Nhìn hết "7749" loại mắm dưới đây, ai cũng nghĩ: Hình như con gì cũng có thể đem đi làm mắm?

Hải Nhi, Theo Nhịp Sống Việt 20:43 19/09/2019

Đoán biết bạn có phải là “fan cứng” của mắm Việt qua loạt danh sách “kính thưa các loại mắm” sau đây.

Mắm là một gia vị không thể thiếu của người Việt từ Bắc chí Nam. Dù bạn có phải là một người "cuồng" hương vị mắm hay không thì có thể bạn cũng sẽ "tá hỏa" với một loạt các loại mắm độc lạ, có một không hai sau đây đấy.

Mắm tép (Ninh Bình)

Đến với Ninh Bình, bạn không chỉ được đắm mình trong vùng đất thiên nhiên tươi đẹp mà đây còn là nơi níu giữ vị giác của thực khách bởi hương vị quyến rũ của món mắm tép đặc trưng đất Tràng An. Mắm tép dân dã tới nỗi nhà nào cũng có ít nhất một hũ để đãi khách đến chơi nhưng để mắm tép "tròn vị" nhất thì thật không phải dễ. Người làm phải thực hiện một quy trình nghiêm ngặt: từ khâu đãi tép, sơ chế tép, rang thính, ủ mắm... Nhưng món mắm tép chỉ thật sự "đỉnh cao" khi được  thấm trong hành, tỏi phi thơm cùng với chút mỡ, sau đó sẽ chưng lên cùng với thịt băm xay nhuyễn. Quẹt một miếng mắm tép với cơm nóng, chấm cùng với ít rau vườn là quá tuyệt cho một bữa ăn đồng quê mộc mạc đúng không nào?

Mắm cáy (Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng)

Bát mắm cáy sóng sánh hơi ngả hồng, thơm đậm, vắt chanh vào nhanh tay khuấy cho sủi bọt là bạn đồng hành của nhiều món quê như rau muống, rau lang, bầu bí luộc, thịt luộc, dưa cà… Với những con dân miền Bắc thì hẳn đây không phải là món ăn xa lạ. Đây là loại mắm làm từ con cáy - một loại cua sống nhiều ở vùng duyên hải, có màu xanh nâu, vị dịu, mùi hơi gắt. Đây là một trong những loại mắm cầu kì nhất ở khâu chế biến trong họ hàng, chị em "nhà mắm". Mắm cáy ngon phải được phơi sương một tuần cho ngấm, sau đó được trộn với thính, men rượu để dậy mùi thơm.

Mắm sò (Thừa Thiên Huế)

Nếu các loại mắm làm từ cá, tôm chưa đủ độc lạ để kích thích vị giác của bạn thì xin mời bạn ghé ngang miền biển xứ Huế để thưởng thức loại mắm "có một không hai" làm từ sò biển. Vùng biển Lăng Cô được thiên nhiên ưu ái ban tặng một sản vật nổi tiếng tươi ngon, được người dân miền biển chế biến thành một món ăn tinh tế đó là mắm sò. Một chén mắm sò bắt mắt với màu đỏ tươi được giã thêm ít tỏi ớt là có ngay món ngon "đưa cơm" trong những ngày mưa xứ Huế rồi. Mắm sò Lăng Cô sẽ trở thành món nước chấm ngon tuyệt khi sử dụng với rau sống, dưa giá, khế chua kẹp thịt ba chỉ; khi ăn sẽ có vị dai, thơm của sò, vị mặn của mắm, vị chua của khế và vị béo của thịt ba chỉ. 

Mắm còng (Long An, Bến Tre, Tiền Giang)

Mắm còng lột là đặc sản trứ danh vùng Gò Công, Long An, loại mắm từng được bà Từ Dũ đem vào cung đình Huế tiến vua và được đặc biệt yêu thích. Đối với những ai ở miệt rẫy thì món mắm còng này đã quá thân thuộc, cứ đến mùa là bà con nơi đây lại làm mắm để ăn, tặng bạn bè hoặc đem ra chợ bán. Mắm phải được làm từ những con còng vừa lớn, vừa có màu sắc đỏ tươi thì mới ngon. Khi ăn thì trộn còng với chanh, dứa, đường, tỏi ớt thì vị sẽ rất đậm, đặc biệt là ăn với cơm nóng cũng rất bén đấy. Món mắm còng mãi gắn liền với tuổi thơ lem luốc, giỏ còng bết bùn cùng bữa cơm đạm bạc mà ấm cúng ở vùng phèn mặn vất vả...

Mắm nhum (Bình Định)

Đã là mắm nhum thì ăn cách gì cũng ngon. Nhưng người dân vùng biển thích nhất dùng nó với bún tươi hoặc để chấm rau sống với thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng. Ngon đến nhức chân răng! Món mắm hảo hạng này có thể làm vừa lòng cả những thực khách khó tính nhất trong giới sành ăn. Nhum sau khi được làm sạch sẽ rắc thêm muối, cất trong chum, phơi ngoài nắng chừng 20 ngày sẽ chín. Hương vị béo béo, mằn mặn, bùi bùi của nhím biển sẽ khiến bạn lưu luyến khi rời xa vùng biển miền trung này đấy. Món mắm nhum này rất hiếm nên rất khó được thưởng thức, người dân ở đây thường hay mời bạn bè khách quý đến thăm nên nếu bạn được thưởng thức thì quả là may mắn.

Mắm thái (An Giang)

Chắc bạn đang nghĩ đây là món của người Thái, nhưng không đâu... đây chính là loại mắm được thái mỏng một cách đặc biệt. Châu Đốc nằm bên dòng sông Mê Kong hiền hòa và giàu tôm cá. Do sản lượng cá tươi quá nhiều, người dân không thể tiêu thụ hết nên đã chế biến thành các loại mắm và khô để lưu trữ được lâu ngày. Để mắm thơm ngon phải dùng đường thốt nốt và pha thêm đường cát trắng để mắm dậy mùi và có màu đỏ tươi thật hấp dẫn. Phần đu đủ phải được muối trước cả tháng mới đem ép nước, phơi khô, thái sợi trộn cùng đường và mắm. Có lẽ đó cũng chính là yếu tố góp phần làm nên hương vị thơm ngon đặc trưng của mắm thái Châu Đốc. Mắm thái ngon nhất khi được cuộn cùng với bún, rau sống, thịt luộc hay miếng cá lóc hấp, thêm vào chút rau thơm nữa là ngon "nhức nách".

Mắm rươi (Trà Vinh)

Nếu như miền Bắc có món chả rươi trứ danh thì ở xứ miền Tây sông nước lại có món mắm rươi độc đáo. Có một điểm rất đặc biệt là nơi ủ nước mắm rươi thì ruồi hay thằn lằn không hề dám bén mảng tới. Rươi ủ chừng ba tháng là cho nước mắm ăn được. Khi đó xác rươi chìm hết xuống đáy, nước mắm sẽ có màu vàng mật ong và trong suốt. Nhưng muốn thật ngon, nước mắm rươi phải ủ từ chín tháng trở lên. Cách ăn mắm rươi mộc mạc như người miền tây vậy đó, không cần phải pha chế thêm gì cả, cứ thế chấm ngập với vài mớ rau chuối,  rau lang sau nhà là có ngay bữa ăn đúng chất đồng quê.

Mắm ba khía (Cà Mau)

"Bản đồ mắm" Việt không thể không nhắc đến đặc sản ở đất mũi Cà Mau - nơi sản sinh ra mắm ba khía đặc trưng vùng đất nam bộ. Loại mắm này được làm từ con ba khía, trông có hình dáng tựa như một chú cua tí hon vậy. Để làm mắm ba khía ngon, người ta thường chọn những con nhỏ, gạch nhiều, thịt chắc. Mắm ba khía "xịn" nhiều khi để tới cả năm cũng không hư, tha hồ để dân miền tây làm ra đủ thứ món như gỏi ba khía, lẩu mắm,... Mắm ba khía phải nói là có mùi vị rất đặc biệt, ăn một lần là nhớ cả đời đó nha.

Là người con của đất Việt, bạn đã biết được hết các loại mắm ngon danh tiếng "Made in Viet Nam" kể trên chưa nhỉ? Nếu chưa thì hãy mau mau thử dần đi nhé, bởi mắm không chỉ là một  món gia vị, mắm còn là một hình ảnh mang tính giá trị văn hóa rất cao vì đó là một dấu ấn đặc biệt khi du khách nói về đất nước hình chữ "S" của chúng ta đấy.