Nhiều người trẻ chia sẻ rằng họ cảm thấy việc ghi chép chi tiêu hàng ngày, cẩn thận lập ngân sách khá phức tạp. Điều này khiến họ cảm thấy áp lực hơn khi nghĩ về tiền bạc, do vậy một số người trẻ đang tìm những “lối đi" khác biệt trong cách quản lý chi tiêu.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Ngọc Trang (23 tuổi, nhân viên văn phòng) vẫn giữ nguyên thói quen “xin” tiền tiêu vặt từ mẹ dù đã đi làm gần 1 năm. Cô bạn chia sẻ rằng cho đến nay bản thân vẫn luôn sống cùng bố mẹ, khi còn đi học thường được gia đình cho tiền tiêu vặt hàng tháng và cảm thấy như vậy dễ kiểm soát tiền bạc.
“Hồi học đại học, mình có đi gia sư làm thêm và kiếm được khoảng 4 triệu/tháng. Mình bắt đầu đi dạy từ năm 1, lúc đó mẹ thấy mình vẫn còn bé nên bảo là để mẹ giữ lương vì sợ mình chi tiêu lãng phí. Sau đó, mỗi tháng mẹ cho mình 1,5 triệu đồng tiêu vặt, khi nào mình cần chi tiêu hơn sẽ xin thêm và mẹ sẽ ghi chép cụ thể".
Do vậy, những năm tháng đại học Ngọc Trang chưa từng rơi vào cảnh “rỗng túi" mà còn tích lũy được một số tiền phòng trừ những trường hợp rủi ro. Cho đến bây giờ, khi đã đi làm do chưa tự tin vào khả năng tự quản lý tài chính cá nhân, Ngọc Trang vẫn nhờ mẹ giữ hộ tiền lương.
Ngoài ra, cô bạn cũng học theo mẹ đầu tư mua vàng để tích luỹ. “Mẹ mình là kiểu người khá truyền thống, ngoài gửi tiết kiệm ngân hàng, mẹ còn mua vàng để chống tiền mất giá theo thời gian. Mình cũng có nhờ mẹ mua ít vàng giúp đa dạng hóa cách tích lũy tiền".
Bên cạnh đó, Ngọc Trang vẫn đang cố gắng học cách kiểm soát tài chính cá nhân. Cô bạn cho rằng việc luôn dựa dẫm vào mẹ để quản lý chi tiêu mặc dù hiệu quả tại thời điểm này nhưng trong tương lai sẽ không còn phù hợp.
Ảnh minh hoạ - Pinterest
Minh Anh (26 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông) chia sẻ rằng lời khuyên tài chính mà cô bạn thường nhận được đó là phải ghi chép chi tiêu cũng như lên kế hoạch để kiểm soát tài chính cá nhân. Song, điều này khiến bản thân vô cùng áp lực. “Việc liên tục phải ghi chép chi tiêu hàng ngày khiến mình cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền. Tất nhiên, đó có thể là cảm giác cần thiết để kiểm soát chi tiêu nhưng mình không nghĩ đó là một hành động hiệu quả. Kiếm tiền không chỉ để tiết kiệm mà còn giúp cuộc sống thoải mái hơn".
Do vậy, Minh Anh đã quyết định sẽ luôn trích 30% thu nhập để tiết kiệm trước khi chi tiêu. Như vậy, cô bạn có thể linh động trong chi tiêu hàng tháng mà không phải lo sợ rằng bản thân sẽ không có khoản dự phòng hoặc đang chi tiêu lãng phí. Khi có một khoản ngân sách cố định, nếu đầu tháng Minh Anh chi quá nhiều thì cuối tháng cô bạn sẽ “thắt lưng buộc bụng" miễn sao chỉ chi trong số tiền đó.
“Mình cảm thấy đây là cách chi tiêu khá hợp lý mà vẫn giữ được sự thoải mái. Đôi lúc, mình chi tiêu tự thưởng mua quần áo nhiều hơn thì mình hạn chế đi ăn ngoài với bạn bè".
Ngọc Trang và Minh Anh đều cho rằng có những cách quản lý tài chính cá nhân truyền thống hiệu quả nhưng không còn phù hợp với người trẻ. “Mình nghĩ rằng mọi người nên tìm được cách quản lý tài chính phù hợp với bản thân, có thể lời khuyên này là hiệu quả với phần đa mọi người nhưng chưa chắc sẽ hợp lý với bạn. Cũng không nên quá áp lực bản thân phải tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Chẳng hạn như lời khuyên phổ biến đó là chia thu nhập thành 50% cho chi tiêu, 30% cho mong muốn và 20% cho tiết kiệm và đầu tư, bạn hoàn toàn có thể thay đổi những con số này sao cho phù hợp với lối sống cá nhân", Minh Anh chia sẻ.
Còn đối với Ngọc Trang, cô bạn cũng muốn nhấn mạnh rằng việc nhờ gia đình giúp đỡ quản lý chi tiêu không có gì đáng xấu hổ. “Mình nghĩ rằng bản thân kiểm soát chi tiêu hiệu quả hơn, như vậy đã tốt hơn nhiều so với việc tiêu tiền lãng phí. Mình vẫn đang học cách quản lý tài chính cá nhân, dù chậm hơn những người khác nhưng điều đó không có nghĩa là mình không cố gắng”.
Ngọc Trang cũng cho rằng dù ngại lên kế hoạch chi tiêu cụ thể, những bạn trẻ vẫn nên có thói quen tiết kiệm tiền. Điều này sẽ giúp các bạn tránh được những thử thách tài chính trong tương lai cũng như đem đến cảm giác an toàn.