hợp đồng nhưng không tan rã: Idol thì được lợi nhưng phần thiệt thuộc về fan?

KLinh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 27/05/2019

Xu hướng mà nhiều nhóm nhạc đang theo đuổi hiện nay có phần đẩy người hâm mộ vào thế thiệt thòi.

Khi hợp đồng với công ty quản lý hết hạn, nếu ngày xưa các nhóm nhạc chỉ có thể chọn cách tan rã hoặc mất thành viên nếu muốn thử sức với vai trò mới thì nay họ đã có giải pháp tối ưu hơn: các thành viên rời công ty nhưng nhóm vẫn duy trì và sẽ tái hợp khi có dịp.

Có thể thấy ngày càng nhiều nhóm nhạc KPop theo đuổi xu hướng này, từ những gương mặt kì cựu như SNSD, T-ARA hay mới nhất là những cái tên như EXID, VIXX,… Thế nhưng cách làm tưởng chừng "vẹn cả đôi đường" này đôi khi lại đem về cho idol phần lợi, còn fan ít nhiều phải gánh thiệt thòi.

Nghệ sĩ là người có lợi

Rời công ty vì hết hợp đồng nhưng không để nhóm nhạc của mình tan rã được nhiều idol chọn vì đây được coi là giải pháp "vẹn cả đôi đường". Họ vẫn có thể thử sức trên những vai trò mới mà vẫn duy trì được danh tiếng từ thương hiệu nhóm nhạc của mình – thứ được gây dựng qua nhiều năm và đã có chỗ đứng vững chãi trong làng giải trí.

Đây còn là cách "giữ chân" fan hữu hiệu. Nếu nhóm nhạc mất thành viên thì người ra đi thường bị fan cho rằng họ "phản bội" lợi ích chung của tập thể. Một khi tan rã, các thành viên sẽ đánh mất bệ phóng tên tuổi, người hâm mộ cũng "tan đàn xẻ nghé" theo. Còn với xu hướng rời công ty nhưng không ra khỏi nhóm, các thành viên phần nào xoa dịu người hâm mộ rằng mình vẫn trung thành với nhóm và nhờ thế không mất fan. Như vậy, bên cạnh lượng fan mới đến từ những hoạt động cá nhân, các idol này vẫn giữ vững được sự ủng hộ của fan cũ – bệ phóng vững chắc để hậu thuẫn cho những hoạt động sau này của họ.

Nhóm nhạc hết hợp đồng nhưng không tan rã: Idol thì được lợi nhưng phần thiệt thuộc về fan? - Ảnh 1.

Tuyên bố không tan rã là cách các nhóm nhạc giữ chân fan

Chưa kể không phải ai cũng có may mắn thành công khi hoạt động solo và nếu trải nghiệm thất bại, các thành viên vẫn còn đường lùi là tái hợp, ra mắt những sản phẩm chung. Nó còn tạo cú hích cho tên tuổi các thần tượng để tên tuổi họ được phủ sóng rộng rãi hơn khi ra mắt solo.

Tiffany (SNSD) hay Zico (Block B) là những ví dụ điển hình cho thần tượng có lợi khi rời công ty nhưng không rời nhóm. Sau ngày hết hạn hợp đồng với SM Entertainment, Tiffany đặt chân lên con đường Mỹ tiến. Nếu thật sự rời SNSD, sẽ rất khó khăn để cô một mình làm lại từ đầu với lượng fan cá nhân. Tuy nhiên, vì vẫn giữ danh hiệu thành viên SNSD, Tiffany nhận được sự chú ý lớn của truyền thông nhờ thương hiệu nhóm, lại được toàn bộ người hâm mộ SNSD ủng hộ nên sự nghiệp sẽ có phần "dễ thở" hơn nhiều.

Nhóm nhạc hết hợp đồng nhưng không tan rã: Idol thì được lợi nhưng phần thiệt thuộc về fan? - Ảnh 2.

Sự nghiệp solo của Tiffany được chú ý 1 phần vì "mác" thành viên SNSD đình đám

Tương tự, Zico vốn có danh tiếng từ các hoạt động solo, nhưng nếu anh tuyên bố rời Block B chắc chắn sẽ khiến fan của nhóm "mếch lòng", và dù Block B không phải một trong những nhóm nhạc đình đám hiện nay thì lực lượng người hâm mộ cũng không hề nhỏ. Cho nên khi hết hạn hợp đồng với công ty quản lý Seven Seasons, Zico cũng chọn con đường rời công ty nhưng vẫn là thành viên Block B, từ đó không lo mất fan mà vẫn được tự do thực hiện những dự án cá nhân.

Nhóm nhạc hết hợp đồng nhưng không tan rã: Idol thì được lợi nhưng phần thiệt thuộc về fan? - Ảnh 3.

Tuyên bố rời công ty nhưng không rời nhóm, Zico vẫn giữ được lượng fan chung

Fan là người chịu thiệt thòi?

Hầu hết tất cả những nhóm nhạc có người rời công ty nhưng không tan rã đều nhận được sự ủng hộ của cộng đồng fan, bởi đối với họ như thế tốt hơn rất nhiều so với việc "đường ai nấy đi" hoặc mất đi thành viên mình yêu quý. Thế nhưng xét trên nhiều khía cạnh, fan vẫn là người chịu thiệt thòi vì phải chờ đợi trong vô vọng mà chưa biết bao giờ thần tượng mình mới tái hợp.

3 thành viên SNSD rời SM từ năm 2017 và dù thường xuyên thể hiện tình cảm cùng nhau, họ vẫn chưa hề nhắc đến ngày đoàn tụ. Tương tự, T-ARA đã ra khỏi MBK Entertainment được 2 năm nhưng nay 6 thành viên vẫn mải mê dồn sức cho các dự án cá nhân. Có thể thấy chưa nhóm nhạc nào theo đuổi con đường trên tái hợp như đã hứa với người hâm mộ, bởi khi về những công ty khác nhau, lịch trình khác biệt thì việc ra mắt sản phẩm chung là "bài toán" khó đối với họ.

Nhóm nhạc hết hợp đồng nhưng không tan rã: Idol thì được lợi nhưng phần thiệt thuộc về fan? - Ảnh 4.

SNSD...

Nhóm nhạc hết hợp đồng nhưng không tan rã: Idol thì được lợi nhưng phần thiệt thuộc về fan? - Ảnh 5.

... và T-ARA mãi vẫn chưa thấy ngày tái hợp do các thành viên mải mê với hoạt động riêng

Mặt khác, đôi khi lời hứa tái hợp hay các thành viên khẳng định không rời nhóm dù ra khỏi công ty chỉ là hành động trấn an người hâm mộ. Sau cả quãng thời gian thanh xuân cống hiến cho tên tuổi nhóm nhạc của mình, những người rời công ty đều muốn tìm kiếm con đường khẳng định tên tuổi cá nhân nên không dễ để họ quay lại hoạt động nhóm sau 1 thời gian ngắn.

Chưa kể nếu một trong các thành viên có sự nghiệp solo thành công và đang trên đà phát triển với những dự án riêng thì khả năng tái hợp lại càng khó khăn. Do vậy fan thường xuyên bị đẩy vào cảnh chờ đợi một cách bị động nhưng vẫn phải dốc sức ủng hộ các idol vì lời hứa đoàn tụ chưa biết bao giờ thành hiện thực. Điều này chẳng khác nào giữ chặt người hâm mộ bên mình nhưng lại không cho họ câu trả lời thỏa đáng.

Tạm kết

Dù tái hợp là việc khó nói trước nhưng giữ cho nhóm không tan rã dù các thành viên không cùng công ty vẫn là giải pháp tốt nhất cho những ai muốn thử sức với hoạt động solo sau khi hết hạn hợp đồng. Với xu hướng này, họ được làm điều mình thích mà vẫn giữ được fan và "tranh thủ" được danh tiếng của nhóm nhạc.

Tuy nhiên các idol cũng cần cân nhắc đến khả năng cùng đứng chung sân khấu trong tương lai trước khi đưa ra quyết định để người hâm mộ không lâm vào cảnh phải chờ đợi mỏi mòn nhưng vẫn phải dốc lòng dốc sức ủng hộ những người mình yêu mến vì lời hứa ngày nào.