Nhìn thực trạng của 20 thủ khoa ĐH, tôi thấy: Trong trường học, "Trạng Nguyên" chỉ có 1; nhưng trong xã hội Trạng Nguyên có thể rất nhiều - nếu bạn ĐỦ GIỎI và trút bỏ được "hào quang trường top"

Diệu Đan, Theo Thanh niên Việt 21:44 08/07/2025
Chia sẻ

Có thể nhiều người sẽ nghĩ: Thủ khoa cộng thêm hào quang của các trường danh tiếng, tiền đồ chắc hẳn rực rỡ, ai nấy đều phải chạm đến đỉnh cao cuộc đời rồi chứ? Nhưng sự thật chưa chắc đã đúng như vậy!

Bạn có bao giờ tò mò những thủ khoa kỳ thi đại học năm xưa - những người đứng đầu trong một kì thi khắp cả nước giờ đang sống cuộc sống như thế nào không?

Có thể bạn sẽ nghĩ: thủ khoa cộng thêm hào quang của các trường danh tiếng, tiền đồ chắc hẳn rực rỡ, ai nấy đều phải chạm đến đỉnh cao cuộc đời rồi chứ? Nhưng sự thật có đúng như vậy không?

01

Một blogger đã thực hiện một loạt video như vậy tại Trung Quốc. Anh đã phỏng vấn hơn 20 thủ khoa đại học, có người tốt nghiệp hai trường đại học hàng đầu tại quốc gia tỷ dân là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, cũng có người từng theo học các trường Ivy League nổi tiếng.

Sau khi xem xong loạt video này, tôi nhận ra rằng sự phát triển sau khi ra trường của những thủ khoa này tuy không tệ, nhưng cũng không tốt như chúng ta tưởng tượng.

"Cử nhân đại học Bắc Kinh mà cũng không mua nổi nhà sao?"

"Phần lớn đều không mua nổi, chỉ khoảng 20% bạn học có thể mua được, mà cũng là trong tình trạng vét cạn cả bốn cái ví* mới mua nổi." ("Bốn cái ví" là ví của cha mẹ hai bên - một cách nói ẩn dụ thường dùng ở Trung Quốc).

Khi đối mặt với câu hỏi của blogger, anh Trác - người được tuyển thẳng vào Học viện Y Bắc Đại năm 2011 đã trả lời như vậy. Sau khi tốt nghiệp 5-6 năm, anh không tiết kiệm được bao nhiêu ở Bắc Kinh, sau đó chuyển sang làm nhà phân tích cổ phiếu.

Còn những bạn học tốt nghiệp cùng năm với anh, phần lớn đều là người đi làm thuê, vẫn đang giành giật nhau để có được một suất ở lại bệnh viện hạng ba với mức lương 20.000 tệ mỗi tháng (khoảng 70 triệu đồng).

Nhìn thực trạng của 20 thủ khoa ĐH, tôi thấy: Trong trường học, "Trạng Nguyên" chỉ có 1; nhưng trong xã hội Trạng Nguyên có thể rất nhiều - nếu bạn ĐỦ GIỎI và trút bỏ được "hào quang trường top"- Ảnh 1.

Còn Dư - thủ khoa khối tự nhiên toàn tỉnh Giang Tây năm 2012 – tốt nghiệp ngành điện tử Đại học Thanh Hoa, hiện đang làm việc tại một công ty công nghệ lớn ở Bắc Kinh. Hiện tại, anh và vợ vẫn đang sống trong một căn phòng thuê chung chỉ rộng 14 mét vuông, mỗi ngày đều đi làm bằng xe máy điện, sống một cuộc sống tương đối tiết kiệm.

Tất nhiên, cũng có người có thu nhập cực kỳ nổi bật. Ví dụ như Tracy - thủ khoa khối xã hội năm 2008 ở Thiên Tân, học cử nhân ở Bắc Đại Quang Hoa, thạc sĩ tại Đại học Oxford. Chồng cô cũng xuất sắc không kém: cử nhân Cambridge, thạc sĩ Oxford. Họ đang sống trong một căn biệt thự rộng tới 600 mét vuông, tọa lạc tại khu đất đắt đỏ bậc nhất Thâm Quyến. Nhưng có thể nói rằng, việc cô có điều kiện đi du học Anh cũng cho thấy xuất phát điểm của cô đã cao hơn rất nhiều "mọt sách vùng quê" khác.

Con đường của Hứa Thần Mẫn - người thi đậu Thanh Hoa năm 2002 từ một huyện nghèo dường như là hình mẫu thực tế hơn. Anh tốt nghiệp thạc sĩ năm 2008, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, hiện là CTO của một tập đoàn.

Anh ước tính, khoảng 17 năm sau khi tốt nghiệp, có khoảng một nửa bạn học của anh có mức thu nhập trên 1 triệu tệ/năm (khoảng 3,6 tỷ đồng). Nhưng với bằng cấp danh tiếng, cộng thêm hơn chục năm kinh nghiệm làm việc, thì mức lương ấy thực ra cũng không phải là cao.

Họ từng là những người giỏi nhất được chọn ra từ hàng trăm ngàn, hàng triệu người, mà trong số những người từng bị họ đánh bại, có lẽ không ít người bây giờ lại có thu nhập vượt hơn họ.

Tôi cũng đã xem xét một số khảo sát và bài báo trong 5 năm gần đây, từ đó phác thảo nên bức tranh thực tế về cuộc sống của các thủ khoa Trung Quốc:

- Mức lương hàng năm của họ chủ yếu dao động từ 200 nghìn đến 2 triệu tệ (khoảng 700 triệu đến 7 tỷ), một số trở thành quản lý cấp cao của doanh nghiệp, nhưng rất hiếm người lọt vào danh sách Forbes.

- Khoảng 15% trong số họ vào làm trong cơ quan nhà nước, nhưng rất ít người lên đến cấp tỉnh hoặc bộ, đa phần dừng lại ở vị trí trung cấp;

- Chỉ khoảng 5% - 10% chọn con đường khởi nghiệp, mà trong số đó số người thành công cũng không nhiều, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực công nghệ và giáo dục.

Thành tựu nghề nghiệp của những học bá từng "làm mưa làm gió" ở các trường danh tiếng sau khi tốt nghiệp, thực ra thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của xã hội.

Tại sao cuộc đời của những học sinh xuất sắc hàng đầu lại không thể "mở hack" chỉ nhờ vào hào quang của trường danh tiếng?

Bởi vì chúng ta thường đánh giá quá cao vai trò của điểm số và trường học. Một ngôi trường tốt đúng là một điểm khởi đầu thuận lợi, nhưng nó hoàn toàn không quan trọng đến mức chúng ta vẫn tưởng.

Nhìn thực trạng của 20 thủ khoa ĐH, tôi thấy: Trong trường học, "Trạng Nguyên" chỉ có 1; nhưng trong xã hội Trạng Nguyên có thể rất nhiều - nếu bạn ĐỦ GIỎI và trút bỏ được "hào quang trường top"- Ảnh 2.

02

Có một hiện tượng như vậy: Những năm gần đây, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng đổ xô vào hệ thống nhà nước.

Kỳ thi công chức quốc gia, thi công chức cấp tỉnh, chương trình tuyển chọn sinh viên ưu tú, bác sĩ, giáo viên, biên chế sự nghiệp - sự cạnh tranh khốc liệt đang lan rộng và xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Năm 2021, Tổng công ty thuốc lá Hà Nam, Trung Quốc, công bố danh sách dự kiến tuyển dụng, cho thấy: Sinh viên tốt nghiệp từ các trường trọng điểm như Đại học Nhân dân Trung Quốc, Đại học Vũ Hán… đua nhau đăng ký làm công nhân dây chuyền sản xuất thuốc lá.

Trong số 135 người, có tới 41 người sở hữu bằng thạc sĩ, thậm chí cả du học sinh thạc sĩ tốt nghiệp Đại học Washington (Mỹ) cũng tranh giành cơ hội "miếng bánh thơm" này.

Năm 2022, trong một danh sách dự kiến trúng tuyển công chức tại quận Triều Dương, Bắc Kinh, vị trí bình thường tại văn phòng khu phố cũng thu hút toàn những sinh viên tốt nghiệp từ các trường hàng đầu tại Trung Quốc.

Thậm chí, vị trí "chấp pháp quản lý đô thị" ở khu phố lại tuyển được một tiến sĩ tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh.

Biết bao sinh viên trường danh giá, chỉ vì theo đuổi cảm giác ổn định mà còn trẻ đã chọn làm những công việc đơn điệu, lặp đi lặp lại, sống một cuộc đời mà tương lai có thể nhìn thấy trước chỉ bằng một cái liếc mắt.

Vì theo đuổi lợi ích ổn định từ hệ thống nhà nước, tấm bằng mà họ vất vả học suốt hơn chục năm trở thành một tấm vé dùng xong là vứt, năng lực chuyên môn tích lũy nhiều năm nói bỏ là bỏ. Từ những "con cưng của trời" được chọn lọc giữa hàng vạn người, họ dần trở thành những "người nghèo có học vấn cao", rơi vào trống rỗng tinh thần và thiếu vắng cảm giác thành tựu.

Trong môi trường đầy cạnh tranh như hiện nay, việc theo đuổi sự ổn định không có gì đáng trách. Nhưng nếu không phá vỡ thói quen phụ thuộc vào "hào quang trường top", thì việc đánh mất những khả năng khác trong đời lại là điều đáng buồn hơn.

Nhìn thực trạng của 20 thủ khoa ĐH, tôi thấy: Trong trường học, "Trạng Nguyên" chỉ có 1; nhưng trong xã hội Trạng Nguyên có thể rất nhiều - nếu bạn ĐỦ GIỎI và trút bỏ được "hào quang trường top"- Ảnh 3.

Trong bối cảnh hàng vạn người có học vấn cao chen nhau qua một cây cầu độc mộc, lại có một số người học lực bình thường, nhưng sau này lại vượt lên những học bá từng rực rỡ thời còn đi học, và đạt được cuộc sống tỏa sáng của riêng mình.

Ví dụ, gần đây trên mạng lan truyền một bức ảnh: Tại Trung Quốc, trong ba nhà sáng lập của ba công ty có giá trị thị trường hàng trăm tỷ nhân dân tệ hiện nay - Wang Ning (Bubble Mart), Zhang Hongchao (trà sữa Mixue), Zhang Junjie (Trà sữa Bá Vương), người có học vấn cao nhất là Wang Ning, tốt nghiệp một trường đại học dân lập. Hai người còn lại chỉ học hết cấp hai.

Khi con đường truyền thống vẫn tin vào logic tuyến tính "trường danh tiếng → lương cao → thành công", thì ba nhà sáng lập này lại dùng học vấn chẳng mấy ấn tượng để tạo nên kỳ tích thực sự trong giới kinh doanh.

Tôi không phải muốn chứng minh rằng học vấn không quan trọng, mà chỉ muốn nói với bạn rằng: Kỳ thi đại học là một trò chơi có quy tắc rõ ràng, điểm số, xếp hạng và kết quả xác định - nó là một "trò chơi hữu hạn". Nhưng cuộc đời là một "trò chơi vô hạn". Bản chất của trò chơi vô hạn không phải là thắng ở một thời điểm nào đó, mà là luôn giữ mình trên hành trình ấy.

Trường học của bạn, bằng cấp của bạn có thể quyết định bạn sẽ gặp gỡ những người bạn thế nào, công việc đầu tiên sau khi ra trường ra sao. Nhưng nó không quyết định được bạn sẽ đam mê điều gì trong tương lai, cũng không quyết định bạn sẽ trưởng thành đến đâu.

Nếu bạn bước ra khỏi khuôn mẫu "trường tốt → bằng tốt → công việc tốt → cuộc đời tốt đẹp", bạn sẽ phát hiện ra: Ở mỗi ngã rẽ của cuộc đời, đều có một "trạng nguyên mới" đang đứng đợi.

Nhìn thực trạng của 20 thủ khoa ĐH, tôi thấy: Trong trường học, "Trạng Nguyên" chỉ có 1; nhưng trong xã hội Trạng Nguyên có thể rất nhiều - nếu bạn ĐỦ GIỎI và trút bỏ được "hào quang trường top"- Ảnh 4.

03

Trong bộ phim tài liệu "Hồi Ức Về Kỳ Thi Đại Học Của Tôi, có một câu chuyện như thế này:

Hồi nhỏ, Trương Trung Thần học rất giỏi, nhưng lên cấp ba thì thành tích sa sút nghiêm trọng, cuối cùng thậm chí không thi đỗ đại học. Anh từng vào nhà máy làm công nhân một thời gian, sau đó đến làm bảo vệ tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Cũng chính tại nơi đó, anh nảy sinh niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật điện ảnh. Thế là anh bắt đầu miệt mài học mọi thứ liên quan đến phim ảnh, nghiên cứu đủ loại lý thuyết.

Lúc rảnh rỗi, anh lẻn vào lớp học để nghe giảng, ban ngày học tập, ban đêm làm bảo vệ, mỗi ngày đều nỗ lực hoàn thiện bản thân. Sau đó anh lại tự học kỹ thuật dựng phim, làm trợ lý dựng phim. Khi đã độc lập dựng xong bảy, tám bộ phim dài, anh bắt đầu tự viết kịch bản và làm bộ phim dài của riêng mình. Cuối cùng, anh trở thành một đạo diễn nổi tiếng, các tác phẩm còn đoạt giải lớn tại nhiều liên hoan phim danh giá.

Ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng có trạng nguyên - khi bạn chạm đến đỉnh cao trong lĩnh vực mà mình yêu thích, hãy cứ bình tĩnh.

Trong trường học, "trạng nguyên" chỉ có một, nhưng trong xã hội, trạng nguyên có thể là người giỏi nhất trong mỗi lĩnh vực, mỗi con đường.

Hiện nay, xã hội của chúng ta đã bắt đầu dùng thước đo đa chiều để đánh giá giá trị con người. Có người dùng mã lập trình để tái định hình thế giới; có người dùng con chữ để chữa lành tâm hồn; có người biến một ly trà sữa thành thương vụ hàng trăm tỷ.

Trong tương lai, học vấn cuối cùng cũng sẽ trở về với vai trò là công cụ, còn năng lực và giá trị sáng tạo mới là ánh sáng thật sự chiếu rọi thành tựu của một con người.

Nếu trường danh tiếng là hào quang bên ngoài, thì nhận thức bản thân mới chính là nguồn sáng nội tại thực sự.

Đặc biệt trong thời đại mà bằng cấp đang "lạm phát" như hiện nay, điều thực sự tạo ra khoảng cách giữa người với người không phải là thứ hạng trong một kỳ thi, mà là ai có thể tìm được điều mình yêu thích trong suốt hành trình dài của cuộc đời, tập trung rèn giũa sở trường, và không ngừng học hỏi, tiến bộ.

Vì thế, dù bạn đang đứng ở giai đoạn nào của cuộc đời, bạn cũng xứng đáng dốc toàn lực để khám phá con đường của riêng mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày