Tiền bạc ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ trong cuộc sống. Nguyễn Ngọc Liên (28 tuổi, THPCM, làm marketing) chia sẻ: "Mình từng phải chia tay người yêu cách đây khoảng 2 năm vì cái tật mua sắm quá nhiều. Hồi đó cũng chả nghĩ ngợi gì nhiều, vẫn vô tư mua sắm những thứ mình yêu thích. Vì mình luôn quan niệm, tiền mình làm ra thì cứ tiêu thoải mái thôi, cần gì phải hỏi ý kiến của ai. Nhưng gần 2 năm nay, mình cũng không có 1 mối quan hệ nào kéo dài được quá 3 tháng. Lý do chia tay đều là vì mình không biết kiểm soát chi tiêu và luôn khiến đối phương cảm thấy áp lực vì cách tiêu tiền của mình."
Ngọc Liên chia sẻ câu chuyện của mình: "Mình từng rất nghiện mua sắm online. Thời còn đam mê chốt đơn, thậm chí mình còn dừng cả công việc để xem người ta bán hàng, tập trung cao độ để mua được những món hàng mình cho là hợp với bản thân. Rồi mừng như bắt được vàng mỗi khi chốt được món đồ mình thích. Nhưng rồi khi nhận được hàng, mình chỉ dùng được khoảng 10% trong số đó. Đa phần, những món đồ này được mua theo cảm xúc.
Sau này khi thương mại điện tử nổi lên, mình lại chuyển sang mua sắm trên các sàn online. Toàn mua những món đồ linh tinh nhưng mỗi đơn cũng lên tới cả triệu bạc. Lâu lâu có ngày sale, mình còn dùng cả tài khoản của người yêu để mua sắm, tránh mất đi những mã giảm giá chất lượng. Riết rồi, người yêu mình thấy không ổn, khi ngày nào cũng phải nhận đơn hộ mình. Có lúc, anh cũng kêu với mình rằng: 'Sao em mua đồ nhiều vậy, liệu có dùng đến hay không?', hay 'Anh toàn thấy em mua mấy món đồ linh tinh...'. Nhưng mình cũng cứ lờ đi, và cho rằng chuyện con gái mua sắm là bình thường.
Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài (Ảnh: Pinterest)
Có một khoảng thời gian, mình còn mua thêm cả những món đồ đắt đỏ, mà có khi cũng không thực sự cần thiết cho cuộc sống. Tiêu hết tháng lương, đôi lúc cũng cầm thẻ của người yêu quẹt vì muốn mua được món đồ đó ngay lập tức. Đấy cũng chính là lý do khiến bọn mình chia tay. Kể cả những mối quan hệ sau đó cũng vậy, mọi người đều không đồng ý với cách chi tiêu kiểu đó.
Khi đó, có 1 câu nói làm mình nhớ mãi: 'Em làm ra 10 đồng mà tiêu đến 8 đồng như vậy thì không nên lập gia đình. Vỡ nợ mất đấy!'. Chính câu nói đó giúp mình nhận ra, rằng: Nếu như mình không tự chủ được tài chính, thì sẽ bị bỏ lại trong tất cả các mối quan hệ như tình bạn hoặc tình yêu.
Quá trình cai nghiện mua sắm đó cũng chẳng dễ dàng gì. Thật sự mình đã phải kiềm chế rất nhiều, học cách hiểu bản thân mình cần gì, muốn gì, món đồ nào phù hợp, để đưa ra được những quyết định đúng đắn hơn trong chi tiêu. Khi đã quen chi tiêu theo cách làm 10 mà tiêu đến 9, 10, thậm chí hơn cả tiền làm ra, đột nhiên phải chuyển sang 'cắt giảm', mình cũng cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Vậy nên, mình không giữ hết tiền lương nữa mà 'cai' bằng cách gửi dần về cho mẹ giữ hộ: tháng thì 10%, tháng 20%, và bây giờ là đều đặn 25%. Mình còn cắt giảm bớt những chi tiêu phung phí như ăn uống cùng bạn bè, cafe... Tiết kiệm những bữa ăn ngoài tốn kém bằng cách tự nấu ăn, biết nói từ chối với những cuộc vui tốn kém. Mình có 1 mục tiêu mới, là trước khi lấy chồng phải có sổ tiết kiệm riêng và học được cách quản lý tài chính cá nhân, gia đình, chủ yếu là để gìn giữ hạnh phúc của chính mình''.
Khi chưa chịu quá nhiều vướng bận của gia đình, con cái, thì những người độc thân nên suy nghĩ thật nghiêm túc về tài chính cá nhân. Học cách kiểm soát tiền thật tốt, để không rơi vào tình trạng tiêu xài lãng phí, không có tích lũy gì cho sau này. Để có sức khỏe tài chính tốt, bạn cần tập trung làm tốt 2 việc: Tích lũy nhiều nhất có thể và không ngừng gia tăng thu nhập.
Thời điểm không cần lo lắng tài chính cho bất kỳ ai khác, thì khoản tiền bạn làm ra sẽ được tiêu xài theo cách mà bạn muốn. Lúc này, điều bạn cần làm là học cách chi tiêu có kiểm soát hơn.
Ngọc Liên cho biết: "Trước đây, mình luôn có suy nghĩ lúc trẻ không hưởng thụ, cuộc sống sau này sẽ rất nuối tiếc. Nhưng hiện tại, mình lại có nỗi sợ rằng nếu cứ làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu thế này, thì về già có lẽ sẽ rất khó khăn vì chuyện tiền bạc. Bản thân mình không thể dựa dẫm vào ai ngoài chính mình cả. Vậy nên, mình đang theo đuổi lối sống cân bằng giữa hưởng thụ ở hiện tại, và tích lũy cho tương lai''.
(Ảnh minh họa: Pinterest)
Việc tích lũy tiền bạc đến từ những chi tiêu nhỏ nhặt trong cuộc sống như: Sống tối giản đồ đạc hơn để bớt chi phí cho những món đồ không quá cần thiết; Không tiêu xài quá nhiều cho những nhu cầu tốn kém như ăn, chơi, tiệc tùng,... Lựa chọn mức sống phù hợp, căn chỉnh không vượt quá 50% thu nhập hiện tại.
Thêm vào đó, phải biết chuẩn bị 1 khoản tiền dành cho những trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như đột nhiên thất nghiệp, hoặc những rủi ro bất chợt trong cuộc sống. Có 1 giải pháp khiến bạn không tiêu quá đà, đó là hãy chia thành 2 loại tài khoản: 1 tài khoản để chi tiêu hàng ngày mở thẻ ATM, 1 loại tài khoản để tiết kiệm thì không cần mở thẻ. Mỗi khi nhận được thu nhập, có thể chuyển tiền vào tài khoản gửi tiết kiệm luôn. Và cố định mức chi phí sinh hoạt hàng tháng để tránh tiêu lố tiền lương.
Đối với những người làm giờ hành chính 8 tiếng, thì sau đó có thể tận dụng thời gian còn lại để kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, có rất nhiều cách giúp bạn gia tăng thu nhập từ các nghề tay trái. Chỉ cần bỏ thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, chắc chắn bạn sẽ kiếm thêm khoản tiền không nhỏ. Những người còn độc thân sẽ có khoảng thời gian tự do nhiều hơn, nên càng cần phải tranh thủ sức trẻ để có được tích lũy tài chính tốt hơn.
Kế đến, là các khoản đầu tư về dài hạn: Chưa thấy lợi ngay trước mắt, nhưng trong tương lai lại là khoản hỗ trợ bạn đáng kể. Một trong số đó là bảo hiểm. Bạn cũng cần hết sức lưu ý về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động, để không bỏ qua các cơ hội tạo dựng quỹ tài chính nhỏ cho bản thân về sau này. Bên cạnh đó là liên tục bổ sung kiến thức chuyên ngành, kiến thức tài chính và đầu tư. Đây sẽ là nền tảng giúp bạn có thể tạo ra các nguồn thu nhập thụ động trong tương lai mà không cần phụ thuộc vào tiền lương hàng tháng nữa.